Thế giới giao thông

Hãng xe điện Trung Quốc "đe dọa" ngôi vương của Tesla

25/02/2024, 08:00

Là một nhà sản xuất pin điện thoại, lấn sân sang thị trường xe điện, BYD của Trung Quốc từng bị Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla coi thường. Sau 13 năm, BYD gây bất ngờ khi mấp mé vượt qua Tesla.

Lăm le soán ngôi

Năm 2011, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg, khi được hỏi về hãng xe điện BYD của Trung Quốc, nhà sáng lập hãng xe điện Mỹ Tesla cười khẩy.

"Bạn đã nhìn thấy ô tô của BYD chưa? Tôi thấy mẫu xe này không hấp dẫn, công nghệ không quá mạnh. Họ cần tập trung đúng hướng nếu không muốn bị khai tử tại Trung Quốc", tỷ phú Musk châm biếm.

Sau 13 năm, BYD không những chẳng bị khai tử, thay vào đó họ được dự báo soán ngôi Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới.

Hãng xe điện Trung Quốc

Xe thể thao Han của BYD. Ảnh: Bloomberg.

"Soán ngôi Tesla chưa đủ, điều BYD mong muốn là trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc và đưa Trung Quốc lên bản đồ các nhà sản xuất ô tô thế giới", ông Taylor Ogan, Giám đốc điều hành (CEO) quỹ phòng hộ Snow Bull Capital có trụ sở tại Thâm Quyến, quỹ đã đầu tư vào BYD và Tesla nhận định.

Hiện nay, thế giới biết nhiều đến BYD với danh nghĩa nhà sản xuất xe điện nhưng thực chất hãng đã thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ pin cho đến khai thác khoáng sản và chất bán dẫn. Chính các lĩnh vực phụ này đã làm bệ đỡ để BYD có nguồn lực đẩy mạnh xe điện.

BYD được thành lập vào năm 1995 do nhà hóa học Wang Chuanfu gây dựng tại thành phố Thâm Quyến. Lúc này, quy mô của công ty vỏn vẹn 20 nhân viên, tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 triệu Nhân dân tệ (tương đương 351.994 USD theo tỉ giá hối đoái hiện tại).

Năm 1996, BYD bắt đầu sản xuất pin lithium-ion (hiện là loại pin phổ biến trong ô tô hiện nay). Sự chuyển hướng này trùng khớp với thời điểm điện thoại di động phát triển, do đó, BYD không mất quá nhiều thời gian để trở thành nhà cung cấp pin cho các hãng điện thoại lớn như Motorola và Nokia vào năm 2000 và năm 2002.

Năm 2002, BYD niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong, dẫn đầu làn sóng thành công trong lĩnh vực sản xuất pin lithium-ion.

Hãng xe điện này đã bắt đầu chuyển hướng sang xe điện từ năm 2003 bằng động thái mua lại nhà sản xuất ô tô quy mô nhỏ Xi'an Qinchuan Automobile.

Chỉ hai năm sau, hãng ra mắt chiếc ô tô động cơ đốt trong đầu tiên mang tên F3 nhưng không tiêu tốn quá nhiều thời gian cho ô tô đốt trong. Sang năm 2008, hãng ra mắt mẫu xe lai điện F3DM, đánh dấu động thái lấn sân vào thị trường xe điện.

Với sự khởi đầu này, hãng đã lọt vào mắt xanh của tỷ phú Warren Buffett. Cùng năm 2008, Warren Buffett đã đầu tư 230 triệu USD vào BYD.

Một trong những dấu ấn quan trọng để BYD phát triển đột phá trong lĩnh vực xe điện là việc ra mắt pin Blade vào năm 2020.

Đây là pin lithium iron phosphate (LFP). Đáng nói là tại thời điểm đó, theo ông Ogan, nhiều nhà sản xuất đã bỏ sản xuất loại pin LFP vì cho rằng mật độ năng lượng yếu. Để cung cấp đủ năng lượng cần thiết thì pin sẽ rất nặng. Song BYD lội ngược dòng.

Họ nhận thấy loại pin LFP như Blade cung cấp mật độ năng lượng tốt, có mức độ an toàn cao và cam kết sẽ sử dụng pin này trong mẫu sedan thể thao mang tên Han, được ra mắt vào năm 2020, trở thành đối thủ của mẫu Model S của Tesla.

Sau đó, BYD tiếp tục đưa Blade vào các mẫu ô tô tiếp theo. Mật độ năng lượng ở từng tế bào pin và toàn bộ pin cao hơn cả BYD công bố ban đầu… Khách hàng đã rất bất ngờ.

BYD đã bán 130.970 xe sử dụng hoàn toàn pin điện vào năm 2020. Với tốc độ đó, năm 2023, công ty đã bán 1,57 triệu xe điện.

Điều gì làm nên thành công của BYD?

Theo các nhà phân tích, BYD đã đạt được thành công trong lĩnh vực xe điện nhờ bệ đỡ từ các thành công trong lĩnh vực pin, chất bán dẫn.

"BYD bắt đầu trở thành nhà cung cấp trong lĩnh vực công nghệ cao, xây dựng khả năng phục hồi qua việc cung cấp pin cho những công ty khó tính như Apple", nhà phân tích Tu Le của Sino Auto Insights cho biết.

CEO Wang Chuanfu đã có trong tay đủ điều kiện để mua lại một thương hiệu ô tô địa phương của Trung Quốc và có thể tập trung vào đổi mới công nghệ pin thậm chí đủ sức để có thể bán cho các nhà sản xuất ô tô khác.

Hãng xe điện Trung Quốc

Thành công của BYD có sự hỗ trợ không nhỏ từ chính phủ Trung Quốc. Ảnh: Kazuhiro NOGI.

Phân tích kỹ hơn, ông Alvin Liu - nhà phân tích tại Canalys cho rằng, khi bắt đầu, BYD không đi thẳng vào xe điện thuần mà vẫn bán xe hybrid và đây chính là chìa khóa thành công ban đầu của BYD.

"Trong giai đoạn đầu của thị trường xe điện Trung Quốc, BYD đã chọn tung ra đồng thời xe điện chạy pin (BEV) và xe điện hybrid (PHEV). Chiến lược này cho phép BYD giành được thị trường tại thời điểm cơ sở hạ tầng sạc chưa được thiết lập tốt và người dùng chưa hiểu rõ về lợi ích của xe điện", ông Liu nói.

Xe điện hybrid với các đặc điểm như hiệu quả kinh tế cao và không lo lắng về phạm vi hoạt động đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp BYD giành được thị trường.

Theo ông Liu, BYD đã định vị mình ở thị trường tầm trung nơi có ít đối thủ cạnh tranh hơn ở Trung Quốc, từ đó giúp thúc đẩy tăng trưởng của công ty. Ngoài ra, BYD đã làm rất tốt việc xây dựng thương hiệu, tạo thương hiệu phụ để đưa ra các mức giá khác nhau trên thị trường, điển hình như thương hiệu xe điện tầm trung Denza.

Sự hỗ trợ của Chính phủ

Một yếu tố quan trọng không kém đó là sự hỗ trợ to lớn của chính phủ Trung Quốc dành cho lĩnh vực xe điện. Trong vài năm qua, Bắc Kinh đã đưa ra các khoản trợ cấp khuyến khích người mua ô tô điện cùng nhiều gói hỗ trợ cho ngành này. Bắc Kinh bắt đầu đẩy mạnh hỗ trợ từ khoảng năm 2009 đúng thời điểm BYD đang tìm cách mở rộng lĩnh vực sản xuất xe điện.

Ước tính từ năm 2015 đến năm 2020, BYD đã nhận được khoảng 4,3 tỷ USD hỗ trợ của nhà nước.

Sau khi thống trị thị trường xe điện Trung Quốc, BYD hiện đang mở rộng mạnh mẽ ra nước ngoài.

Hiện tại, hãng đang bán ô tô ở một số quốc gia từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đến Thái Lan và Vương quốc Anh.

Tại Đông Nam Á, BYD chiếm 43% thị phần xe điện. Nhưng việc mở rộng quốc tế của BYD không chỉ là bán ô tô mà còn liên quan đến hoạt động sản xuất và khai thác nguồn nguyên vật liệu.

Tháng 12 vừa qua, BYD cho biết sẽ mở nhà máy sản xuất châu Âu đầu tiên tại Hungary. Và công ty cũng đang tìm mua các công ty khai thác lithium (thành phần chính trong pin của BYD) ở Brazil.

BYD so găng với Tesla: Ai sẽ hơn?

Thời gian tới, cuộc chiến giữa Tesla và BYD - hai nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục. Nhà phân tích Tu Le tin rằng BYD vẫn chưa "đạt đến tiềm năng tối đa".

Với Tesla, công ty đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn trong năm 2024 khi các đối thủ Trung Quốc tung ra nhiều mẫu xe hơn còn các nhà sản xuất ô tô truyền thống đang cố gắng bắt kịp cuộc đua xe điện.

Chia sẻ với hãng tin CNBC, ông Daniel Roeska, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Bernstein Research chưa nhận thấy có động lực lớn thúc đẩy doanh số bán hàng của Tesla trong những tháng tới.

Trong khi đó, BYD đang có đà để tăng trưởng nhanh hơn ở chỗ họ có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ở châu Âu và thị trường nước ngoài khác. Do đó, chắc chắn BYD được dự báo còn tăng trưởng nhiều hơn nữa trong 12-24 tháng tới.

Có lẽ lúc này tỷ phú Musk của Tesla đã nhận ra sai lầm khi từng coi thường BYD.

Ngày 1/1/2024, BYD thông báo đạt doanh số kỷ lục 526.000 xe chỉ chạy bằng pin trong quý IV/2023, riêng trong tháng 12 mức tăng doanh số hơn 70%. Trong khi đó, Tesla dự kiến bán được khoảng 483.000 xe trong cùng quý.

Ở quý III, BYD và Tesla mỗi bên chiếm khoảng 17% thị phần ô tô chạy hoàn toàn bằng điện trên toàn cầu. Trong quý III/2023, BYD bán được khoảng 432.000 xe điện còn Tesla bán được 435.000 chiếc, chênh nhau chỉ 3 xe.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.