Bạn cần biết

Hoạt động trên biển, tàu cá cần thực hiện đúng quy chế thông tin

26/03/2017, 21:47

Nhằm hạn chế thiệt hại về người và phương tiện khi hoạt động trên biển, ngư dân cần thực hiện đúng các quy chế...

28

Tàu cá hoạt động trên biển cần thực hiện đúng quy chế thông tin nhằm hạn chế thiệt hại về người và phương tiện khi xảy ra sự cố

Đảm bảo đầy đủ thiết bị khi hoạt động

Ngày 29/3/2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Quy chế thông tin đối với tàu cá hoạt động trên biển. Theo đó, việc cung cấp thông tin cho tàu cá hoạt động trên biển gồm các thông tin chính: Cảnh báo khí tượng (thời tiết biển, bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa, không khí lạnh tăng cường…); Cảnh báo hàng hải (thay đổi báo hiệu phao luồng hàng hải, chướng ngại vật nguy hiểm, sự cố tràn dầu, về sự cố đường truyền cáp quang...); Thông tin hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn (thông tin tai nạn về người và phương tiện cần được hỗ trợ, cứu giúp, thông tin chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn của các cấp đơn vị có thẩm quyền…); Thông tin về nghề cá...

Để ngư dân kịp thời thu nhận các thông tin nêu trên, quy chế cũng quy định bắt buộc đối với thiết bị thông tin cho tàu cá hoạt động trên biển. Theo đó, tàu cá hoạt động trên vùng biển A1 (vùng biển thuộc phạm vi phủ sóng của hệ thống VHF có bán kính từ bờ khoảng 35 hải lý) phải có một thiết bị thu phát thoại vô tuyến sóng cực ngắn (VHF), một máy thu chuyên dụng thông tin dự báo thiên tai (SSB).

Đối với tàu cá hoạt động trên vùng biển A2 (vùng biển nằm ngoài vùng biển A1, thuộc phạm vi phủ sóng của hệ thống MF (băng tần 2 MHz) có bán kính từ bờ là 250 hải lý) phải có một thiết bị định vị vệ tinh (GPS), một máy thu chuyên dụng thông tin dự báo thiên tai (SSB), một thiết bị thu phát thoại đơn biên sóng ngắn (HF) có chức năng trực canh trên tần số 7903 kHz của Hệ thống Đài thông tin duyên hải (TTDH) Việt Nam, một phao phát tín hiệu báo nạn qua hệ thống thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat hoạt động ở băng tần 406 MHz (thiết bị EPIRB).

Đối với tàu cá hoạt động trên vùng biển A3 (vùng nằm ngoài vùng biển A1, A2, thuộc phạm vi phủ sóng từ 700 vĩ độ Bắc đến 700 vĩ độ Nam và nằm trong vùng phủ sóng của hệ thống HF và hệ thống Inmarsat) phải có một thiết bị định vị vệ tinh (GPS), một máy thu chuyên dụng thông tin dự báo thiên tai (SSB), một thiết bị thu phát thoại đơn biên sóng ngắn (HF) có chức năng trực canh trên tần số 7903 kHz của Hệ thống Đài TTDH Việt Nam, một phao phát tín hiệu báo nạn qua hệ thống thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat hoạt động ở băng tần 406 MHz (thiết bị EPIRB).

Đảm bảo và giữ thông tin liên lạc

Ngoài các quy định đảm bảo đầy đủ về thiết bị thông tin liên lạc, ngư dân nên tổ chức và tham gia mô hình đánh bắt hải sản theo tổ, đội; Thường xuyên theo dõi trên các tần số trực canh quy định để tiếp nhận kịp thời các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thông tin nghề cá. Ngoài ra, phải kiểm tra và giữ liên lạc thường xuyên giữa các tàu cá trong tổ, đội; Giữa tàu cá của mình với các tàu cá khác và giữ liên lạc với các đài TTDH thuộc Hệ thống Đài TTDH Việt Nam cũng như các hệ thống thông tin khác gần nhất trong khu vực tàu cá hoạt động.

Hệ thống Đài TTDH Việt Nam gồm 32 đài thông tin duyên hải trải dài từ Móng Cái đến Cà Mau trực thuộc Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam. Hệ thống luôn trực canh 24/24h nhằm tiếp nhận, cung cấp hỗ trợ thông tin cho ngư dân trên tần số 7903Khz, 7906Khz, 8294Khz.

Hiện nay, Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam là công ty cung cấp các dịch vụ thông tin sử dụng trên đất liền, trên biển cũng như trên không. Ngoài ra, công ty còn cung cấp các dịch vụ lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa, đào tạo và hướng dẫn sử dụng trang thiết bị hàng hải.

Ngư dân có nhu cầu lắp đặt các trang thiết bị cho tàu và sử dụng các dịch vụ khác có thể liên lạc với Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt nam (Số 2 Nguyễn Thượng Hiền, Hồng Bàng, Hải Phòng). 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.