Xã hội

Học sinh sáng tạo máy chống lái xe say rượu, ngăn dân “trèo rào”

15/05/2016, 19:14

Đây đều là những đề tài sáng tạo, có tính nhân văn và có khả năng thực thi cao.

ảnh 1D

Thày trò Trường THPT chuyên Hạ Long giới thiệu những sáng kiến khoa học về ATGT

Trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia được tổ chức tháng 3 vừa qua, hai nhóm học sinh Trường THPT chuyên Hạ Long (Quảng Ninh) đã xuất sắc đoạt 2 giải Ba của cuộc thi với 2 sáng kiến về ATGT: “Hệ thống thông minh kiểm soát lái xe khách uống rượu, bia và cảnh báo va chạm” và “Hàng rào chống trèo thông minh”.

Kiểm soát nồng độ cồn thông minh

Tại Phòng Kỹ thuật của trường THPT chuyên Hạ Long, Chu Minh Phương và Nguyễn Đức Anh (lớp 11 Tin) đang say sưa hướng dẫn các bạn về mô hình hệ thống thông minh kiểm soát lái xe khách uống rượu, bia - sản phẩm vừa đoạt giải cao trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia. Phương kể, trong một lần về quê ở huyện Hải Hà, em đã lên phải một chuyến xe khách “bão táp”, cả lái, phụ xe đều là người nghiện rượu. Cứ mỗi lần dừng xe, bác tài xế lại nhấp một vài ngụm rượu, mặt đỏ bừng, hơi thở bốc mùi cồn.

“Lúc này, em chợt nảy sinh ý tưởng cần có một sản phẩm để kiểm soát, buộc lái xe không được điều khiển phương tiện khi có rượu bia trong người. Em đã tâm sự chuyện này với Đức Anh và cùng nhau nghiên cứu, vừa để thỏa mãn đam mê nghiên cứu khoa học của cả hai người vừa mong muốn góp ý tưởng bảo đảm ATGT với cơ quan chức năng”, Phương nói Hệ thống thông minh kiểm soát lái xe không uống rượu, bia của Phương và Đức Anh có nguồn lắp dưới sàn xe và một ống thổi đo nồng độ cồn được đặt phía trên tấm kính trước mặt. Trước khi khởi động xe, người điều khiển bắt buộc phải thổi vào ống thổi đo nồng độ cồn. Nếu phát hiện thấy có nồng độ cồn trong hơi thở của lái xe thì hệ thống đề sẽ không hoạt động, các ứng dụng, tiện ích khác của xe cũng “chết đứng”.

Hệ thống còn có cảm biến vân tay R305, cảm biến nhiệt độ, độ ẩm DHT11 và cảm biến nồng độ cồn MQ3 để xác định tài xế là người thổi trước khi kiểm tra nồng độ cồn, tránh việc tráo đổi người thổi và người điều khiển phương tiện. “Điều này sẽ giúp hạn chế những tai nạn thương tâm nếu lái xe cố tình “lách” quy trình và sẽ giúp cho cơ quan chức năng dễ dàng xác định chính xác người lái xe, người ngồi cạnh khi có tai nạn xảy ra”, Đức Anh nói.

Thầy Hà Minh Hoan, giáo viên hướng dẫn đề tài của Phương và Đức Anh kể, trong một lần kiểm tra tính hiệu quả của sản phẩm, Phương và Đức Anh đã mua về một chai rượu, mời thầy đến Phòng Thí nghiệm của trường… uống cho say. “Tôi không uống được rượu, nhưng để thử nghiệm, đành “liều mình” uống 5 ly đầy. Máy phát hiện được nồng độ cồn và khóa ngay chế độ hoạt động của  động cơ xe. Hôm đấy, ba thầy trò phấn khởi nhưng tôi mệt vì uống nhiệt tình quá”, thầy Hoan vui vẻ.

