Y tế

Hai anh em ruột thoát cửa tử nhờ điều kỳ diệu

22/02/2024, 06:09

May mắn đến với gia đình có 2 con nhỏ cùng mắc bệnh giãn cơ tim nặng. Hai ca ghép tim cách nhau 3 năm đã tái sinh cuộc đời cho 2 cháu bé.

Phép màu cho 2 anh em

Bốn năm qua, chị N.V.D (ở Hà Nội) bỏ hết công việc, chỉ quanh quẩn chăm sóc hai con nhỏ lần lượt mắc bệnh giãn cơ tim. Cháu H lúc 6 tuổi tự nhiên xuất hiện các dấu hiệu mệt mỏi bất thường, gia đình đã đưa đi khám nhưng không phát hiện ra bệnh.

Hai anh em ruột thoát cửa tử nhờ điều kỳ diệu- Ảnh 1.

Bác sĩ Quân trò chuyện với hai anh em.

Thấy bé ngày càng mệt, chị D đưa con trở lại bệnh viện. Kết quả X-quang cho thấy tim to, cơ tim giãn, giai đoạn khá nghiêm trọng.

Các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội đã giới thiệu con sang Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để đăng ký vào danh sách chờ ghép tim. Người mẹ thắt từng khúc ruột khi chứng kiến cơ hội sống của con dần vuột khỏi tầm tay.

Những ngày chờ ghép, bé H duy trì sự sống bằng thuốc trợ tim liều cao, liên tục tăng dần. Thậm chí, có giai đoạn gia đình phải tiêm morphin giảm đau cho H. Thời gian sống chỉ tính từng ngày.

"Đăng ký cho con vào danh sách chờ ghép tim nhưng thật lòng gia đình không dám nghĩ điều đó trở thành sự thật bởi nguồn tim hiến từ người chết não vô cùng hiếm hoi. Tuy nhiên, may mắn đã đến khi con được lựa chọn ghép tim khi có người chết não hiến tặng", chị D nhớ lại.

Niềm hạnh phúc hiện lên trong ánh mắt người mẹ khi thấy con đã có thể ngồi dậy chỉ sau một ngày ghép tim, trong khi bình thường chỉ nằm thở thôi cũng khó khăn, đau đớn.

Nhưng cậu con trai vừa hồi phục thì vợ chồng chị D nhận thêm cú sốc khi cô con gái út có các dấu hiệu bệnh giống anh trai. Bệnh ngày một thêm nặng hơn, con phải ngừng học.

Từ đó là chuỗi ngày bé gái lấy bệnh viện làm nhà, với tình trạng suy tim diễn tiến nhanh. Chị D lại tiếp tục hi vọng vào cơ hội níu kéo cuộc sống cho con qua việc ghép tim.

"Không thể tưởng tượng được cơ hội đến với hai con bởi các con đều rất nhỏ, bệnh tiến triển nhanh. Trong danh sách đăng ký ghép, nhiều bạn đồng lứa mắc bệnh đã không chờ đợi được cơ hội này mà ra đi mãi mãi", chị D chia sẻ.

Thách thức lớn với các bác sĩ

Với gia đình chị D, Tết năm nay vô cùng đặc biệt khi cả hai con đều khỏe mạnh sau ghép tim, cả nhà được đoàn viên.

Hiện đang học lớp 4, bé H thông minh, tinh nghịch và năng hoạt động như các bạn đồng lứa. Nhắc đến cậu con trai, chị D nở nụ cười rạng rỡ: "Nếu không nói, không ai biết con từng trải qua ca phẫu thuật ghép tim. Như các bạn, con chạy nhảy, vui chơi, đạp xe và giờ con bắt đầu chơi cầu lông... Tuy nhiên, bố mẹ vẫn kiểm soát để tránh việc con quá sức".

Ngày lên bàn phẫu thuật ghép, H mới 7 tuổi, chỉ 16kg, sức khỏe suy kiệt vì bệnh tim hành hạ. Sau 3 năm, H mạnh khỏe, tăng hơn 10kg và thuộc nhóm thể lực trung bình ở lớp. Cậu bé thông minh với thành tích học tập rất tốt.

Ngắm nhìn cô con gái nhỏ, khuôn mặt bầu bĩnh, phục hồi tốt sau ca ghép tim, chị D xúc động chia sẻ: "Những ngày nằm viện, con chỉ ao ước được đến trường, được đi du lịch như bạn bè. Mọi thứ đến với gia đình tôi như một giấc mơ".

Là người trực tiếp theo dõi, điều trị hậu phẫu sau ghép tim cho hai bệnh nhân nhỏ tuổi này, TS.BS Phạm Tiến Quân, Trưởng khoa Hồi sức tích cực tim mạch và lồng ngực, Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, chia sẻ: "Trường hợp cả hai anh em ruột may mắn đều được ghép tim và thành công là rất hiếm hoi. Đó là cái duyên".

BS Quân cho biết thêm, ghép tạng đã trở thành kỹ thuật thường quy với ê-kíp ghép của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Nhưng với ghép tim và đặc biệt là ghép tim từ người lớn cho trẻ em, mỗi bệnh cảnh đều xảy ra những tình huống không giống nhau, nhiều bất ngờ.

"Với ca phẫu thuật của H, ban đầu xác định khó khăn bởi bệnh của con ở giai đoạn rất nguy kịch. Tuy nhiên, giai đoạn hậu phẫu khá thuận lợi", BS Quân kể lại.

Còn với em gái của H tưởng vô cùng thuận lợi vì sau ghép một ngày đã rút nội khí quản, nhưng lại khiến các bác sĩ nhiều lần thót tim vì các tình huống phát sinh bất ngờ.

Sau quá trình nghiên cứu khẩn trương, các bác sĩ xác định, phản ứng từ thận do liên quan đến liều thuốc ức chế miễn dịch và tình trạng trước ghép suy tim kéo dài. Điều khó lúc này Việt Nam lại không có thuốc điều trị theo phác đồ thế giới đã làm. Không cách nào khác, bác sĩ buộc phải lựa chọn cách lọc máu liên tục.

"Tuy nhiên, để một trẻ nhỏ nằm yên một chỗ lọc máu suốt ngày đêm là thách thức. Điều đáng mừng là trẻ lại rất hợp tác", BS Quân nói.

Ca ghép tim cho trẻ nhỏ tuổi nhất này còn phát sinh tình huống bất ngờ khác là bệnh nhân ho, sốt mệt và xét nghiệm mắc Covid-19. Trẻ bị Covid-19 trên nền vừa ghép, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch liều cao sẽ rất nguy hiểm.

"Tiếp sau đó trẻ có khó thở, chúng tôi quyết định sử dụng gọng thở và đặt tình huống nếu trẻ bị tổn thương phổi cấp do Covid-19 sẽ phải can thiệp ECMO. May mắn sau 2-3 ngày, tình trạng Covid-19 thoái trào nhanh", BS Quân kể.

Từ năm 2010 đến nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện được 6 ca ghép phổi, 59 ca ghép tim, 88 ca ghép gan, 185 ca ghép thận và nhiều ca ghép mô khác. Ở Việt Nam, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là cơ sở y tế duy nhất tiến hành các ca ghép tim người lớn cho trẻ em. Việc thực hiện thành công các ca ghép tạng từ người cho chết não mở ra cơ hội mới cho nhiều bệnh nhân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành y khoa Việt Nam.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.