img

Không ai nghĩ sau 56 năm, cuốn nhật ký chiến trường đã trở về với chủ nhân sau một hành trình đặc biệt. Giây phút trao - nhận cuốn nhật ký cũng rất đặc biệt, không chỉ với người cựu binh già

Hành trình trở về của cuốn nhật ký chiến trường- Ảnh 1.

Hành trình trở về của cuốn nhật ký chiến trường- Ảnh 2.

"Ngày 12/12 - Đường hôm nay vẫn lắm dốc. Nhưng chúng tôi còn phải vượt qua con sông rất nguy hiểm. Đơn vị tôi mấy ngày nay có rất nhiều người ốm nên phải mang nặng hơn".

Đây là một vài dòng ghi vội trong cuốn nhật ký mang tên "Lương Thiện", vốn mất tích trên chiến trường cách đây 56 năm và đã quay trở về với chủ nhân trong một cuộc hội ngộ đầy bất ngờ và xúc động.

Ngày 11/9/2023, tại toà nhà Quốc hội diễn ra sự kiện trao trả một số kỷ vật chiến tranh giữa cựu binh Nguyễn Văn Thiện (quê Tiền Hải, Thái Bình) và hai cựu binh Mỹ từng ở bên kia chiến tuyến trong trận đánh ác liệt năm 1967. Sự kiện này có sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Hành trình trở về của cuốn nhật ký chiến trường- Ảnh 3.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện nhận lại cuốn nhật ký từ đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ trước sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11/9/2023.

Cuốn nhật ký được một lính Mỹ thu được sau trận càn quét đơn vị của ông Thiện năm 1967, sau đó bàn giao cho chính phủ Mỹ.

Ông kể: "Sau nghi thức trao kỷ vật, một cựu binh phía Mỹ đã lại gần nói chuyện với tôi: "Cách đây gần 60 năm, tôi với ông ở hai chiến tuyến khác nhau, không biết gặp nhau bao nhiều lần, bao nhiêu trận giáp nhau trên chiến trường. Nhưng đến bây giờ đứng đây, tôi với ông là hai người bạn. Ông cho phép tôi ôm được không?". Tôi liền trả lời: "Được quá chứ!".

Giữa sảnh chính Nhà Quốc hội Việt Nam, hai người cựu binh từng đứng hai bên chiến tuyến ôm chầm lấy nhau. Thấy vậy, các nhà báo Mỹ chạy đến. Một người hỏi ông Thiện: "Hai ông đang nói chuyện với nhau rằng trước đây là kẻ thù, bây giờ là bạn. Vậy theo ông hiểu nghĩa bạn giữa hai ông và giữa quan hệ Việt Nam với Mỹ là như thế nào?".

Hành trình trở về của cuốn nhật ký chiến trường- Ảnh 4.

Cận cảnh cuốn nhật ký của ông cựu binh Nguyễn Văn Thiện

Ông Thiện đáp: "Tiếng Việt rất phong phú, một từ bạn thôi đã có nhiều nghĩa khác - bạn đường, bạn đời, bạn bè. Quan hệ Việt Nam – Mỹ bây giờ là bạn bè và là bạn đường".

"Bạn đường ở đây không phải là bạn bè gặp nhau ngoài đường mà là hiện tại và tương lai hai đất nước cùng đi trên một con đường, khép lại quá khứ hướng tới tương lai, cùng đi với nhau và cùng phát triển", ông Thiện kể và cho biết thêm, khi vừa dứt lời tiếng vỗ tay ròn rã vang khắp tòa nhà.

Nhắc lại hình ảnh đó, tại phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York tháng 9/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden chia sẻ: "Khoảng một tuần trước, tôi đã gặp một nhóm cựu binh Mỹ và Việt Nam, chứng kiến lễ trao kỷ vật chiến tranh. Trong nhiều thập kỷ, không ai tưởng tượng nổi có một ngày Tổng thống Mỹ đứng cạnh lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội, tuyên bố cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác ở mức độ cao nhất".

Hành trình trở về của cuốn nhật ký chiến trường- Ảnh 5.

Hành trình trở về của cuốn nhật ký chiến trường- Ảnh 6.

Trong căn nhà nhỏ ở thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, sau khi ông Thiện trở về từ Hà Nội, rất nhiều đồng đội đã đến chia sẻ niềm vui và nghe ông kể lại hành trình trở về cuốn nhật ký.

