Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 trị giá gần 700 tỷ đồng, đây là công trình được Hà Nội đưa vào thông xe từ ngày 5/10 với mục tiêu là góp phần giảm ùn tắc, đảm bảo giao thông cho trung tâm Hà Nội.
Song, chỉ sau khoảng nửa tháng thông xe, ghi nhận của PV vào giờ cao điểm, tại khu vực hầm chui vẫn đông đúc, xuất hiện ùn tắc kéo dài.
Phương tiện ùn ứ kéo dài khi lưu thông qua hầm chui Lê Văn Lương giờ cao điểm
Lúc 8h00 sáng ngày 20/10, trong hầm chui hướng đi Lê Văn Lương ùn tắc, nhiều phương tiện xe máy lưu thông tới giữa hầm nhận thấy phía trước rừng phương tiện còn đang “chôn chân” lập tức cho xe quay đầu di chuyển ngược chiều để lưu thông phía đường ở trên.
Còn lại các phương tiện kiên nhẫn lưu thông từ hầm lên lại tiếp tục chật vật di chuyển trong ùn ứ khi tứ phía (Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân) lưu lượng phương tiện khổng lồ đang bủa vây.
Theo một nhân viên làm việc tại Đại lý ô tô Hòa Bình (số 12 Lê Văn Lương) chia sẻ: “Trước đây đã ùn tắc nhưng sau khi thông xe hầm chui, tình trạng này không giảm nhiệt được nhiều. Cứ khoảng từ 8h - 8h30 sáng hàng ngày xuất hiện ùn tắc kéo dài”.
Cách đây 6 năm (ngày 8/1/2016), Hà Nội đã thông xe hầm chui Trung Hòa với tổng mức đầu tư của dự án là 1.087 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc kéo dài vẫn thường xuyên xảy ra ở đây.
Vào giờ cao điểm, xuất hiện nhiều phương tiện lưu thông hướng Đại lộ Thăng Long - Trần Duy Hưng tới khu vực hầm chui Trung Hòa lại di chuyển ngược chiều.
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Trung tá Trần Quang Chinh - Đội phó Đội CSGT số 6, Phòng CSGT công an Hà Nội là do lưu lượng tham gia giao thông ở khu vực trên trong giờ cao điểm ngày càng đông đúc.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định đang khảo sát để tổ chức lại giao thông trên tuyến đường Lê Văn Lương. Sau khi hầm chui đưa vào khai thác sẽ theo dõi, đánh giá để tổ chức lại cho phù hợp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận