Điều tra

Hàng loạt cán bộ ngành Y tế vướng lao lý chỉ trong 2 năm qua

09/11/2021, 07:48

Hàng loạt cán bộ ngành Y tế bị khởi tố, bắt tạm giam đa phần đều có điểm chung là vi phạm trong đấu thầu, mua sắm thiết bị tại cơ sở.

Trong 2 năm, cũng là từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, ngành y tế liên tiếp "nóng" với các vụ việc lãnh đạo bệnh viện, trung tâm y tế, sở y tế, thậm chí có cả cán bộ cấp cục, cấp thứ trưởng Bộ Y tế bị khởi tố, lãnh án tù vì hành vi câu kết thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

Hàng loạt lãnh đạo bệnh viện, trung tâm y tế bị bắt

Mới nhất, ngày 6/11, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các thủ tục tố tụng gồm quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh bắt bị can để tạm giam về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" đối với ông Nguyễn Minh Quân và Nguyễn Văn Lợi.

img

Ông Nguyễn Minh Quân (trái) và bị can Nguyễn Văn Lợi

Kết quả điều tra vụ án xác định, ông Nguyễn Minh Quân, sinh năm 1973, Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức và Nguyễn Văn Lợi, sinh năm 1986, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất Nguyễn Tâm, đã thông đồng, câu kết thực hiện hành vi trái quy định của Luật đấu thầu trong việc mua sắm vật tư trang thiết bị y tế tại Bệnh viện TP Thủ Đức gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Trước đó, ngày 21/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Tuấn bị xác định có liên quan đến những sai phạm nghiêm trọng liên quan "thổi giá" thiết bị y tế tại Bệnh viện TimHà Nội thời kỳ ông còn là giám đốc tại đây.

Cụ thể, những sai phạm xảy ra trong quá trình Bệnh viện Tim Hà Nội thực hiện đấu thầu mua sắm thiết bị và thực hiện hợp đồng đối với gói thầu trang thiết bị y tế, vật tư y tế, trong đó có vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch từ năm 2015.

img

Ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Trước khi làm giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Tuấn là Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Ông Tuấn cũng là đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016 - 2021, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Giữa tháng 5, Hội đồng bầu cử quốc gia có nghị quyết cho ông Tuấn rút tên khỏi danh sách ứng cử.

Hàng loạt thuộc cấp của ông Tuấn cũng đã bị bắt tạm giam trước đó, gồm bà Hoàng Thị Ngọc Hưởng, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội; Nguyễn Thị Dung Hạnh, nguyên kế toán trưởng; Đoàn Trọng Bình và Nghiêm Tuấn Linh, cùng là nguyên phó trưởng phòng phụ trách phòng vật tư thiết bị y tế.

Ngày 25/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Quốc Anh, nguyên giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cùng 2 đồng phạm khác để điều tra về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Đồng thời, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Hiền, cựu Phó giám đốc bệnh viện và bà Trịnh Thị Thuận, cựu kế toán trưởng. Hai người này bị điều tra cùng về tội danh trên.

Các bị can Phạm Đức Tuấn - chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc Công ty BMS và Ngô Thị Thu Huyền - phó giám đốc -bị khởi tố để điều tra về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Ông Quốc Anh và ông Ngọc Hiền là lãnh đạo bệnh viện thời điểm Công ty BMS và Bệnh viện Bạch Mai thực hiện liên doanh liên kết đưa nhiều thiết bị máy móc vào sử dụng điều trị cho bệnh nhân theo chủ trương xã hội hóa.

Kết quả điều tra xác định có một số cá nhân tại Công ty BMS có hệ thống robot được nhập khẩu có giá trị 7,4 tỉ đồng (gồm VAT). Tuy nhiên, các bị can câu kết nâng khống lên 39 tỉ đồng.

Từ năm 2017 - 2019 có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị này, số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỉ đồng.

Ngày 16/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái cho biết đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Giang (57 tuổi, ngụ ở tổ 5, phường Minh Tân, TP Yên Bái) là giám đốc Bệnh viện Giao thông vận tải Yên Bái).

Ông Giang bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi "gian lận bảo hiểm y tế, quy định tại điều 215, Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, công an cũng khởi tố ông Đặng Thanh Huệ (51 tuổi, ở tổ 15, phường Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái), bác sĩ, trưởng khoa Ngoại cùng về hành vi "gian lận bảo hiểm y tế".

