Đô thị

Hà Nội: Dự án thoát nước đủng đỉnh, dân khổ đến bao giờ?

11/08/2023, 10:00

Nhiều dự án thoát nước thi công đều ì ạch, thậm chí “đắp chiếu” cả năm, ảnh hưởng lớn tới việc đi lại của người dân.

Dự án “rùa bò”, giao thông bị bóp nghẹt

Hơn một năm trước, khi đi qua đường Vũ Trọng Khánh (phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội), chị Vũ Thu Phương (trú tại quận Hà Đông) bất ngờ thấy 2/3 lòng đường đã bị rào chắn, người dân chen chúc trên phần đường chật hẹp còn lại. Hỏi ra mới biết là để phục vụ dự án xử lý nước thải Yên Xá.

img

Hàng loạt lô cốt án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông, Hà Nội) ảnh hưởng lớn tới việc đi lại của người dân. Ảnh: Tạ Hải.

Ngày này qua tháng khác, chị Phương vẫn hy vọng một ngày khi những tấm tôn được dỡ ra, mặt đường hoàn trả, đi làm sẽ đỡ vất vả hơn, bớt cảnh ùn ách.

“Tất cả vị trí quây tôn bên trong công trường đều đã được đào thành hố sâu rồi để đó. Công trường án binh bất động. Giờ cao điểm hàng ngày, cả nghìn phương tiện phải xếp hàng, nhích từng chút một. Cứ đà này, không biết bao giờ đường mới thông trở lại”, chị Phương ngán ngẩm.

Đáng nói, Vũ Trọng Khánh không phải là “con đường đau khổ” duy nhất bị ảnh hưởng bởi một trong những dự án quy mô lớn nhất của Hà Nội về xử lý nước thải này.

Để phục vụ thi công gói thầu số 2 của dự án, cùng với hàng chục lô cốt dựng lên từ lâu trên trục đường Nguyễn Xiển, từ giữa tháng 6/2023, rào chắn tại 8 vị trí trên đường Nguyễn Trãi tiếp tục được dựng lên.

Không ngoài dự đoán, khi lòng đường bị thu hẹp, tuyến Trần Phú - Nguyễn Trãi vốn đã tắc lại càng thêm tắc.

“Tôi ngày nào cũng phải đi làm qua đây. Trước đây đường đã thường xuyên tắc, giờ phải dùng từ “chật cứng”, “nghẹt thở” mới tả hết sự khốn khổ đi qua tuyến đường này”, anh Lê Minh Lâm (Kim Giang, Hà Nội) chia sẻ.

Bức xúc nói về những bất cập của dự án xử lý nước thải Yên Xá, chị Hạnh (sống tại quận Hà Đông) cũng không ngừng than thở về “dớp” lụt tiến độ của các dự án thoát nước ở Hà Nội.

“Nào có phải chỉ mỗi dự án xử lý nước thải Yên Xá, tôi có cảm giác như dự án nào liên quan đến thoát nước cũng đang chậm. Có cảm giác cơ quan quản lý, nhà thầu thi công đang hết sức vô cảm. Rào cứ rào, tắc cứ tắc, đủng đỉnh cứ đủng đỉnh”, chị Hạnh bức xúc.

Thực tế, theo tìm hiểu của PV, không chỉ dự án trên, dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây TP Hà Nội gồm kênh dẫn nước La Khê và trạm bơm Yên Nghĩa được khởi công vào cuối năm 2015, với tổng mức đầu tư 7.466 tỷ đồng vẫn chưa thể hoàn thiện.

Dù trạm bơm Yên Nghĩa đã hoàn thiện từ tháng 1/2020 nhưng đến nay, trạm bơm này vẫn hoạt động cầm chừng (phát huy khoảng 30% công suất) do dự án cứng hóa kênh La Khê còn vướng giải phóng mặt bằng.

Theo ghi nhận, đoạn kênh La Khê dọc đường Ngô Quyền (thuộc địa bàn phường Vạn Phúc, Hà Đông) vắng bóng công nhân thi công từ cả năm nay, hạng mục đường giao thông hai bên bờ kênh chưa được triển khai.

Bên ngoài, lòng đường xuống cấp nghiêm trọng, nhiều vị trí mặt bê tông còn nứt toác, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại.

Vướng mặt bằng, nhà thầu yếu

Theo thông tin của Báo Giao thông, khó khăn liên quan đến các dự án nước thải sẽ chưa thể sớm chấm dứt do UBND TP Hà Nội đã có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thời gian thực hiện dự án xử lý nước thải Yên Xá kéo dài tới năm 2025.

Cần phải nói rằng, tại thời điểm khởi công hồi tháng 10/2016, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 61 triệu Yên (tương đương hơn 16.293 tỷ đồng) này được kỳ vọng sẽ hoàn thành vào tháng 10/2019, trước 2 năm so với thiết kế ban đầu (năm 2021). Việc rút ngắn thời gian này được tính toán sẽ tiết kiệm khoảng 40 triệu USD.

Đến nay, đã quá mốc hoàn thành hơn 2 năm, cả 4 gói thầu thuộc dự án vẫn còn ngổn ngang nhiều hạng mục, gây ảnh hưởng lớn đến giao thông.

Nguyên nhân được chủ đầu tư giải thích là, trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các nhà sản xuất, cung cấp trang thiết bị cho nhà máy chậm giao hàng và không thể vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam.

Bên cạnh đó, công tác thi công của các gói thầu gồm nhiều tuyến trải dài trên địa bàn nhiều quận, huyện, xã, phường; khu vực thi công gồm nhiều công trình ngầm, nổi; năng lực của nhà thầu hạn chế…

Vì thế, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá đến hết năm 2025.

Tiến độ dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây TP Hà Nội khả quan hơn khi lãnh đạo quận Hà Đông cam kết hoàn thành GPMB trong năm nay.

Cụ thể, theo Chủ tịch UBND quận Cấn Thị Việt Hà, dự án có tổng diện tích cần GPMB là 30,7ha, sau rà soát cần giải phóng mặt bằng 29,15ha. Đến nay đã GPMB được 28,45ha, đạt 97,59% và đã bàn giao cho chủ đầu tư 26,32ha để thi công. Đến nay, các vướng mắc đã được thành phố và các sở, ngành tháo gỡ, đặc biệt là công tác tái định cư.

“Chúng tôi xác định đây là dự án trọng điểm nên đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan để hoàn thành GPMB trong năm 2023”, bà Hà khẳng định.

Lo lắng tiến độ dự án, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, thời gian vừa qua, mỗi khi Hà Nội xuất hiện mưa lớn, các tuyến đường như Dương Đình Nghệ, đường gom Đại lộ Thăng Long và nút giao An Khánh, đường Quang Trung kéo dài (Hà Đông)… đều xảy ra ngập úng cục bộ có nguyên nhân do tiến độ thi công dự án nói trên chưa hoàn thành như kỳ vọng.

Theo ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội, nhiều dự án thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn đều chậm tiến độ đề ra, nguyên nhân bao gồm nguồn vốn và cơ chế chính sách, vướng GPMB.

“Về vướng giải phóng mặt bằng, số hộ chưa di dời chưa nhận tiền đền bù không nhiều nhưng đang làm ảnh hưởng đến các dự án đang triển khai”, ông Quân nói và cho biết, đã yêu cầu một số quận, huyện có các dự án thoát nước và xử lý nước thải đang triển khai như Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Hà Đông cần có báo cáo chi tiết và đề xuất cụ thể giải pháp khắc phục.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.