Xã hội

Hải Phòng: Vì sao người dân lập chốt chặn đường vào mỏ đá Kiên Ngọc?

04/03/2024, 06:00

Từ ngày 1/3 đến nay, hàng chục người dân thôn 5, 6 xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng đã lập chốt ngăn đoàn xe chở đá của mỏ đá Kiên Ngọc ra trạm xay cách đó khoảng 1km.

Trong 3 ngày liên tiếp, lối vào mỏ khai thác đá Kiên Ngọc tại xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên bị người dân thôn 5, 6 gần đó ra chặn đường, không cho xe chở đá ra khỏi khu vực mỏ.

Phản ánh với PV Báo Giao thông, một số hộ dân ở thôn 5, 6 xã An Sơn cho biết, quá trình khai thác mỏ đá Kiên Ngọc đã ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân, mất an toàn trong quá trình nổ mìn khai thác đá, xâm hại mồ mả.

Sau nhiều lần phản ánh, kiến nghị về hoạt động của mỏ đá nhưng không thấy chuyển biến, người dân đã cắt cử nhau chốt trực, chặn đường xe ra vào mỏ đá.

Hải Phòng: Vì sao người dân lập chốt chặn đường vào  mỏ đá Kiên Ngọc?- Ảnh 1.

Nghĩa trang nhân dân nằm ngay trong bán kính khai thác của mỏ đá Kiên Ngọc.

"Không chỉ bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn từ việc nổ mìn mỗi ngày hai lần, trong quá trình khai thác, khói bụi bay vào khu dân cư khiến đời sống người dân bị xáo trộn và ảnh hưởng nghiêm trọng", ông H - người dân thôn 5, xã An Sơn cho hay.

Người dân thôn 5, 6 xã An Sơn còn rất bức xúc về việc quá trình nổ mìn khai thác, nhiều hòn đá lớn đã lăn xuống đè lên các ngôi mộ tại nghĩa trang thôn gần đó.

Không chỉ ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của nhân dân, quá trình khai thác mỏ đá Kiên Ngọc còn đang xâm phạm tới cụm di tích lịch sử cấp thành phố như Hang Công an, Hang Đốc Tít, chùa Kim Liên...

Bởi hoạt động khai thác đá từ mỏ đá Kiên Ngọc đã khiến một lượng lớn đất đá đổ sát, xâm lấn xuống các di tích này.

Hải Phòng: Vì sao người dân lập chốt chặn đường vào  mỏ đá Kiên Ngọc?- Ảnh 2.

Hang Công an - Di tích lịch sử cấp thành phố đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại do hoạt động khai thác đá.

Trước đó, khi đưa vào vận hành khai thác đá tại mỏ Kiên Ngọc, đơn vị khai thác đã thực hiện đền bù, hỗ trợ khói bụi đối với nhiều hộ dân. Nhưng người dân sống gần mỏ cho biết, mức đền bù trên chưa thỏa đáng và một số hộ bị ảnh hưởng từ tiếng ồn, khói bụi nhưng không được hỗ trợ kinh phí.

Ông Nguyễn Văn Đăng, Chủ tịch UBND xã An Sơn thừa nhận, trên địa bàn xã đang diễn ra sự việc người dân chặn đường vào mỏ khai thác đá.

"Tuần này, UBND xã sẽ mời các hộ dân và doanh nghiệp lên xã để cùng đối thoại, tháo gỡ vướng mắc. UBND xã cũng cử người xuống địa bàn để thuyết phục người dân không lập chốt ngăn cản hoạt động khai thác mỏ Kiên Ngọc nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương", ông Đăng nói.

Năm 2023, UBND thành phố đã giao cho chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng để hoàn thành việc cắm mốc khai thác, không được xâm phạm và ảnh hưởng tới cụm di tích trên nhưng đến thời điểm này, việc cắm mốc vẫn chưa được hoàn tất.

Công ty Kiên Ngọc được UBND thành phố cấp phép khai thác khoáng sản đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực núi phía Tây Nam khu B, núi Trại Sơn, xã An Sơn với tổng diện tích hơn 16ha, tổng trữ lượng hơn 5 triệu m3.

Trong đó, diện tích khu vực khai thác là 10,03ha và công trình phụ trợ 6,61ha, khu vực được phép nổ mìn trong ranh giới diện tích 4,75ha nằm sát di tích lịch sử Hang Công an và khu vực nghĩa trang nhân dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.