Đường bộ

Hai dự án PPP nào vừa được Quốc hội cho tăng vốn góp Nhà nước trên 50%?

29/11/2023, 07:49

Tại Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, Quốc hội đã cho phép hai dự án PPP giao thông đường bộ được tăng vốn góp vượt 50% tổng mức đầu tư.

Tăng vốn đưa hai dự án thoát khó

Chiều 28/11, Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ đã được Quốc hội thông qua.

Hai dự án PPP nào mới được Quốc hội cho tăng vốn góp nhà nước trên 50%? - Ảnh 1.

Phối cảnh cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Đáng chú ý, tại Nghị quyết này, hai dự án đường bộ thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đã được Quốc hội cho phép tăng tỷ lệ vốn góp nhà nước vượt 50% tổng vốn đầu tư theo quy định của Luật PPP hiện hành là: Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và dự án đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình.

Địa phương được làm cao tốc, tăng vốn Nhà nước tại dự án PPPĐịa phương được làm cao tốc, tăng vốn Nhà nước tại dự án PPP

Chiều 28/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ với 464 đại biểu tán thành (93,93%).

Theo đó, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình được cho tăng phần vốn góp Nhà nước lên không quá 80% tổng vốn đầu tư (phần vốn nhà nước tham gia tăng thêm được bố trí từ ngân sách địa phương).

Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (giai đoạn 1) được tăng tỷ lệ phần vốn Nhà nước lên không quá 70%.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện nhà đầu tư dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh cho biết, cơ chế tăng vốn góp nhà nước tại dự án được Quốc hội thông qua có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh việc huy động vốn tín dụng của dự án gặp nhiều thách thức.

"Với phương án tài chính hiện nay, thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến của dự án khoảng 25 năm 3 tháng. Trong khi đó, ngân hàng thường quan tâm đến các dự án có thời gian thu phí dưới 20 năm", vị này nói và mong muốn tỷ lệ vốn góp của nhà nước sẽ được điều chỉnh tăng lên 70% tổng vốn đầu tư.

Với tỷ lệ này, thời gian thu phí hoàn vốn của dự án xung quanh mức 20 năm, đó là khoảng thời gian đủ sức hút ngân hàng ngồi lại đàm phán với nhà đầu tư về việc tài trợ vốn.

PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN (Varsi) cho biết, các ngân hàng thương mại chỉ chấp nhận thời gian cho vay dưới 20 năm, phương án khả dĩ là từ 15 - 18 năm.

Ủng hộ cơ chế thí điểm được Quốc hội thông qua nhưng căn cứ thực tế, vốn góp với các dự án vùng sâu, vùng xa, lưu lượng phương tiện chưa cao như Đồng Đăng - Trà Lĩnh, ông Chủng vẫn bày tỏ quan điểm cho rằng cơ quan có thẩm quyền cần xem xét tăng vốn góp Nhà nước lên từ 70 - 75% tổng vốn đầu tư.

21 dự án giao thông lợi lớn nhờ cơ chế thí điểm đặc thù về mỏ vật liệu21 dự án giao thông lợi lớn nhờ cơ chế thí điểm đặc thù về mỏ vật liệu

Cơ chế thí điểm đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường vừa được Quốc hội thông qua được kỳ vọng giúp 21 dự án rút ngắn đáng kể thời gian làm thủ tục khai thác mỏ, tăng tốc tiến độ dự án.

Hai dự án PPP nào mới được Quốc hội cho tăng vốn góp nhà nước trên 50%? - Ảnh 2.

Việc tăng vốn góp anhà nước tại hai dự án có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh việc huy động vốn tín dụng và đàm phán với nhà đâu tư gặp khó - Ảnh minh họa.

2 dự án được đầu tư thế nào?

Theo phương án được duyệt, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài hơn 93km.

Điểm đầu dự án (Km 0+00) tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.

Điểm cuối dự án giai đoạn 1 tại Km 93+350 điểm giao với QL3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.

Giai đoạn hoàn chỉnh, điểm cuối dự án tại Km121+060 ranh giới quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Giai đoạn 1, tuyến cao tốc được đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, bề rộng mặt đường 14m. Điểm vượt xe được bố trí không liên tục.

Các đoạn khó khăn được đầu tư quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 13,5m, bề rộng mặt đường 7m.

Giai đoạn 2 (giai đoạn hoàn chỉnh), tuyến cao tốc được đầu tư tiếp khoảng gần 28km (từ Km 93+350 điểm cuối giai đoạn 1 đến Km 121+060) với bề rộng nền đường 17m và hoàn thiện quy mô cắt ngang với các đoạn tuyến có bề rộng nền đường 13,5m đã thực hiện trong giai đoạn 1.

Với phương án trên, tổng mức đầu tư dự án hơn 14.300 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước tham gia 6.580 tỷ đồng, chiếm gần 46%. Vốn do nhà đầu tư huy động (gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay và các nguồn vốn huy động khác) khoảng hơn 7.750 tỷ đồng, chiếm hơn 54% tổng mức vốn đầu tư.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình dài hơn 40km, có điểm đầu kết nối với tuyến ven biển TP Hải Phòng. Điểm cuối kết nối với tỉnh Nam Định.

Tuyến đường được xây dựng theo quy mô đường cấp III đồng bằng, rộng 12m với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h.

Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 348 ngày 28/3/2018 với tổng mức đầu tư 3.872 tỷ đồng.

Trong đó, vốn nhà nước tham gia dự án là 2.693 tỷ đồng, tương ứng 66,7% tổng mức đầu tư; vốn BOT (vốn chủ sở hữu và vốn vay) là 1.289 tỷ đồng, tương ứng 33,33%.

Tuy nhiên, khi triển khai dự án do ảnh hưởng của đại dịch, biến động giá vật liệu, chi phí GPMB thực tế lớn hơn so với dự kiến (khoảng 250 tỷ đồng) nên tổng mức đầu tư dự án tăng quá 10% so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Ngày 9/12/2021, UBND tỉnh Thái Bình có Tờ trình số 213 đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Trong đó, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 3.872 tỷ đồng lên 4.580 tỷ đồng; Đồng thời, điều chỉnh tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án tăng từ 66,7% lên 71,8% tổng mức đầu tư.

Tuy nhiên, theo báo cáo của nhà đầu tư tại thời điểm tháng 7/2023, sau khi tính toán lại phương án tài chính của dự án do bổ sung, cập nhật thêm chi phí trượt giá của năm 2022 và khảo sát lại lượng xe của tuyến đường ven biển, dự kiến tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án là 4.984 tỷ đồng (tăng 1.112 tỷ đồng so với tổng mức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). 

Trong đó, vốn Nhà nước tham gia dự án 4.233 tỷ đồng (tăng 1.640 tỷ đồng so với số đã được phê duyệt), chiếm xấp xỉ 85% tổng mức đầu tư điều chỉnh; Vốn nhà đầu tư là 751 tỷ đồng (giảm 538 tỷ đồng so với số đã được phê duyệt), chiếm hơn 15% tổng mức đầu tư điều chỉnh.

Do Luật PPP chưa quy định cụ thể đối với trường hợp này, nên đến nay, UBND tỉnh Thái Bình và nhà đầu tư vẫn chưa thống nhất được hướng giải quyết, tiến độ dự án bị ảnh hưởng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.