Đường thủy

Hàng không quá tải, tàu cao tốc vẫn không được đưa khách ra Côn Đảo

08/02/2022, 17:19

Việc dừng hoạt động đã khiến các đơn vị tàu cao tốc gặp rất nhiều khó khăn, vì vẫn phải chi trả các khoản chi phí, dẫn đến thua lỗ trầm trọng…

Tàu cao tốc nằm bờ, chịu lỗ

Những ngày qua, do vào dịp Tết Nguyên đán nên nhu cầu đi du lịch, vui chơi giải trí của người dân rất lớn. Trong số này, điểm đến hấp dẫn là Côn Đảo, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chật kín người đăng ký mua vé máy bay.

img

Một tàu cao tốc "nằm bờ" vì vẫn chưa thể chở khách ra Côn Đảo.

Chị Lê Thị Bích Thủy (tỉnh Cà Mau) cho biết, gia đình chị dự tính Tết này sẽ đi chơi ở Côn Đảo, nhưng suốt nhiều ngày liền chị lên mạng đặt vé máy bay đều không được, nhân viên bảo đã hết vé, không đặt được nữa.

Theo ghi nhận của PV, lâu nay, để ra được Côn Đảo, du khách sẽ đi bằng đường hàng không và đường biển. Nhưng hiện chỉ có đường hàng không hoạt động, vì Côn Đảo đã cho dừng cho các tàu chở khách ra đây từ nhiều tháng qua để phòng dịch.

Trao đổi với PV, đại diện một đơn vị có tàu cao tốc chở khách ra Côn Đảo cho biết, đơn vị có 1 tàu cao tốc, sức chứa trên 200 hành khách. Từ nhiều tháng qua, đơn vị đã phải dừng đưa khách ra Côn Đảo nhằm đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, dẫn đến gặp rất nhiều khó khăn.

Huyện Côn đảo là một quần đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ nằm giữa đại dương, cách Vũng Tàu 185 km, cách TP.HCM 230 km và Cần Thơ khoảng 83 km. Trước đây, những tháng ngày biển động, tàu thuyền đi lại khó khăn, cuộc sống của người dân hay bị thiếu thốn vì hàng hoá không vận chuyển được từ bờ ra đảo.

“Mỗi tháng, chúng tôi phải bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng để chi trả tiền lương nhân viên, tiền vận hành (chạy roda), bảo trì máy móc, lãi vay ngân hàng, nhưng nguồn thu thì không có, vì đã dừng hoạt động.

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, là cơ hội tốt để kích cầu du lịch, người dân đi chơi rất đông, nhưng các hãng tàu đã kiến nghị nhiều lần mà không nhận được phản hồi từ chính quyền Côn Đảo.

Điều này không chỉ khiến ngành du lịch thất thu, mà các ngành có liên quan như vận tải hành khách, dịch vụ lữ hành cũng bị “chết theo”. Hiện tại, đường không thì quá tải nhưng đường thủy không cho chạy”, vị này bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Kim Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tàu cao tốc Superdong Kiên Giang, cho biết: doanh nghiệp có hiện có 16 tàu cao tốc và 2 phà chở khách từ đất liền ra các đảo, trong đó 2 tàu cao tốc hoạt động chở khách từ cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) đến Côn Đảo.

Từ tháng 5/2021, Công ty buộc phải dừng hoạt động hoàn toàn để đảm bảo công tác phòng chống dịch của UBND huyện Côn Đảo.

Sau khi hết thời gian giãn cách, cả nước "mở cửa", nối lại các tuyến tàu xe... Công ty cũng đã gửi văn bản xin tái hoạt động. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có văn bản phản hồi của huyện về việc cho khôi phục lại hoạt động, "cứu" doanh nghiệp.

Trong thời gian dừng hoạt động, Công ty đã gặp rất nhiều khó khăn vì vẫn phải chi trả các khoản lương, chi phí bảo dưỡng, duy tu dẫn đến thua lỗ trầm trọng. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn được sớm khôi phục hoạt động.

Người dân và hãng tàu thiệt thòi

Anh Hải (47 tuổi, ngụ TP Cần Thơ) cho biết, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình anh đã liên hệ với các tàu có chuyến đi từ Cần Thơ đặt vé, để ra Côn Đảo chơi, viếng mộ nữ Anh hùng Võ Thị Sáu, như tìm về chút cội nguồn dân tộc. Tuy nhiên các hãng tàu đều nói không nhận, vì chính quyền ở đó chưa cho phép các tàu cập bến.

img

Du khách đến cảng Bến Đầm bằng tàu cao tốc để chuẩn bị tham quan Côn Đảo vào trước thời điểm dịch.

Sau đó, anh Hải tiếp tục liên hệ với các tàu ở Trần Đề, Sóc Trăng và chấp nhận di chuyển một đoạn đường xa xuống Trần Đề để đi Côn Đảo, nhưng các tàu ở đây cũng không nhận đặt vé với lý do tương tự.“Tui thấy Tết vừa rồi, khu du lịch nào cũng cho mở cửa, nhưng không hiểu sao ở Côn Đảo lại kiên quyết "đóng cửa" không cho tàu chở khách ra đó”, anh Hải nói.

Năm 2017, tàu Superdong Sóc Trăng - Côn Đảo sức chở hơn 600 khách được đưa vào hoạt động đã tạo nên dấu mốc mới trong vận chuyển hành khách từ bờ ra Côn Đảo và ngược lại. Thay vì phải mất tới 13 giờ để đi tàu chở hàng (từ Vũng Tàu ra Côn Đảo) thì với tàu cao tốc chỉ cần 2,5 giờ đồng hồ.

Trao đổi với PV Giao Thông qua điện thoại, bà Nguyễn Thụy Nga, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, cho biết, vấn đề các tàu chưa được chở khách ra Côn Đảo, huyện đã giao khối kinh tế xử lý, có gì thì liên hệ bên đó.

PV gọi điện cho ông Trần Văn Duy, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Côn Đảo nhưng ông Duy không nghe máy.

Sau đó, trả lời qua tin nhắn, ông Duy cho biết: “Hiện tại các hãng tàu đang liên hệ với Ban Quản lý cảng Bến Đầm để sắp xếp lịch chạy, vì cầu cảng đang sửa chữa”.

Theo UBND huyện Côn Đảo, năm 2022 huyện đã đưa ra những mục tiêu trong việc phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, ngành du lịch, dịch vụ được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh chóng trở lại sau một năm "nghỉ ngơi" bởi tác động của dịch Covid-19.

Huyện đặt ra mục tiêu doanh thu các ngành dịch vụ đạt 1.404 tỷ đồng, trong đó doanh thu dịch vụ du lịch là 1.104 tỷ đồng. Dự kiến Côn Đảo sẽ đón 264.960 lượt hành khách trong năm 2022 khi các tuyến giao thông đường biển, hàng không được kết nối thuận tiện.

“Người dân trên đảo phụ thuộc nhiều vào những chuyến tàu, nhất là trong những ngày gió bão tàu không chạy được. Hàng hóa không ra được đảo sẽ có thể khiến Côn Đảo rơi vào tình trạng thiếu lương thực và mọi sinh hoạt đều bị ảnh hưởng.

Thời gian qua, nhờ có sự kết nối dày hơn từ đất liền bằng cả đường không và đường biển, đặc biệt là những con tàu có sức chở lớn, chịu được cấp sóng gió cao nên Côn Đảo không còn bị cô lập mùa bão gió. Đời sống người dân vì vậy cũng được nâng lên…”, 1 cán bộ trên đảo cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.