Bất động sản

Hà Nội: Người dân bức xúc vì xã bàn giao đất dịch vụ khi chưa hoàn thiện hạ tầng

20/03/2024, 06:50

Xã An Thượng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) bàn giao đất dịch vụ cho người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi khi hạ tầng chưa hoàn thiện gây bức xúc trong dư luận.

Dự án đất dịch vụ vẫn là sình lầy

Gần đây, Báo Giao thông nhận được phản ánh của người dân được hưởng đất dịch vụ An Thượng (xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) về việc, dự án chưa hoàn thiện hạ tầng đã bàn giao cho người dân.

Hà Nội: Người dân bức xúc vì xã bàn giao đất dịch vụ khi chưa hoàn thiện hạ tầng- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Hồng Hạnh, người dân phản ánh về việc dự án giao đất khi chưa xong hạ tầng.

Theo đó, bà Nguyễn Hồng Hạnh (người dân) cho biết, xã An Thượng được nhà nước giao 12,5ha đất dịch vụ (ven đường liên khu 8) để đền bù (10%) cho người dân bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp.

Cuối năm 2021, UBND xã An Thượng đã bàn giao đất dịch vụ giai đoạn 1,2 với khoảng hơn 300 lô. Đáng nói, UBND xã An Thượng bàn giao cho người dân khi dự án chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.

Để khẳng định cho những phản ánh của mình, bà Hạnh đã thuê Công ty Cổ phần quốc tế Phương Nga (Thanh Xuân, Hà Nội) khảo sát địa chất tại khu vực 12,5ha này. Kết quả khảo sát cho thấy những vị trí khảo sát vẫn là đất nguyên thổ, không gặp các lớp đất khác như đất sét, đá basem, rác thải, vật liệu xây dựng... (vật liệu san lấp mặt bằng - PV).

Hà Nội: Người dân bức xúc vì xã bàn giao đất dịch vụ khi chưa hoàn thiện hạ tầng- Ảnh 2.

Đường giao thông nội khu dự án đất dịch vụ An Thượng chưa hoàn thiện, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Một người dân khác cho biết, ông đã đóng tiền 810m2/m2 đất để làm hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ. Nhưng đến nay, ông vẫn chưa nhận được thông báo về việc giao đất dịch vụ. Đã thế, UBND xã An Thượng tiếp tục có giấy thông báo nộp thêm tiền. 

"Nhà tôi đã thu hồi một thửa đất và tôi đã đóng 810.000/m2 để làm hạ tầng khu đất dịch vụ, đến nay chưa có một thông báo nào về giao đất. Giờ chính quyền lại tiếp tục có thông báo nộp thêm tiền đầu tư hạ tầng. Tôi cho rằng, việc này thiếu rõ ràng. Tôi cũng không biết số tiền 810.000đ/m2 tôi đóng trước đó được quản lý, sử dụng như thế nào?", người dân đặt câu hỏi.

Dừng dự án, chờ kết luận của cơ quan điều tra

Theo phán ánh của người dân, PV Báo Giao thông đã có mặt tại dự án. Ghi nhận của PV tại đây cho thấy, dự án chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật. Đường giao thông đã hình thành, xong dừng lại ở việc dải bây, đất đá lởm chởm, xe cộ chạy qua quẩn lên bụi mù. 

Dự án cũng chưa có hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống đường nước. Nhiều ô đất đã được xây rào thành hình, xong nền đất vẫn là sình lầy, hồ, người dân tận dụng chăn trâu, thả vịt. 

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức cho biết, dự án này do UBND xã An Thượng làm chủ đầu tư. Dự án nghiệm thu theo khối lượng hoàn thành, chưa quyết toán. 

Cũng theo ông Hoàng, sau khi có đơn thư của người dân, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện Hoài Đức đã có thông báo về tiếp nhận tin báo về tội phạm, do đó, dự án dừng triển khai chờ kết quả của cơ quan công an.

Để có thêm thông tin, PV Báo Giao thông đã nhiều lần liên hệ với ông Cao Thanh Tâm, Chủ tịch UBND xã An Thượng đặt lịch làm việc, nhưng ông Tâm báo bận.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tổng số nhu cầu đất dịch vụ để giao cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố là 360,52 ha với 55.580 hộ.

Đến nay, Hà Nội mới thực hiện giao đất dịch vụ cho 36.557 hộ, diện tích 248,33 ha. Số hộ chưa giao đất dịch vụ là 19.023 hộ, diện tích 112,19 ha, chủ yếu thuộc các quận, huyện: Thanh Trì, Hà Đông, Mê Linh, Thanh Oai, Quốc Oai, Hoài Đức.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức, cho biết giao đất dịch vụ trên địa bàn huyện Hoài Đức trải qua thời gian rất dài, từ thời là tỉnh Hà Tây.

Đến nay, huyện Hoài Đức đã giao được 85%, số còn lại thuộc 2 nhóm: Nhóm không phối hợp và nhóm có vấn đề về nhầm lẫn, sai sót hồ sơ. Huyện đang đẩy tiến độ, đầu tư thêm hạ tầng, hoàn thiện tiếp.

Cũng theo ông Hoàng, dự án đất dịch vụ được đầu tư theo giai đoạn, giai đoạn 1 làm hạ tầng tối thiểu như san nền, khuôn đường.

Người được nhận đất dịch vụ phải tạm nộp 810.000 đồng/m2 để phục vụ giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng tối thiểu. Tất cả tiền này đều nộp vào ngân sách Nhà nước, giao ngân sách xã quản lý.

Giai đoạn 2 gồm đầu tư hệ thống điện, đường, hệ thống nước thuộc đầu tư công, căn cứ nguồn lực của huyện.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.