Du lịch

Hội thảo ẩm thực cung đình và ẩm thực dân gian Huế

29/04/2018, 16:05

Hội thảo Khoa học quốc tế với chủ đề: “Nâng tầm - Phát triển - Kết hợp du lịch vươn ra Thế giới”...

IMG_3852

Hội thảo Khoa học quốc tế: ẨM THỰC CUNG ĐÌNH; DÂN GIAN HUẾ với chủ đề: “Nâng tầm - Phát triển - Kết hợp du lịch vươn ra Thế giới”.

Trong khuôn khổ Festival Huế 2018 “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển. Một điểm đến năm di sản”, Hội thảo Khoa học quốc tế: ẨM THỰC CUNG ĐÌNH & DÂN GIAN HUẾ với chủ đề: “Nâng tầm - Phát triển - Kết hợp du lịch vươn ra Thế giới” sẽ được tổ chức vào ngày 29.4.2018. Hội thảo hướng tới, chú trọng những ý kiến gợi mở, thảo luận về con đường, phương thức khai thác, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Huế thông qua du lịch, bảo tồn và nghiên cứu với tư cách là một đối tượng, sản phẩm độc đáo, đặc trưng.

Qua đó, tập hợp các ý kiến đóng góp, tư vấn định hướng từ các học giả, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân, các chuyên gia về văn hóa ẩm thực cung đình và dân gian Huế, xây dựng và quảng bá thương hiệu “HUẾ, KINH ĐÔ ẨM THỰC” với các giá trị văn hóa và sản phẩm du lịch ẩm thực khác biệt, độc đáo, có chất lượng, có sức cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế; Khẳng định Huế là điểm đến hấp dẫn ở Đông Nam Á dựa trên các giá trị thương hiệu chính và sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo ra một sản phẩm du lịch đặc sắc, của riêng Huế, quảng bá rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước, mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và người dân địa phương.

Hội thảo qui tụ 21 dại biểu đến từ 9 quốc gia Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Lào, Indonesia, Đài Loan TQ, Pháp, Thụy Sĩ, Singapore và 94 đại biểu đến từ 8 tỉnh thành : Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Bình Thuận, Cần Thơ, Khánh Hòa, Tiền Giang và Thừa Thiên Huế là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, master Chef, doanh nghiệp và đầu bếp chuyên nghiệp.

Với trên 30 tham luận tập trung vào 3 nhóm vấn đề: ngoài việc tiếp tục khẳng định những giá trị tinh hoa của ẩm thực Huế (cung đình và dân gian); các tham luận bàn sâu về 2 vấn đề Ẩm thực Huế với chiến lược kinh doanh và đào tạo và Ẩm thực Huế với hoạt động Bảo tàng và nghiên cứu. Đáng chú ý là Hội thảo có những tham luận đến từ các doanh nghiệp đang thành công trong kinh doanh ẩm thực Hue trong và ngoài nước, hoặc những tham luận đi sâu vào thực tiễn của việc bảo tồn gìn giữ các giá trị văn hóa ẩm thực Huế, nhất là âm thực cung đình, thực trạng và hướng đề xuất cho công tác truyền thông xứng tầm của vị thế Huế, kinh đô ẩm thực.

Điểm mới của Hội thảo lần này, ngoài các tham luận, phản biện và tranh luận tại hội trường, còn có chuỗi các chương trình đồng hành: Gala Trải nghiệm Ẩm thực Huế - Ẩm thực Việt vào tối ngày 29.4 tại Cung Trường Sanh, Đại Nội kết hợp giữa nghệ thuật phục vụ dạ tiệc với món ăn Cung đình và Dân gian Huế, món ăn Việt với giao lưu nghệ nhân ẩm thực ba miền, nghệ nhân ẩm thực nước ngoài và các hoạt động nghệ thuật khác…; Ra mắt Hội Văn hóa Ẩm thực tỉnh Thừa Thiên Huế; Vinhdanh, khen thưởng, tri ân nhà tài trợ và đơn vị hỗ trợ; Trao tặng giấy chứng nhận, kỷ vật tôn vinh người đồng hành và đóng góp tích cực “VÌ MỘT TƯƠNG LAI VĂN HÓA ẨM THỰC HUẾ”. Triển lãm, quảng diễn, trải nghiệm 100 món ăn Cung đình và Dân gian Huế, Việt Nam từ ngày 28.4 đến 2.5.2018 tại Phủ Nội vụ, Hoàng cung (Đại nội) Huế.

Đây là hoạt động có tính cộng đồng, ra mắt, quảng diễn và giới thiệu 100 món ăn Cung đình, món ăn Dân gian Huế và một số vùng miền, do 30 nghệ nhân, chuyên gia ẩm thực, Master Chef và các đầu bếp nổi tiếng của Việt Nam và quốc tế thực hiện. Kỳ vọng của Hội thảo là tập trung trí tuệ góp phần thực hiện Chiến lược phát triển Du lịch Huế đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Chương trình trọng điểm phát triển du lịch - dịch vụ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018, trong đó chú trọng tập trung đẩy nhanh việc hoàn thiện các sản phẩm phong phú, đa dạng và có chất lượng, phát huy tiềm năng, lợi thế tích cực vào định hướng và mục tiêu biến Việt Nam trở thành Bếp ăn của Thế giới, Huế là bếp ăn của Việt Nam. khẳng định đẩy mạnh đa dạng chiến lược truyền thông “Huế - kinh đô ẩm thực - sự tận hưởng kỳ thú” trong giai đoạn 2018 - 2020.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.