Ngày 16/7, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, cho biết, đã hoàn thiện dự thảo lần 2 hướng dẫn chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục và trách nhiệm của sở ngành trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 về hỗ trợ DN và người lao động gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19.
“Dự kiến tới 20/7 bản dự thảo cuối cùng sẽ được trình lên UBND Thành phố xem xét”, ông Khánh nói.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội
Thưa ông, Quyết định 23 hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 68 về việc hỗ trợ người dân và DN gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 đã được ban hành hơn 1 tuần qua, vậy tới nay, Hà Nội có gặp khó khăn gì khi thực hiện?
Rút kinh nghiệm từ việc thực hiện gói hỗ trợ lần trước của Nghị quyết 42, có thể nói tới giờ này, Hà Nội không gặp khó khăn vướng mắc nào.
Chiều 7/7, Quyết định 23 ban hành, thì sáng 8/7 chúng tôi đã lập tổ công tác liên hệ với các sở ngành liên quan, lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, phối hợp triển khai.
Anh em làm việc không có thứ Bảy, Chủ nhật, để soạn dự thảo hướng dẫn quy định trách nhiệm từng cấp, trình tự ra sao, phân bổ nguồn vốn như thế nào…
Tới ngày 13/7 dự thảo lần 1 được gửi lấy ý kiến nội bộ, chiều 14/7 hoàn tất dự thảo lần 2 gửi về UBND quận huyện, thị xã và các các sở ngành liên quan góp ý kiến.
Tất cả công việc được triển khai nhanh chóng, kịp thời, trách nhiệm và đầy đủ!
Cụ thể, tinh thần trên được đưa vào trong dự thảo như thế nào thưa ông?
Điểm ưu việt dễ nhận thấy từ Nghị quyết 68 chính là chính sách đã bao trùm không chỉ đối tượng đã bị ảnh hưởng mà còn đang và sẽ bị tác động bởi đại dịch Covid-19.
Chính điều này sẽ giúp các địa phương chủ động căn cứ vào tình hình dịch trên địa bàn của mình đưa ra quyết định hỗ trợ đầy đủ cơ sở pháp lý với tầm nhìn rộng.
Do đó, Hà Nội đã xây dựng dự thảo cụ thể hóa về trình tự, thủ tục phân công rõ trách nhiệm cả các sở ngành liên quan, UBND cấp huyện trong tổ chức thực hiện. Đảm bảo các đơn vị có căn cứ triển khai ngay, chính xác, công khai, minh bạch, tránh việc lạm dụng trục lợi chính sách của nhà nước.
Riêng về đối tượng lao động tự do, căn cứ Nghị quyết 68, Sở xây dựng tiêu chí đối tượng, điều kiện, nguyên tắc hỗ trợ, để đảm bảo đúng quy định, đồng thời nghiên cứu các phương thức chi trả để đảm bảo theo đúng nguyên tắc; Phân cấp cho các sở, ngành UBND cấp huyện trong việc phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, trình tự giải quyết và tăng trách nhiệm trong việc thực thi chinh sách.
Đối với các nội dung nào đã rõ thì làm ngay không cần chờ nội dung khác để đảm bảo kịp thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và DN.
Hà Nội sẽ ban hành hướng dẫn chi trả gói 26 nghìn tỷ đồng theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, đủ căn cứ pháp lý để cơ sở dễ thực hiện (ảnh chi trả gói hỗ trợ an sinh 62 nghìn tỷ đồng năm 2020)
Rõ ràng "nóng" nhất lúc này là người lao động tự do gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, khi giao quyền cho địa phương tự quyết, lại xảy ra 2 luồng ý kiến: Một là lạm quyền hỗ trợ sai đối tượng, hai là “sợ không dám quyết”! Vậy Hà Nội đã làm gì để hạn chế tình trạng trên?
Như tôi đã nói, tiếp thu kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết 42, lần này, ngay từ khi xây dựng dự thảo, chúng tôi đã công khai, minh bạch, lắng nghe ý kiến từ cơ sở - địa bàn trực tiếp thực hiện chính sách.
Chính vì vậy, dự thảo là sản phẩm được ban hành trên tinh thần thống nhất chứ không phải mang tính áp đặt từ trên xuống.
Dự thảo cũng hướng dẫn, xác định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, đủ căn cứ pháp lý để anh em dễ dàng thực hiện; không đặt ra thêm bất cứ cái gì ngoài hồ sơ mà Nghị quyết 68 và Quyết định 23 quy định…
Song song với đó, phân cấp ủy quyền, tăng trách nhiệm người thẩm định phê duyệt, cộng với công tác thanh tra kiểm tra, phối hợp giữa các cấp ngành để kịp thời tháp gỡ khó khăn vướng mắc khi giải ngân…
Cảm ơn ông!
Từ cuối tháng 4/2020 đến tháng 5/2021, Hà Nội đã hỗ trợ cho tổng số 515.515 người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với số tiền hơn 608 tỷ đồng.
Trong đó, nhóm đối tượng là người lao động và hộ kinh doanh có 130.107 người được hỗ trợ với số tiền gần 131,6 tỷ đồng.
Nhóm người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ một tháng trở lên có 1.303 người được hỗ trợ với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng.
Nhóm lao động tự do có 125.313 người được hỗ trợ với số tiền hơn 125 tỷ đồng...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận