Vận tải

Hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam-cứu tinh của tàu thuyền

15/05/2018, 07:18

Hệ thống TTDH Việt-Nam hỗ trợ đắc lực trong hoạt động phối hợp tìm kiếm cứu nạn tàu thuyền trong nước và quốc tế.

anh

Kỹ thuật viên của RCC/Spocs tham gia khóa đào tạo kỹ thuật và khai thác nghiệp vụ Cospas-Sarsat tại Vishipel

 

Tìm kiếm cứu nạn các phương tiện/cá nhân sử dụng phao Cospas-Sarsat 406 MHz

Đài Thông tin vệ tinh mặt đất Cospas-Sarsat Việt Nam (VNLUT/MCC) thuộc Hệ thống TTDH Việt Nam (Hệ thống TTDH) bắt đầu từ năm 2008, đã chính thức hòa mạng Cospas-Sarsat MCC toàn cầu. VNLUT/MCC là đại diện được chỉ định của Việt Nam đảm trách việc phân phối dữ liệu Cospas-Sarsat trực tiếp tới các cơ quan tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam, Campuchia, Lào, đồng thời, gián tiếp thông qua MCC chủ của Nhật Bản tới các cơ quan tìm kiếm cứu nạn khác trên toàn thế giới.

Chức năng, nhiệm vụ chính của VNLUT/MCC là phát hiện, thu nhận, xử lý và phân phối các dữ liệu báo động cấp cứu được phát đi từ các phao Cospas-Sarsat 406 MHz trực tiếp tới các Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn/các đầu mối phối hợp tìm kiếm cứu nạn (RCCs/SPOCs) trong nước và quốc tế để phục vụ hoạt động tìm kiếm cứu nạn.

Năm 2009, Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ (MOU) và Thỏa thuận thư (LOA) với Campuchia và Lào về việc phối hợp tiếp nhận, xử lý và phân phối dữ liệu báo động cấp cứu Cospas-Sarsat. Trên cơ sở đó, VNMCC chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý và phân phối dữ liệu báo động cấp cứu Cospas-Sarsat tới các SPOC của Lào và Campuchia. Điều này góp phần tăng cường hiệu quả trong việc tiếp nhận, xử lý và phân phối dữ liệu báo động Cospas-Sarsat phục vụ mục đích tìm kiếm cứu nạn cho các phương tiện, cá nhân sử dụng phao Cospas-Sarsat trên biển, trên không và đất liền.

Thiết bị phát tín hiệu cấp cứu được trang bị cho các tàu thuyền, máy bay, cũng như thành viên tổ bay bằng cách tích hợp vào áo phao cứu nạn hoặc ghế ngồi.. Các thiết bị này rất nhỏ gọn và phát tín hiệu chuẩn xác. Khi nạn nhân gặp nạn trên biển hay ở đất liền, thiết bị sẽ được kích hoạt nhân công hoặc tự động phát tín hiệu lên vệ tinh và Đài Thông tin vệ tinh mặt đất Cospas-Sarsat Việt Nam sẽ lập tức tiếp nhận, xử lý và thông báo cho các lực lượng tìm kiếm cứu nạn cũng như phương tiện gần vị trí bị nạn nhất để ứng cứu.

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Công ty VISHIPEL - Đơn vị quản lý, vận hành thiết bị - và các cơ quan liên quan của Lào và Campuchia, để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của tổ chức Cospas-Sarsat, VISHIPEL tổ chức các khóa đào tạo các kiến thức về khai thác, kỹ thuật của hệ thống Cospas-Sarsat cho các nhân viên của SPOC (Campuchia và Lào) tại Việt Nam và tại các nước bạn. Bên cạnh đó, VISHIPEL sẽ hỗ trợ Lào, Campuchia tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho các chủ phao Cospas-Sarsat các kiến thức về hệ thống và các lợi ích, sự cần thiết của việc đăng ký dữ liệu phao Cospas-Sarsat...

Các tàu cá cần lưu ý trực canh trên tần số cứu nạn quốc gia 7903 kHz

Trung bình mỗi năm, hệ thống TTDH Việt Nam đã xử lý, tiếp nhận hàng trăm trường hợp báo cấp cứu. Trong đó, riêng tháng 4/2018, Hệ thống TTDH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 35 sự kiện TKCN từ tàu cá và tàu hàng, trong đó hỗ trợ thành công 20 sự kiện, cứu giúp kịp thời cho 117 thuyền viên trên tàu, 15 sự kiện thuyền viên mất tích và tàu cá mất liên lạc hiện đang tiếp tục theo dõi, xử lý.

35 sự kiện tìm kiếm cứu nạn trong đó có 15 trường hợp tàu hỏng máy thả trôi, 5 trường hợp trợ giúp y tế cho các thuyền viên, 14 trường hợp thuyền viên rơi xuống biển mất tích, 1 trường hợp tàu mất liên lạc. Tháng 4 cũng là tháng có số lượng thuyền viên rơi xuống biển mất tích cao với 14 trường hợp, tất cả đều từ các tàu cá. Đến thời điểm hiện tại, Hệ thống TTDH đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và các tàu thuyền trong khu vực triển khai các hoạt động tìm kiếm người mất tích.

Đặc biệt trong tháng 4, Hệ thống TTDH cũng tiếp nhận và xử lý trường hợp tàu AN PHÁT 09 mất liên lạc, hỏng máy thả trôi trong vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Ngay sau khi nhận được tin báo từ chủ tàu AN PHÁT 09, Hệ thống TTDH đã tra cứu vị trí tàu bị nạn qua AIS để kêu gọi các tàu xung quanh khu vực tăng cường quan sát và hỗ trợ tàu AN PHÁT 09. Với sự phối hợp thông tin và tham gia cứu trợ tích cực từ các tàu hoạt động trong khu vực gồm tàu Biển Đông Star, tàu cá NA 93649 TS và TH 91888 TS, Hệ thống TTDH đã có thông tin vị trí chính xác của tàu AN PHÁT 09 để chuyển thông tin tới cơ quan tìm kiếm cứu nạn. Kết quả tàu AN Phát 09 được tàu SAR 411 ra hỗ trợ lai dắt về đến khu neo đậu Sông Chanh an toàn, toàn bộ thuyền viên sức khỏe ổn định.

Để bảo đảm an toàn khi ra khơi, đối với các tàu cá cần lưu ý trực canh trên tần số cứu nạn quốc gia 7903 kHz – đây là tần số cứu nạn khẩn cấp dành riêng cho tàu cá. Đối với tàu hàng cần tuân thủ trực canh trên các tần số quốc gia và quốc tế theo quy định. Các tàu lưu ý việc trực canh không chỉ có ý nghĩa giúp tàu kịp thời trao đổi thông tin khẩn cấp tới các cơ quan trên bờ mà qua đó các tàu còn có thể cập nhật thông tin về tình hình tàu thuyền hoạt động trong khu vực mình hành hải, để có thể tham gia cùng với các cơ quan chức năng cứu hộ, cứu nạn tàu bị nạn khi được yêu cầu.

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.