Thị trường

Hé lộ nguyên nhân khiến mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam giảm mạnh

27/02/2023, 16:43

Tính đến nay, xuất khẩu cả nước đạt 37 tỷ USD, giảm 3,75 tỷ USD (tương đương 9,2%) so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều mặt hàng chủ lực giảm sâu.

Nhiều nhóm hàng giảm trên 30%

Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Hải quan, trong kỳ đầu tháng 2 (từ ngày 1-15/2), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 13,4 tỷ USD.

Lũy kế từ đầu năm đến nửa đầu tháng 2, xuất khẩu của cả nước đạt 37 tỷ USD, giảm 3,75 tỷ USD (tương đương 9,2%) so với cùng kỳ năm 2022.

img

Doanh nghiệp vẫn khó khăn về đơn hàng

Đáng chú ý, xuất khẩu một số nhóm hàng chủ lực của Việt Nam có dấu hiệu giảm mạnh như hàng dệt may giảm 845 triệu USD, giảm 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 664 triệu USD (giảm 35,6%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 574 triệu USD (giảm 10%); sắt thép các loại giảm 352 triệu USD (giảm 34,8%), thuỷ sản giảm 30%...

Bối cảnh lạm phát tăng cao trên toàn cầu, khiến nhu cầu tiêu thụ sụt giảm…là nguyên nhân dẫn đến xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam giảm mạnh. Đây là thách thức không nhỏ đặt ra cho mục tiêu xuất khẩu năm nay!.

Doanh nghiệp Việt bị ép giá

Ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết, nếu như năm 2021 và nửa đầu năm 2022, công ty được phép chọn lựa đơn hàng cho phù hợp với dây chuyền, tiêu chuẩn của công ty. Nhưng, từ nửa cuối năm 2022 đến nay, có đơn hàng nào, công ty nhận đơn hàng đó.

Thậm chí nhiều đơn hàng bị đối tác "ép giá" hạ giá trị xuống một nửa công ty vẫn buộc phải ký để duy trì sản xuất.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/2, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 72,3 tỷ USD, giảm 11,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện nay, đơn hàng công ty ký đến tháng 4 năm nay, song theo tính toán công ty không có lãi, đổi lại giữ ổn định sản xuất, giữ chân người lao động.

"Thông thường bước vào quý 2 sẽ là cao điểm đơn hàng trong khi đó ngành dệt may có đặc thù riêng, dù lao động giản đơn nhưng để tuyển nguồn nhân lực có nghề không dễ, vì vậy, chúng tôi chấp nhận bù giá để giữ vững sản xuất.

Hy vọng thời gian tới tình hình sẽ khởi sắc, công ty sẽ có những đơn hàng lớn bù cho những tháng bị ép giá", ông Trịnh nói.

Tương tự, ông Nguyễn Anh Tuấn, chủ một DN xuất khẩu gia vị sang EU cho biết, mấy năm qua, đơn hàng rất chậm. Hàng tồn nhiều nên đơn vị ông bị đối tác ép giá.

Dù vậy, họ vẫn phải giữ mối làm ăn và chấp nhận mọi điều kiện do bối cảnh thị trường cũng chưa khá lên, việc tìm kiếm đối tác mới chưa khả quan.

Ông Tuấn cũng hy vọng việc mở cửa trở lại của thị trường Trung Quốc sẽ là cơ hội chuyển đổi thị trường trong thời gian tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.