Tài chính

Hai sinh viên nghèo kiếm tiền tỷ nhờ bánh mì chả cá

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM, Hồ Đức Hải và Đoàn Văn Minh Nhựt bén duyên với ẩm thực đường phố, đồng sáng lập Công ty Cổ phần Tập đoàn MHG nổi tiếng với thương hiệu bánh mì "Má Hải".

Mang lại sinh kế cho nhiều gia đình

Nếu như nhiều người miền Bắc chỉ quen với món bánh mì patê, bánh mì trứng, bánh mì xúc xích, thì trên đường phố TP.HCM không ít người lại bị lôi cuốn bởi món bánh mì chả cá "Má Hải". Gọi "má" là vì ông chủ Hồ Đức Hải nhiệt tình giúp đỡ bạn bè nên anh được bạn bè yêu quý gọi bằng "má".

Hai sinh viên nghèo kiếm tiền tỷ nhờ bánh mì chả cá  - Ảnh 1.

Nhà sáng lập bánh mì "Má Hải", anh Đoàn Văn Minh Nhựt (phải) và đồng sáng lập Hồ Đức Hải (trái).

Chả cá chiên vàng, giòn giòn, ngầy ngậy, pha chút tanh tanh đặc trưng của cá biển Vũng Tàu tỏa ra từ chiếc xe đẩy màu vàng cam đã kịp kìm chân người qua đường.

Ghé mua ăn sáng, chị Ngọc Lan, sinh viên trường Đại học Luật TP.HCM, cảm nhận: "Bánh mì tươi, vỏ giòn, lõi mềm mịn, kẹp với chả cá dai dai kết hợp nước sốt tứ vị mặn, ngọt, chua, cay, thanh thanh của dưa leo và một chút the the của rau răm ăn thấy đã".

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện nay có nhiều hãng bánh mì đường phố nhượng quyền thương hiệu, trong số đó "Má Hải" được nhắc đến nhiều nhất. Ngoài ra còn nhiều hãng khác như: Nhượng quyền bánh mì que, bánh mì Dân tổ, bánh mì hamburger, bánh mì trộn Hội An...

Anh Nguyễn Tuấn An, khách hàng quê Vũng Tàu, chia sẻ: "Quan trọng nhất ở bánh mì "Má Hải" là giữ được vị tươi, đậm đậm muối biển, đặc trưng của cá Vũng Tàu, không phải cá ở đâu cũng có vị này. Chả cá qua chế biến, tẩm ướp mà giữ nguyên được vị các biển rất khó".

Không chỉ giữ chân khách hàng, bánh mì "Má Hải" còn mang lại sinh kế cho nhiều gia đình bằng cách nhượng quyền thương hiệu. Anh Huỳnh Thiện Nhân (ở 95A Đống Đa, phường 4, Mỹ Tho, Tiền Giang), một trong những khách nhận nhượng quyền thương hiệu cho hay, sau dịch Covid-19, gia đình anh gặp nhiều khó khăn, không có công ăn việc làm.

Anh vô tình bắt gặp quảng cáo nhượng quyền kinh doanh thương hiệu bánh mì "Má Hải" chỉ với 7,5 triệu đồng. Qua tìm hiểu, anh thấy chi phí phù hợp nên đã quyết định thử sức. Sau hai năm, đến nay anh đã mở được 2 cửa hàng, mỗi ngày tiêu thụ 500 - 700 ổ bánh, tháng cao điểm anh thu về khoảng 50 triệu đồng. "Điều giá trị nhất "Má Hải" mang đến cho tôi là ý tưởng và cơ hội", anh Nhân bày tỏ.

Hiện nay, "Má Hải" đã nhượng quyền kinh doanh hơn 600 xe bánh mì, chi phí vừa túi tiền với người nghèo bắt đầu khởi nghiệp.

Chia sẻ với Báo Giao thông, anh Minh Nhựt cho biết, "Má Hải" đã phát triển hơn 500 kiốt trên 37 tỉnh thành. Năm gần nhất 2022, Má Hải đạt doanh thu 3,5 tỷ đồng/tháng, tháng cao điểm doanh thu lên tới 4,8 tỷ đồng. Trong đó, TP.HCM là nơi có doanh thu lớn nhất.

Bên cạnh món bánh mì chả cá, "Má Hải" cũng phát triển thêm nhiều sản phẩm như cà phê "Má Hải", Pizza "Má Hải", sợi chả cá "Má Hải" hay những combo quà tặng chả cá "Má Hải" tiện lợi... gắn với dịch vụ nhượng quyền thương hiệu.

Vét túi lấy vốn kinh doanh

Nhớ lại ngày đầu khởi nghiệp, anh Nhựt chia sẻ, năm 2013, anh và Hải đều là sinh viên. Gia đình đồng cảnh khó khăn, tiền hỗ trợ eo hẹp, cả 2 bàn cách kinh doanh kiếm thêm tiền ăn học.

Hai sinh viên nghèo kiếm tiền tỷ nhờ bánh mì chả cá  - Ảnh 3.

Một điểm bán bánh mì "Má Hải" tại TP.HCM.

