Bất động sản

Hà Nội dừng gần trăm dự án "treo"

26/03/2024, 06:30

Sau quá trình rà soát, phân loại, TP Hà Nội dừng thực hiện gần trăm dự án "treo", chưa được Nhà nước giao đất.

Dự án bỏ hoang "treo" quyền lợi người dân và doanh nghiệp

Dự án Khu đô thị Làng hoa Tiền Phong (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh) do Công ty TP làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt năm 2005 với tổng kinh phí đầu tư 920 tỷ đồng.

Theo dự kiến, dự án này khởi công vào năm 2005, hoàn thành vào năm 2013, nhưng đến nay dự án vẫn là bãi đất trống. Người dân tận dụng mặt bằng để chăn thả gia súc.

Hà Nội dừng gần trăm dự án

Dự án Khu nhà ở Minh Đức (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh) do Công ty CP đầu tư thương mại Minh Đức làm chủ đầu tư vẫn đang bỏ đất trống.

Tương tự tại Dự án Khu nhà ở Minh Đức (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh) do Công ty CP đầu tư thương mại Minh Đức làm chủ đầu tư. Dự án được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 18/7/2008. Sau nhiều lần điều chỉnh, dự án đã được xây dựng cơ bản về hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông nội khu, cây xanh, hệ thống điện, nước. Tuy nhiên, hiện trạng phần lớn khu đất quây tôn, bỏ trống, chưa xây dựng, đưa vào sử dụng.

Dự án Khu chung cư cao tầng và nhà ở cho cán bộ công nhân các khu công nghiệp do Công ty CP đầu tư phát triển 18 làm chủ đầu tư cũng trong tình cảnh tương tự.

Tình trạng ôm đất bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực đất đai, bức xúc trong dư luận bởi người dân không có đất canh tác.

Ông T.V.M (xã Tiền Phong) cho biết, toàn bộ khu đất này trước đây là "bờ xôi ruộng mật". Người dân nhường đất để làm dự án với mong muốn địa phương thay đổi. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn bỏ hoang, nông dân không có đất canh tác.

Dự án chưa thể triển khai, ngay bản thân doanh nghiệp cũng "khóc ròng" bởi đã đổ nhiều chi phí đầu tư cho dự án.

Đại diện Công ty CP đầu tư phát triển 18, chủ đầu tư dự án Khu chung cư cao tầng và nhà ở cho cán bộ công nhân các khu công nghiệp (tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh) cho biết, doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều vào dự án. 

"Dự án treo không phải do doanh nghiệp không muốn làm, nguyên nhân là sau khi sáp nhập vào Hà Nội, các dự án phải điều chỉnh quy hoạch. Hiện giờ lại phải chờ điều chỉnh từ quy hoạch chung Thủ đô. 

Chúng tôi đã hoàn thành GPMB đến 95% nhưng dự án vẫn chưa thể triển khai được. Chỉ riêng lãi ngân hàng trong những năm qua đã khiến doanh nghiệp vất vả rồi", vị đại diện nói.

Chấm dứt hoạt động gần 80 dự án

Theo UBND TP Hà Nội, đơn vị đã tổ chức rà soát, làm việc với 16 UBND quận, huyện để chỉ đạo xử lý đối với từng dự án chậm triển khai. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã có 18 báo cáo kết quả thực hiện khi làm việc với các quận, huyện.

Cụ thể, trong số 135 dự án chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất thì có 79 dự án (chiếm 58,5%) được xác định thuộc diện chấm dứt hoạt động dự án, dừng triển khai hoặc chấm dứt việc giao chủ đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch; 42 dự án được Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị tiếp tục triển khai, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; 14 dự án được Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thanh tra để thiết lập hồ sơ làm cơ sở xem xét chấm dứt dự án theo quy định.

Đối với 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thì có 193 dự án (chiếm 47,7%) được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai; 221 dự án (chiếm 52,2%) đã có chỉ đạo xử lý, kết luận thanh tra.

Đối với 173 dự án do UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất mới thì có 58 dự án (chiếm 33,5%) được đưa ra danh sách các dự án chậm triển khai (tăng 26 dự án so với giữa năm 2023); có 97 dự án (chiếm 56,1%) đã có chỉ đạo xử lý, kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm; có 32 dự án (chiếm 4,5%) còn phải xử lý.

Theo Hà Nội, trong tổng số 712 dự án (với diện tích hơn 5.000ha) sử dụng vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất nhưng chậm triển khai trên địa bàn thành phố có: 330 dự án (chiếm 46,3%) được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai (tăng 26 dự án so với giữa năm 2023); 350 dự án (chiếm 49,2%) đã có chỉ đạo xử lý, kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm; 32 dự án (chiếm 4,5%) còn phải xử lý.

Thời gian tới, UBND thành phố tiếp tục quyết liệt xử lý các dự án chậm triển khai theo hướng công khai, minh bạch và chỉ đạo sự vào cuộc, phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị để cùng giải quyết; các tổ công tác chủ động triển khai làm việc với từng đơn vị, xem xét từng dự án cụ thể, có kết luận và biện pháp xử lý ngay khi kết thúc nội dung làm việc...

Thanh tra TP Hà Nội vừa công khai kết luận thanh tra về nội dung chậm xác định giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn TP Hà Nội.

Thanh tra Hà Nội xác định các dự án chậm xác định giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền sử dụng đất, thuê đất gồm: Dự án Tổ hợp văn phòng và nhà ở Housinco Tân Triều tại ô đất CT5, khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang I, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì; Dự án Trung tâm thương mại Vân Hồ, quận Hai Bà Trưng; Dự án ĐTXD Khu nhà ở Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây; Dự án Tòa nhà hỗn hợp dịch vụ thương mại, văn phòng, khách sạn phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy; Dự án du lịch sinh thái và nhà nghỉ cuối tuần tại khu Rốn Rện, phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây.

5 dự án nữa là: Dự án Tòa nhà văn phòng và thương mại dịch vụ tại lô C/D11 Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy; Dự án Tổ hợp kinh doanh phát triển công nghệ tin học Mitec; Dự án ĐTXD, vận hành và kinh doanh một tổ hợp văn phòng cho thuê tại số 289 Khuất Duy Tiến, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy; Dự án xây dựng trụ sở làm việc và văn phòng cho thuê, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy; Dự án Khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy.

Thanh tra Hà Nội chỉ ra trách nhiệm trên thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Tài chính; Sở Xây dựng...

Thanh tra TP Hà Nội đã kiến nghị UBND TP, các cơ quan có trách nhiệm cần kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng chậm xác định giá đất đối với các dự án; kiến nghị các giải pháp để xử lý vấn đề nêu trên...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.