Hạn chế tối đa sự lây truyền của dịch sởi

19/04/2014, 11:38

Đó là mục tiêu lớn nhất của hàng loạt các biện pháp đã và đang được Bộ Y tế và các địa phương có dịch sởi hoàn hành như Hà Nội thực hiện.

Đó là mục tiêu lớn nhất của hàng loạt các biện pháp đã và đang được Bộ Y tế và các địa phương có dịch sởi hoàn hành như Hà Nội thực hiện.

soi2.gif
Theo thống kê, hiện cả nước có 3.256 trường hợp mắc sởi trên 8.779 trường hợp người phát ban nghi mắc sởi với 112 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi.

Chuẩn đoán bệnh sởi mới nhất

Bộ Y tế  vừa ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi mới nhất để các gia đình chủ động trong việc phát hiện và điều trị bệnh kịp thời cho trẻ. Theo hướng dẫn, bệnh sởi biểu hiện dưới 2 dạng: Thể điển hình và thể không điển hình.

Đối với thể điển hình có 4 giai đoạn bệnh:

Giai đoạn ủ bệnh từ 7-21 ngày (trung bình 10 ngày);

Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long): Từ 2-4 ngày với các biểu hiện: người bệnh sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp, có thể thấy hạt Koplik là các hạt nhỏ có kích thước 0,5-1 mm màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên);

Giai đoạn toàn phát kéo dài từ 2-5 ngày. Thường sau khi sốt cao 3-4 ngày, người bệnh bắt đầu phát ban, ban hồng dát sẩn, khi căng da thì tan biến mất, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ, dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.

Giai đoạn phục hồi: Ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong vẩy phấn xẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Có thể có ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban.

Ở thể không điển hình: Biểu hiện lâm sàng có thể sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ, phát ban ít, toàn trạng tốt. Thể này dễ bị bỏ qua, dẫn đến lây lan bệnh mà không biết. Người bệnh cũng có thể sốt cao liên tục, phát ban không điển hình, phù nề tứ chi, đau mỏi toàn thân, thường có viêm phổi nặng kèm theo.

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh sởi gồm: Ho, sốt, viêm long (đường hô hấp, kết mạc mắt, tiêu hóa), hạt Koplik và phát ban đặc trưng của bệnh sởi.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Kinh – Giám đốc bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, để phòng bệnh chủ động cần tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng sởi cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng theo quy định (Mũi 1 khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi 2 khi 18 tháng tuổi). Còn đối với người đã mắc bệnh, phải được cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị theo nguyên tắc cách ly đối với bệnh lây truyền qua đường hô hấp; hạn chế tiếp xúc gần không cần thiết với người bệnh, thời gian cách ly từ lúc nghi mắc sởi cho đến ít nhất 4 ngày sau khi phát ban; tăng cường vệ sinh cá nhân, sát trùng mũi họng, giữ ấm cơ thể, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng.

Ông Nguyễn Văn Kính cũng khuyến cáo người dân phải áp dụng các biện pháp dự phòng chung như đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hoặc bệnh viện; rửa tay bằng các loại thuốc sát trùng; thông thoáng nhà cửa, nơi ở, nơi làm việc, bệnh viện…

Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi, Bộ Y tế cũng đã có công điện khẩn yêu cầu lãnh đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur, các Trung tâm y tế dự phòng tổng hợp báo cáo hàng ngày về tình hình bệnh sởi, kết quả xét nghiệm, tiến độ thực hiện chiến tiêm vét vắc xin sởi. Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh viện Bạch Mai… cập nhật tình hình bệnh sởi tại đơn vị, để Bộ chủ động nắm tình hình báo cáo lên Chính phủ trong ngày nhằm có biện pháp kịp thời ngăn chặn dịch.

Theo thống kê gần nhất của Bộ Y tế, trên toàn quốc ghi nhận 3.256 trường hợp mắc sởi trên 8.779 trường hợp người phát ban nghi mắc sởi với 112 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi.

Hà Nội: Phân vùng, cách ly bệnh nhân sởi

Theo báo cáo của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố phát hiện hơn 2.600 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, phân bố ở nhiều xã phường, thị trấn; hơn 88% số trường hợp mắc bệnh sởi chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ, trong đó 24% là trẻ dưới 9 tháng tuổi (độ tuổi chưa đến lịch tiêm chủng).

Riêng trong ngày 18/4, tại các bệnh viện của Hà Nội có 104 ca đến khám bệnh sởi, 66 ca sởi nhập viện và 43 ca ra viện. Hiện có 459 bệnh nhân sởi đang điều trị nội trú, trong đó có 7 trường hợp thở máy. Bệnh nhân nằm điều trị nhiều nhất ở các Bệnh viện Saint Paul (109 bệnh nhân), Đống Đa (87 bệnh nhân), Thanh Nhàn (39 bệnh nhân), Hà Đông (36 bệnh nhân) và Đức Giang (30 bệnh nhân). Trong 1 tuần trở lại đây, số bệnh nhân sởi nhập viện có xu hướng chững lại và không có thêm bệnh nhân tử vong.

Tuy nhiên, tình hình bệnh sởi có dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến đời sống xã hội, ngày 18/4, Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, quận, huyện nhằm triển khai các biện pháp khẩn cấp để dập dịch. Chủ tịch UBND thành phố lưu ý trong vài ngày tới, Sở Y tế Hà Nội cần nắm chắc tình hình dịch bệnh, về quy mô, tính chất, khả năng kiểm soát, ngăn chặn bệnh sởi lây lan thành dịch lớn. Trong trường hợp cần thiết có thể huy động nguồn kinh phí dự phòng cho công tác phòng chống dịch.

Để giảm thiểu các ca tử vong, mà nguyên nhân chính là do lây nhiễm chéo, ngành y tế phải kết hợp nhiều giải pháp để cách ly số bệnh nhân sởi với các bệnh nhân khác, buộc phải phân vùng để điều trị, tránh dồn hết lên tuyến trên; kể cả trường hợp phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để bố trí thêm khu cách ly điều trị cứu chữa cho người bệnh.

Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế Dự phòng phải chịu trách nhiệm chính cùng với các quận, huyện đến từng điểm phát sinh bệnh sởi để khoanh vùng, xử lý, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. thành phố tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch từ địa bàn dân cư, tại bệnh viện.

Đối với vấn đề tiêm vắcxin phòng sởi, cần tiếp tục đẩy mạnh, trong đó phải tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc chủ động tiêm phòng bệnh sởi cho con em.

Vũ Anh (tổng hợp)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.