Ông kể: "Tôi bị thương rất nặng, từ đầu đến chân, không đâu là không bị đau và nặng nhất là vết thương ở ổ bụng do đứt 3 đoạn ruột khi chiến đấu. Thời bình lập lại, bệnh tái phát, bục chỗ mổ và phải tái phẫu. Cứ trái gió, thời tiết thay đổi thất thường là toàn thân lại đau nhức".

Cuốn nhật ký được ông bắt đầu đặt bút viết khi ra chiến trường. Trang đầu tiên, ông viết lời tựa: "Giữ lại những nét chính trên chặng đường hành quân".

Một trang nhật ký đề tối 9/10, ông viết: "Từ Hà Đông về Từ Liêm, Hà Nội, ở đây, tôi cảm thấy nhân dân rất là tốt. Họ thật nhiệt tình với bộ đội nên tôi cảm thấy mình phải làm gì để đền đáp lại lòng tốt ấy".

Hành trình trở về của cuốn nhật ký chiến trường- Ảnh 7.

Nhắc đến kỷ niệm này, ông Thiện kể: "Lúc đó, chúng tôi hành quân chuẩn bị lên tàu vào Nam, mang theo rất nhiều đồ đạc vũ khí, gạo thóc. Nhưng đi đến đâu người dân xung quanh cũng nhiệt tình mang vác hộ, tiễn chúng tôi tới 5-7km".

Cứ như vậy, những trang nhật ký nối dài. Chặng đường hành quân gian khó, trèo đèo lội suối dưới làn mưa bom bão đạn ác liệt, chứng kiến cảnh đồng đội thân thiết ốm đau và cả hy sinh nhưng tuyệt nhiên không có một dòng kêu ca khó khăn, mệt mỏi.

Hành trình trở về của cuốn nhật ký chiến trường- Ảnh 8.

Hành trình trở về của cuốn nhật ký chiến trường- Ảnh 9.

Cựu binh Nguyễn Văn Thiện xúc động khi nhận lại cuốn nhật ký

Năm 1965, thanh niên Nguyễn Văn Thiện vừa tròn 17 tuổi tiếp tục dùng máu để viết đơn xin nhập ngũ và đó là lần thứ 3 ông làm việc này.

"Bố tôi hy sinh thời kháng chiến chống Pháp, lúc đó tôi mới năm tuổi. Tôi là con một trong gia đình liệt sỹ nên được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự nhưng nợ nước, thù nhà, tôi quyết tâm xin đi bằng được", ông Thiện kể và cho hay, mẹ ông lúc đó dù không muốn nhưng cũng không cản con.

Cuối cùng, chàng thanh niên cũng được lên đường nhập ngũ vào tháng 4/1965, vào Nam chiến đấu. Trải qua bao lần thập tử nhất sinh, được đưa ra ngoài chữa bệnh nhưng chữa xong, ông lại xin vào chiến đấu tiếp.

Hành trình trở về của cuốn nhật ký chiến trường- Ảnh 10.

Dừng ở trang nhật ký đề ngày 15/2 (tức 24/1 âm lịch), ông khẽ đọc: "Một ngày đau khổ nhất, vì rằng, một người anh, người đồng chí của tôi hy sinh trên bước đường công tác. Anh Nguyễn Văn Xuân, thôn Đông Quách, xã Nam Hà, huyện Tiền Hải, Thái Bình".

"Đó là ngày anh Xuân bạn tôi mất. Quá đau xót nên tôi không còn nghĩ gì nữa, ghi đầy đủ ngày dương, ngày âm cùng quê quán để sau nếu có thể trở về sẽ báo cho gia đình ngày giỗ của anh. Chiến tranh là thế. Người còn, kẻ mất, mấy ai được may mắn như tôi sống sót và còn có ngày nhận lại cuốn nhật ký", ông Thiện bùi ngùi.

Ông Thiện rời quân ngũ năm 1976, xếp hạng thương tật 2/4. Vợ ông là bà Trần Thị Hường cũng là thương binh hạng 4/4, nhập ngũ năm 1966, tham gia chiến đấu tại nhiều trọng điểm ác liệt trên đường Trường Sơn. Hiện bà Hương là hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Trang Trần (thực hiện)
Thiết kế: Thảo Nguyên

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.