Bất động sản

Hà Nội, TP.HCM vẫn "nóng" chuyện cấp sổ hồng, phí dịch vụ chung cư

27/11/2023, 18:36

Đã có quy định về quản lý, vận hành chung cư, song nhiều tòa nhà ở Hà Nội và TP.HCM vẫn diễn ra tranh chấp, khiếu kiện giữa chủ đầu tư và cư dân.

Hàng trăm chung cư xảy ra tranh chấp

Hình ảnh cư dân căng băng rôn biểu tình đòi quyền lợi đã không còn xa lạ tại nhiều dự án chung cư tại Hà Nội, TP.HCM. Trong đó, tranh chấp quyền sở hữu và quản lý khu vực hầm để xe ô tô diễn ra vô cùng căng thẳng và là nguồn cơn làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn khác. Mới nhất là vụ tranh chấp xảy ra tại chung cư Artemis, số 3 Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân do Công ty CP MHL làm chủ đầu tư.

Theo phản ánh của cư dân, ngày 27/10, chủ đầu tư ra thông báo áp dụng giá gửi xe mới từ 1/11. Theo thông báo này, cư dân được "ưu đãi" 220 vị trí ô tô với mức phí là là 2,3 triệu đồng/tháng, từ tháng 1/2024 nâng lên 2,5 triệu đồng/tháng. Các xe còn lại sẽ áp phí thương mại 2,9 triệu đồng/tháng.

Đối với xe máy, mỗi hộ được gửi một chiếc với giá "ưu đãi" 120.000 đồng/tháng, và nâng lên 150.000 từ tháng 1/2024. Phí gửi từ xe máy thứ 2 là 230.000 đồng/tháng. So với mức phí thỏa thuận lâu nay là 1,5 triệu đối với ô tô, 60.000 đồng với xe máy, mức phí mới cao gấp 2-3 lần.

Phản ứng với mức giá này, nhiều gia đình không chấp thuận đóng tiền nên bị bảo vệ tòa nhà khóa xe. Nhiều người phải bỏ xe, không lấy được xe ra khỏi hầm, phải bắt taxi đi làm.

Vẫn nóng tranh chấp chung cư - Ảnh 1.

Công an quận Thanh Xuân từng vào cuộc xác minh việc chấp hành quyết định đình chỉ hoạt động của chủ đầu tư chung cư Artemis.

Liên quan đến bức xúc của cư dân chung cư Artemis, ông Nguyễn Duy Lâm, Phó chủ tịch UBND phường Khương Mai (quận Thanh Xuân), cho biết giá gửi xe chung cư này vẫn thực hiện theo hướng dẫn của UBND quận Thanh Xuân gửi chủ đầu tư. Theo đó, việc thu phí xe căn cứ hiện nay được quy định tại Quyết định số 44 năm 2017 của UBND Hà Nội ban hành giá dịch vụ trông gửi xe đạp, xe máy, xe ô tô trên địa bàn và Thông tư 25 năm 2014 của Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ.

Các tuyến đường, phố thuộc các quận nằm trong đường vành đai 3 và trên vành đai 3, các tuyến đường, phố nằm ngoài vành đai 2 thuộc quận Long Biên sẽ áp dụng giá trông giữ xe không vượt quá 1,3 triệu đồng/tháng (ban ngày), 1 triệu đồng/tháng (ban đêm) và 1,8 triệu đồng/tháng (cả ngày đêm) đối với xe 9 chỗ ngồi...

Ông Đoàn Thành Nhân, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm quyền Giám đốc điều hành CTCP Đầu tư MHL cho rằng, về mặt quản lý nhà nước, trông giữ xe thuộc về lĩnh vực giao thông. Trông xe dưới hầm không trong quản lý vận hành tòa nhà mà là hợp đồng thương mại, dân sự về trông giữ xe của lĩnh vực giao thông.

Artemis là bãi đỗ xe thông minh, không sử dụng vốn ngân sách, do đó tự xây dựng giá nhưng không vượt quá mức phí quy định (Quyết định 44). "Chúng tôi vẫn muốn có một cuộc họp để thống nhất về thẩm quyền, mức giá áp phù hợp", ông Nhân nói.