Ngày 9/2, Bộ Công an đã bắt tạm giam bị can Nguyễn Minh Khải (giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM) cùng 2 thuộc cấp để điều tra về hành vi Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Cũng trong đầu năm 2021, Bộ Công an đã khởi tố Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Cao Minh Chu về hành vi "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 222 Bộ luật Hình sự (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Ngoài ông Chu, Bộ Công an còn khởi tố bà Bùi Thị Lệ Phi, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ và 9 bị can khác cùng hành vi trên.

Tháng 2/2021, Công an tỉnh Sơn La quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 4 bị can để điều tra về hành vi "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Các đối tượng bị bắt gồm: nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sa Văn Khuyên; Bùi Thị Thu, Giám đốc Công ty CP Thiết bị và Công nghệ Hưng Phát; Bùi Thị Hoa, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở Y tế tỉnh Sơn La và Mai Anh Tuấn, chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở Y tế tỉnh.

Tại tỉnh Tiền Giang, vào đầu năm nay, Công an TP Mỹ Tho cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Văn Nguyện (57 tuổi) để điều tra về tội nhận hối lộ.

Loạt cựu lãnh đạo Sở Y tế hầu tòa

Cùng bị khởi tố, bắt giam về sai phạm trong công tác đấu thầu thiết bị y tế, nhiều nguyên lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh phải hầu tòa và nhận mức án tương thích với hành vi sai phạm của mình.

Cụ thể, tháng 8/2020, TAND tỉnh Cà Mau tuyên án hai năm tù đối với bị cáo Huỳnh Quốc Việt (58 tuổi, nguyên Giám đốc Sở Y tế) về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Bị cáo Trịnh Minh Khén (54 tuổi, nguyên Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Sở Y tế Cà Mau) cũng bị tuyên án 2 năm tù cùng tội danh trên.

Ngoài ra, bị cáo Đỗ Thanh Chương (38 tuổi, nguyên kế toán) bị tuyên 20 năm tù và Phan Ngọc Trâm (37 tuổi, nguyên thủ quỹ) 4 năm tù, cùng tội "tham ô tài sản".

Tại Gia Lai, vào tháng 5/2020, TAND tỉnh đưa vụ án “cố ý làm trái” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế ra xét xử.

Cựu Giám đốc Sở Y tế Phùng Xuân Quýnh và hai Phó Giám đốc Sở là Nguyễn Công Nhân, Đặng Đức Châu cùng 6 cán bộ Sở bị khởi tố. 6 người khác lĩnh từ 2-6 năm tù, trong đó có hai bị cáo được hưởng án treo.

img

Nguyên Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm mức án 10 năm tù.

Giám đốc CDC Hà Nội lĩnh 10 năm tù

Trước đó, ngày 22/4/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan.

Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng đối với Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc CDC Hà Nội và 1 số đồng phạm.

Kết quả điều tra ban đầu xác định với vai trò là giám đốc của CDC Hà Nội, ông Cảm có một số sai phạm trong quá trình mua sắm máy xét nghiệm Covid-19.

Ngày 12/12/2020, TAND TP Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với ông Nguyễn Nhật Cảm (nguyên giám đốc CDC Hà Nội) 10 năm tù. Bị cáo này bị xác định là chủ mưu, cầm đầu xuyên suốt vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội và các đơn vị liên quan.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng vướng vòng lao lý

Không chỉ lãnh đạo bệnh viện, cán bộ thuộc Sở Y tế, thời gian gần đây, một số lãnh đạo Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế cũng bị điều tra, khởi tố, đề nghị kỷ luật.

Cụ thể, vào tháng 12/2019, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó trưởng phòng quản lý giá thuốc, Cục Quản lý dược cũng đã bị khởi tố để điều tra liên quan đến vụ VN Pharma nhập khẩu nhiều thuốc giả mạo nguồn gốc xuất xứ, trong đó có thuốc ung thư vào Việt Nam.

Ngày 8/6/2020, căn cứ kết quả điều tra vụ án hình sự "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Cục Quản lý dược, Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét nơi ở đối với ông Nguyễn Việt Hùng (sinh năm 1956), nguyên Phó cục trưởng Cục Quản lý dược Bộ Y tế và ông Phạm Hồng Châu (sinh năm 1957), nguyên Trưởng phòng đăng ký thuốc, Cục Quản lý dược Bộ Y tế.

img

Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế bị khởi tố để điều tra về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Mới đây, ngày 2/11/2021, Cơ quan an ninh đã khởi tố bị can đối với ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế để điều tra về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Thời điểm xảy ra sai phạm, ông Cường là Cục trưởng Cục Quản lý dược của Bộ Y tế.

Thứ trưởng Trương Quốc Cường bị Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an xác định có trách nhiệm liên đới trong vụ án Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường cùng đồng phạm buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.