Đường sắt đô thị

Hà Nội sắp trình duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư đoạn tuyến metro số 2

11/07/2023, 14:49

Hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đô thị đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong tháng 7/2023.

Thông tin về công tác triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, tại công văn gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, UBND TP Hà Nội cho biết, sau khi Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương dự án được HĐND thành phố thông qua (4/7/2023), UBND thành phố đang chỉ đạo các Sở, ngành, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh dự án theo quy trình.

img

Theo phương án điều chỉnh, tuyến đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành năm 2029 (Ảnh minh họa)

Dự kiến, hồ sơ điều chỉnh chủ trương dự án sẽ được UBND TP Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 7/2023.

Dự án đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có chiều dài 11,5 km, đi qua địa bàn các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng.

Trong đó, đoạn đi ngầm dài gần 9km, đoạn trên cao dài 2,6km. Công trình gồm 10 ga (3 ga trên cao, 7 ga ngầm).

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại quyết định 2054 ngày 13/11/2008, tổng mức đầu tư dự án là 19.555 tỷ đồng.

Trong đó, vốn vay ODA là gần 16.500 tỷ đồng; vốn đối ứng do ngân sách TP Hà Nội bố trí là hơn 3.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2009 - 2015.

Theo Nghị quyết được HĐND TP Hà Nội thông qua đầu tháng 7/2023, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh lên gần 35.600 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA được điều chỉnh là gần 29.700 tỷ đồng; Vốn đối ứng ngân sách thành phố là hơn 5.900 tỷ đồng.

Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án xuất phát từ một số nguyên nhân như: thay đổi về quy mô đầu tư, tỷ giá quy đổi, chế độ chính sách và các quy định của nhà nước liên quan đến xác định và quản lý chi phí đầu tư; Biến động về giá đối với nhiên liệu, vật tư, thiết bị, nhân công.

Thời gian thực hiện, đưa dự án vào vận hành toàn tuyến cũng được điều chỉnh đến năm 2029.

Theo báo cáo, phục vụ triển khai dự án, tính đến nay, công tác giải phóng mặt bằng khu vực depot (hơn 17 ha) đã hoàn thành 100% diện tích đất nông nghiệp, đất cơ quan, đất quốc phòng. Phần đất ở đang được thực hiện các thủ tục kiểm đếm.

Đối với mặt bằng phần ga trên cao đã giải phóng được khoảng 92%. Phần ga ngầm đã thực hiện GPMB được 79% diện tích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.