Hạn chế trong quản lý chung cư

Còn tại chung cư Sông Đà - Việt Đức (ngõ 164 Khuất Duy Tiến), chủ đầu tư cải tạo, sử dụng sai mục đích tại tầng kỹ thuật KT1, KT2 ảnh hưởng đến việc cấp giấy chứng nhận cho chủ sở hữu căn hộ. Hàng loạt hộ dân đã căng băng rôn đòi quyền lợi.

Tình trạng cư dân kêu cứu do không được cấp sổ hồng cũng phổ biến ở TP.HCM. Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hà Nội có 129 chung cư có tranh chấp, khiếu kiện phức tạp. Còn tại TP.HCM có 105/935 chung cư đang tranh chấp ở mức độ khác nhau. Trong đó, số lượng các vụ tranh chấp về sở hữu chung - riêng đối với hầm giữ xe ô tô chiếm số lượng không nhỏ.

Còn theo thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cả nước có khoảng 3.000 tòa nhà, cụm tòa nhà chung cư, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM. Việc quản lý vận hành chung cư hiện còn nhiều tồn tại, bất cập. Khoảng 10% chung cư xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.

Hà Nội, TP.HCM vẫn "nóng" chuyện cấp sổ hồng, phí dịch vụ chung cư - Ảnh 2.

Chung cư Artemis Lê Trọng Tấn ở đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết nhiều hợp đồng mua bán căn hộ chung cư chưa đúng quy định, thậm chí sai luật dẫn đến tranh chấp. Khách hàng khi đặt bút ký hợp đồng mua bán thường không nghiên cứu kỹ các điều khoản. Trong khi nhiều chủ đầu tư muốn bán được hàng nên quảng cáo khác so với thực tế, sau đó cắt xén tiện ích tại khu vực sở hữu chung của cư dân để làm lợi cho doanh nghiệp.

Ông Trần Khánh, Chủ tịch CLB Quản lý tòa nhà Hà Nội nói rằng, trước đây Nghị định 71/2010 quy định phải ghi rõ phần sở hữu riêng, chung trong hợp đồng mua bán căn hộ. Song Nghị định 99/2015 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở hiện nay không có quy định này. Phần lớn người mua chỉ chú ý đến giá cả, chất lượng căn hộ mà ít quan tâm đến điều khoản về sở hữu chung, riêng trong hợp đồng. Sau khi căn hộ bàn giao, ban quản trị đại diện cư dân không có cơ sở để phân chia phần diện tích sở hữu chung, riêng với chủ đầu tư.

Cũng theo ông Khánh, bất cập còn đến từ việc Luật Nhà ở hiện nay và văn bản dưới luật không yêu cầu chủ đầu tư công bố hồ sơ pháp lý của tòa nhà như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phần sở hữu riêng, thiết kế được phê duyệt, quyết toán công trình (đã kiểm toán). Nếu chủ đầu tư không công bố hồ sơ minh bạch, cư dân không đủ thông tin để xác định phần sở hữu chung, riêng.

Thông tin với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Bộ Xây dựng nhìn nhận có 5 nội dung nổi lên liên quan đến tranh chấp vận hành nhà chung cư: thành lập ban quản trị, quy chế thu chi tài chính; đóng góp bàn giao công tác bảo trì chung cư; xác định sở hữu chung, sở hữu riêng; không thống nhất đơn vị vận hành quản lý chung cư và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, sử dụng đất.

Bộ Xây dựng đã thanh tra, kết luận xử lý những hành vi vi phạm của chủ đầu tư và yêu cầu chủ đầu tư khắc phục trong quá trình vận hành.

Loạt chủ đầu tư bị buộc trả lại diện tích lấn chiếm, quyết toán quỹ bảo trìLoạt chủ đầu tư bị buộc trả lại diện tích lấn chiếm, quyết toán quỹ bảo trì

Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội và tỉnh Thái Bình liên quan đến vấn đề quản lý, vận hành các chung cư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.