Ngày lên lớp, tối về Phương và Đức Anh lại lên mạng, trao đổi, tìm kiếm tài liệu liên quan phục vụ cho việc nghiên cứu và lắp ráp. Tài liệu chuyên ngành, chủ yếu bằng tiếng Anh, nhiều bài dịch khó các em phải nhờ thầy cô Tổ Ngoại ngữ của trường trợ giúp. Việc tìm kiếm các thiết bị cảm biến hay các bộ phận vật lý cũng gặp nhiều khó khăn vì phải đến những khu chợ điện tử ở xa lại tốn kém kinh phí, nên các em phải nhờ sự hỗ trợ, giúp sức của cha mẹ.

Sau khi đoạt giải Nhì trong cuộc thi sáng kiến Khoa học kỹ thuật của tỉnh và được chọn để đi thi cấp Quốc gia, Phương và Đức Anh lại nảy ra một ý tưởng mới có thể giúp bảo vệ người tham gia giao thông khi xảy ra va chạm. Đó là việc sử dụng cảm biến dòng giúp làm bung túi khí khi xe gặp nạn và hệ thống tự động gửi tin nhắn báo vị trí xe bị tai nạn về số điện thoại mà chủ sở hữu lập trình.

“Hàng rào chống trèo thông minh” cần ứng dụng ngay

Hàng ngày, trên đường đi học về, em Đoàn Diệu Linh và Nguyễn Linh Chi, học sinh lớp 11 Hóa của Trường chuyên Hạ Long đã chứng kiến cảnh người dân thản nhiên trèo qua hàng rào, chui rào để sang đường, rất nguy hiểm tính mạng, nhất là ở khu vực ngã tư Loong Toòng (Hạ Long), nơi xảy ra nhiều vụ TNGT chết  người chỉ vì vô tư vượt rào. Từ thực tế đó, Diệu Linh và Linh Chi đã đưa ra ý tưởng thực hiện đề tài “Hàng rào chống trèo thông minh”. 

Ý tưởng đầu tiên của hai em là sử dụng những quả hình cầu gắn trên bề mặt hàng rào. Nhưng nhờ thầy giáo Dương Đức Bằng, giáo viên hướng dẫn đề tài phân tích về việc sử dụng hình cầu sẽ gây khó trong quá trình giữ thăng bằng và vận chuyển trượt do bề mặt tiếp xúc với hàng rào thấp, khó gắn chặt và sử dụng lâu dài, nên cả ba thầy trò đã thống nhất sử dụng con lăn thay bằng hình cầu lắp trên hàng rào đó.

Đây đều là những đề tài sáng tạo, có tính nhân văn và có khả năng thực thi cao. Nhà trường và các em học sinh rất mong muốn được các cơ quan chức năng giúp đỡ để có thể đưa mô hình đi vào thực tiễn, đảm bảo ATGT và cũng là một cách khuyến khích học sinh không ngừng nỗ lực, sáng tạo”.

Th.S. Bùi Thị Hải Yến, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hạ Long.

Sau khi được định hướng, Diệu Linh và Linh Chi nhanh chóng bắt tay vào việc thực hiện mô hình. Từ việc lên ý tưởng đến vẽ mô hình trên giấy rồi việc mua nguyên liệu và tiến hành lắp đặt đều do hai em tự tay thực hiện. Các em đã mất khoảng 3 tháng để hoàn thành mô hình và đưa vào thử nghiệm.

“Ban đầu, mô hình được làm bằng nhựa để tham dự kì thi cấp tỉnh. Nhưng đến khi bước vào kì thi Quốc gia, chúng em quyết định chuyển sang vật liệu bằng sắt để thực hiện mô hình hàng rào có thể thử nghiệm ngay trong thực tế. Tính từ khi thực hiện đến lúc hoàn thành, chúng em thực hiện tổng cộng 3 mô hình, trong đó có 2 mô hình sử dụng vật liệu sắt. Mô hình cuối cùng được hoàn thành vào tháng 2/2016, với chi phí gấp 3 lần mô hình bằng nhựa, lên tới 200 nghìn đồng”, Linh Chi kể.

Mô hình hàng rào thông minh do Diệu Linh và Linh Chi thiết kế còn sử dụng cảm biến, đèn kêu để báo hiệu khi có người cố tình vượt qua hàng rào và đây cũng là hướng nghiên cứu áp dụng thực tế việc đảm bảo an ninh cho ngôi nhà chống trộm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.