Do nhà Nhựt đã 3 thế hệ gắn với nghề bán bánh mì, nên cả hai quyết định bám nghề. Nhưng bán thế nào để cạnh tranh được với những cửa hàng đã bán lâu năm? Sau nhiều ngày xây dựng ý tưởng, cả hai đi đến quyết định thử bán bánh mì kẹp chả cả, món đặc sản vùng quê Vũng Tàu. Họ vét túi được hai triệu đồng, quay về quê nhập hàng, hiện thực hóa kế hoạch.

Hai chàng sinh viên không ngờ, ý tưởng đó lại trở thành sự nghiệp của cả hai sau này. Hai triệu đồng lại trở thành câu chuyện khởi nghiệp đầy thú vị.

Sau khi ra trường, mỗi người mỗi việc, anh Nhật cũng đã tìm cho mình công việc tại một tập đoàn đa quốc gia. Nhưng "vốn liếng" thời sinh viên và khát khao khẳng định mình lại đưa hai chàng sinh viên kinh tế trở lại với nghề bán bánh mì chả cá, bất chấp ngăn cản của gia đình.

"Nhà tôi ba đời bán bánh mì. Mọi người thấm thía cảm giác vất vả, khốn khó của nghề. Vậy nên khi Nhựt quyết định bỏ việc trong một tập đoàn đa quốc gia về bán bánh mì chả cá, bà và mẹ cùng gia đình phản đối dữ lắm.

Nhưng tôi vẫn quyết tâm nâng tầm ẩm thực đường phố bằng chính sản vật quê hương, thứ mà nơi khác không có được", anh Nhựt kể.

Biến thách thức thành cơ hội

Nhớ lại những ngày đầu mở doanh nghiệp, anh Nhựt cho hay, hàng loạt những câu hỏi đã được đặt ra: Đặt cơ sở ở đâu? Làm sao sản xuất nhiều đảm bảo đồng đều chất lượng? Làm sao để trở nên khác biệt, lấy vốn ở đâu?...

Sau hàng loạt các câu hỏi được "vẽ" trên kế hoạch kinh doanh, "Má Hải" quyết định lựa chọn TP.HCM làm "thủ phủ".

Nhận diện thị trường bánh mì đường phố phát triển tự do, vệ sinh thực phẩm chưa được chú trọng, chuyên nghiệp, "Má Hải" đã biến nó trở thành thế mạnh của mình. Anh mạnh dạn đầu tư đồng phục, mũ, tạp dề, găng tay, tiếp cận, hoàn thiện giấy phép theo quy định thực phẩm.

Hai nhà sáng lập miệt mài hơn 5 năm để tìm công thức hòa quyện sản phẩm phổ thông bánh mì với đặc sản chả cá Vũng Tàu. Không chia sẻ sâu, song anh Nhựt cho biết, số tiền trả giá đó lên đến cả tỷ đồng.

Để đảm bảo sự phù hợp với khẩu vị của nhiều người ở nhiều địa phương khác nhau và xây dựng quy trình sản xuất, "Má Hải" tổ chức nghiên cứu khẩu vị của từng khu vực để có thể đưa ra được dòng sản phẩm phù hợp với từng vùng. Đồng thời, kiểm định sản phẩm theo yêu cầu 6 tháng 1 lần.

Cũng theo anh Nhựt, để giải quyết nguồn vốn, hai nhà sáng lập đã tìm đến các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp như Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC). Năm 2021, "Má Hải" đoạt giải Nhì cuộc thi Startup Wheel do BSSC tổ chức với sự góp mặt 2.000 startups đến từ 20 quốc gia và được hỗ trợ 600 triệu đồng, khoản vốn ý nghĩa với một doanh nghiệp trẻ.

Nhưng niềm vui chưa tròn, khó khăn lại ập tới. Dịch Covid-19 tràn về, cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội. Xu hướng người tiêu dùng thay đổi, chuyển từ mua hàng trực tiếp sang mua hàng online. Kinh tế vỉa hè gặp khó khăn, "Má Hải" cũng không ngoại lệ.

Trước thách thức sống còn, Má Hải dồn sức chuyển đổi cách thức bán hàng sang online, kịp thời biến thách thức thành cơ hội, tinh gọn mô hình, mở rộng các kênh bán hàng, tạo nền tảng chắc chắn.

Với sự nỗ lực xây dựng chuỗi giá trị hiện có, bánh mì "Má Hải" của hai sinh viên nghèo đã trở thành case study được phân tích mổ xẻ trong quá trình giảng dạy môn quản trị bán lẻ, quản trị bán hàng, quản trị chuỗi cung ứng và vận hành cho sinh viên học viên ngành Kinh doanh thương mại thuộc Khoa Kinh doanh Quốc tế - Marketing, bậc đại học và sau đại học, hệ chính quy Đại học Kinh tế TP.HCM.

Thương hiệu bánh mì "Má Hải" cùng 2 đồng sáng lập Hồ Đức Hải và Đoàn Văn Minh Nhựt cũng là nhân vật quen mặt với độc giả truyền hình trong chương trình Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ mùa 5. Hai nhà sáng lập gọi vốn 5 tỷ đồng cho 10% cổ phần, định giá công ty pre-money 45 tỷ đồng.

Kết thúc chương trình, "Má Hải" quyết định đồng ý với lời đề nghị 5 tỷ cho 36% với sự đồng hành của Shark Louis, Shark Liên và Shark Linh.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, anh Hồ Đức Hải cho biết, hiện nay, các bên vẫn tìm hiểu nhau trước khi có những bước tiến tiếp theo.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.