Hỏi - Đáp

Hỏa hoạn thiêu rụi cả trăm xe máy bị tạm giữ: Xử lý thế nào?

11/01/2024, 15:22

Theo nhận định ban đầu, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân vụ việc để đưa ra phương án bồi thường và trách nhiệm nhưng việc định giá tài sản gặp nhiều khó khăn.

Xe cháy thường là xe vô chủ

Cơ quan chức năng Hải Dương đang khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy tại trụ sở Công an huyện Bình Giang, khiến cả trăm xe máy bị thiêu rụi.

Vụ cháy xảy ra vào khoảng 15h ngày 26/12, tại khu vực để phương tiện vi phạm mà cơ quan công an đang tạm giữ để xác minh, xử lý.

Hỏa hoạn thiêu rụi cả trăm xe máy bị tạm giữ: Xử lý thế nào?- Ảnh 1.

Theo luật sư, cần làm rõ nguyên nhân vụ việc để xác định trách nhiệm và làm rõ bồi thường cho chủ phương tiện.

Ngày 10/1, cơ quan công an chưa có thông tin chính thức về số lượng, chủng loại và tình trạng pháp lý của số xe bị cháy trong vụ hỏa hoạn này.

Theo một cán bộ công an ở Hải Dương chia sẻ, phần lớn đối với những bãi tạm giữ xe trong trụ sở công an chủ yếu là xe cũ nát, không có giấy tờ, không xác định được chủ sở hữu và đang chờ để thanh lý.

"Đối với những xe là tang vật vụ án hoặc xe bị xử phạt hành chính vẫn sẽ có nhưng sẽ ít vì trong thời gian quy định thì chủ sở hữu sẽ đến giải quyết", cán bộ công an chia sẻ.

Về phương án giải quyết, vị cán bộ cho hay, hiện nay cơ quan chức năng sẽ tập trung điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc. Tuy nhiên, đến nay việc định giá tài sản gặp khó khăn do tài sản đã bị hư hỏng.

"Phương án giải quyết gặp những bước khó khăn do tài sản đã bị cháy, cơ quan chức năng khó định giá được tài sản. Bởi, không thể nhìn vào xe hay giấy tờ xe mà đánh giá tài sản đó được. Do đó, cơ quan chức năng sẽ làm từng bước một để đảm bảo quyền lợi của người sở hữu tài sản", vị này chia sẻ.

Bồi thường thế nào?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, phương tiện vi phạm giao thông hay là tang vật vụ án thì khi bị tạm giữ sẽ thông qua biên bản tạm giữ xe vi phạm.

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi năm 2020 và khoản 2 Điều 9 Nghị định 138/2021/NĐ-CP, thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ; tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ.

Trường hợp tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Về vụ hỏa hoạn gây cháy hàng trăm xe máy bị tạm giữ này, luật sư Bình phân tích, trước khi xem xét vấn đề bồi thường thiệt hại thì cần làm rõ nguyên nhân gây ra vụ việc và thống kê thiệt hại. Điều này sẽ đánh giá chính xác việc có hay không có căn cứ để chủ sở hữu phương tiện bị tạm giữ đòi bồi thường.

"Để làm rõ nguyên nhân vụ việc thì cơ quan chức năng sẽ kiểm tra hệ thống các thiết bị bảo đảm an toàn tại bãi giữ xe; xác định nguồn gốc của hư hỏng xe, có phải do bên thứ ba can thiệp hay không, có phải do hành vi phá hoại hoặc bất cẩn của cá nhân nào hay không, có phải do sự kiện bất khả kháng hay không", luật sư Bình nói.

Về phía chủ phương tiện thì cần đưa ra biên bản tạm giữ xe vi phạm, giấy tờ xe để xác định giá trị tài sản bị thiệt hại. Trường hợp không thỏa thuận được thì khởi kiện ra tòa án có chức năng giải quyết theo luật định.

Ngoài ra, thông thường khi mua phương tiện giao thông, các phương tiện này đều có bảo hiểm trách nhiệm dân sự với xe.

Do vậy, nếu nguyên nhân cháy nổ là rủi ro ngoài ý muốn và xuất phát từ chính phương tiện đang bị giữ thì bên bảo hiểm xe có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.