Xã hội

Quốc hội thảo luận cơ chế đặc thù xây dựng công trình giao thông đường bộ

Ngày 27/10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 6, chiều 27/10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết này.

Hôm nay, Quốc hội thảo luận về cơ chế đặc thù xây dựng công trình giao thông đường bộ - Ảnh 1.

Hôm nay (27/10), Quốc hội thảo luận về cơ chế đặc thù xây dựng công trình giao thông đường bộ

Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ được xây dựng để thí điểm áp dụng một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. 

Qua đó, góp phần đa dạng hóa, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp (Nhà nước, tư nhân, Trung ương, địa phương), tháo gỡ nút thắt trong đầu tư, tạo đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Nghị quyết gồm 10 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh (kèm theo danh mục dự án áp dụng); đối tượng áp dụng; tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (dự án PPP); thẩm quyền đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc qua các địa phương; 

Các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương; cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022; tổ chức thực hiện; điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực thi hành. 

Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ, các cơ chế, chính sách trong dự thảo Nghị quyết sẽ được áp dụng cho danh mục các dự án giao thông đường bộ trình kèm theo Nghị quyết.

Dự thảo Nghị quyết được xây dựng gồm 5 nhóm chính sách. Trong đó, nhóm chính sách đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng trong thời gian 5 năm gồm: về tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án PPP, về việc giao thẩm quyền cho địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương; 

Về giao cho một địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách của địa phương này hỗ trợ vốn cho địa phương khác; về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Nhóm chính sách trình Quốc hội cho áp dụng một lần là cơ chế chính sách đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn vốn tăng thu ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2022, gồm: Bố trí nguồn tăng thu NSTW năm 2022 cho 6 dự án khởi công mới; bố trí nguồn tăng thu NSTW năm 2022 để điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư cho 5 dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; 

Giao kế hoạch từ nguồn tăng thu NSTW năm 2022 cho 30 dự án và 1 nhiệm vụ và cho phép giải ngân trong 3 năm từ năm 2023-2025; bố trí vốn tăng thu NSTW năm 2022 để thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng phát sinh sau khi dự án đã quyết toán.

Cùng ngày, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này và cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Quốc hội cũng sẽ thảo luận tại tổ việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.