Hàng nghìn công nhân bị tra tấn bởi tiếng ồn, ô nhiễm
Mấy tháng gần đây, hàng nghìn công nhân các DN tại khu vực giáp ranh xã Đông Sơn và Kênh Giang (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) bị tra tấn bởi tiếng ồn, khói bụi xuất phát từ hoạt động tái chế phế liệu sắt thép, thùng phuy cũ đã qua sử dụng của Công ty CP Thương mại dịch vụ và Vận tải Hải Dương (Công ty Hải Dương).
Không thể chịu đựng được sự “tra tấn” kéo dài, đại diện các DN đồng loạt gửi đơn kiến nghị đến UBND xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên, đồng thời phản ánh đến báo chí về vụ việc.
Có mặt tại khu vực hoạt động của Công ty Hải Dương, PV chứng kiến cảnh những dãy thùng phuy đã qua sử dụng, từng đống sắt thép phế liệu tập kết ngổn ngang ngoài trời và đưa vào dàn máy nghiền, băm chặt mà không hề có nhà xưởng. Mỗi khi hệ thống máy nghiền, băm vò sắt hoạt động tạo nên tiếng rít đinh tai nhức óc, khói bụi mù mịt bay tới các nhà máy, xí nghiệp xung quanh.
Anh Nguyễn Văn Bình, công nhân Công ty TNHH Hòa Phong cho biết: Công ty chúng tôi ngay sát hệ thống máy băm, vò sắt vụn của Công ty Hải Dương nên “lĩnh đủ” khói bụi, hóa chất. Lãnh đạo công ty đã gửi đơn kiến nghị tới UBND xã Đông Sơn và Kênh Giang nhưng chỉ được một thời gian, tình hình lại tái diễn.
Ngang nhiên hoạt động không phép
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Tạ Tuấn Minh, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết: “Từ đầu tháng 5/2020, UBND xã nhận được thông tin phản ánh hoạt động băm, vò tái chế phế liệu sắt thép của Công ty Hải Dương ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường khu vực. UBND xã đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, lập biên bản xác nhận Công ty Hải Dương không được cấp phép hoạt động, đánh giá tác động môi trường tại khu vực đang hoạt động và đã yêu cầu công ty này dừng hoạt động. Nhưng chỉ được một thời gian họ lại tái diễn”.
Theo các biên bản làm việc của UBND xã Đông Sơn và các cơ quan chức năng huyện Thủy Nguyên, từ năm 2018, Công ty TNHH Vũ Hải có ký hợp đồng cho Công ty Hải Dương thuê 3.000m2 đất trong phần diện tích dự án của Công ty Vũ Hải.
Tuy nhiên, kiểm tra hiện trường thì Công ty Hải Dương lại đang tập kết nguyên liệu, tiến hành xay, vò tái chế phế liệu trên phần đất công ích của UBND xã Đông Sơn. Phần đất này hiện đang được UBND xã Đông Sơn cho ông Vũ Hải ở thôn 2, xã Đông Sơn thuê để trồng cây hàng năm.
Tại các cuộc họp với UBND xã Đông Sơn, đại diện Công ty Hải Dương khẳng định: “Công ty thuê đất của Công ty Vũ Hải để hoạt động, chúng tôi không biết rằng đất này là đất công ích. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục sản xuất để đảm bảo doanh thu…”.
Đại diện Công ty Vũ Hải cũng khẳng định, có ký hợp đồng cho Công ty Hải Dương thuê mặt bằng kho bãi, nhưng Công ty Hải Dương đã tự ý lấn chiếm sử dụng phần đất thuộc Dự án giai đoạn 2 của Công ty Vũ Hải để lắp đặt hệ thống máy xay, vò tái chế sắt phế liệu trái phép để tiện bề xả thải xuống mương nước gần đó.
“Chúng tôi cũng không đồng ý về việc Công ty Hải Dương tự ý lắp đặt hệ thống máy tái chế phế liệu. Khi UBND xã Đông Sơn yêu cầu dừng hoạt động hệ thống máy móc này vì ô nhiễm môi trường, Công ty Vũ Hải đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo cắt điện phục vụ sản xuất. Tuy vậy, Công ty Hải Dương lại tìm cách lấy điện từ phía Công ty Nam Bình Phát để tiếp tục hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường”, đại diện Công ty Vũ Hải thông tin.
Ngày 16/9, ông Nguyễn Văn Viển, Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên chủ trì cuộc họp xử lý vụ việc Công ty Hải Dương hoạt động không phép, gây ô nhiễm môi trường khiến dư luận bức xúc. Kết luận cuộc họp, ông Viển yêu cầu Công ty Hải Dương ngay lập tức dừng hoạt động tập kết, sơ, tái chế phế liệu sắt thép tại khu đất công ích thuộc thôn 6, xã Đông Sơn. UBND huyện yêu cầu Công ty Hải Dương di chuyển toàn bộ tài sản, máy móc, nguyên vật liệu ra khỏi khu đất trước ngày 25/9.
Tuy nhiên, tới ngày 27/9, theo ghi nhận của PV, hệ thống máy móc thiết bị xay, vò sắt thép phế liệu gây ô nhiễm môi trường vẫn chình ình tại khu đất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận