Xã hội

Hy hữu chuyện vợ liệt sỹ bất ngờ bị khai tử

05/09/2023, 07:30

Thấy mình bị dừng chế độ vợ liệt sỹ sau khi tái giá, bà Phạm Thị Dậu (79 tuổi ở Thái Bình) tìm tới chính quyền địa phương thì được biết mình đã bị… làm thủ tục khai tử.

Hoàn cảnh éo le

photo-1693839892097

Bà Phạm Thị Dậu trước căn nhà tồi tàn của mình tại thôn An Phúc, xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Qua thông tin phản ánh, PV Báo Giao thông về thôn An Phúc, xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình gặp bà Phạm Thị Dậu. Bà Dậu là vợ của liệt sỹ Hoàng Ngọc Noãn (quê quán thôn Hoàng Xá, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).

Trong ngôi nhà ngói lụp xụp chừng 10m2, xiêu vẹo như muốn đổ bất cứ lúc nào, tài sản duy nhất bà Dậu có là chiếc xe đạp đã cũ kỹ cùng vài cái xoong, nồi méo mó đen thui.

Mời khách ngồi tạm xuống bậc sân nhà, bà Dậu kể, cuối năm 1963, bà lập gia đình với ông Hoàng Ngọc Noãn. Hưởng hạnh phúc với chồng chưa đầy một tháng, thì đầu năm 1964, ông Noãn nhập ngũ rồi vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Bà Dậu ở nhà chăm sóc cha mẹ chồng, khắc khoải chờ tin chồng.

Tháng 3/1968, ông Noãn hy sinh khi chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Bà Dậu tiếp tục ở nhà chồng hai năm nữa. Đến năm 1970, khi 28 tuổi, được bố mẹ chồng động viên, bà rời gia đình nhà chồng về ở với gia đình anh trai tại xã Song An, huyện Vũ Thư.

Năm 1972, bà Dậu tái giá với ông Đỗ Văn The, người thôn An Phúc, xã Song An. Hạnh phúc chẳng được bao xa thì ông The đổ bệnh rồi qua đời, để lại cho bà hai người con, một trai một gái.

Bà ở vậy làm lụng nuôi hai con khôn lớn, nhưng con trai bà bị bệnh thần kinh, cô con gái đi lấy chồng xã bên nhưng người chồng bị tử vong khi đi kích điện bắt cá. Do vậy, cuộc sống của ba mẹ con bà Dậu đều khó khăn. Ở tuổi 79, dù gầy yếu, bà vẫn phải lặn lội đi bắt cua, mò cá, ai thuê mướn gì thì làm để rồi rau cháo qua ngày.

Theo bà Dậu, năm 1994, được hướng dẫn của cán bộ làm công tác thương binh xã hội, bà đã làm thủ tục hưởng chế độ vợ liệt sỹ. Thời điểm đó, thay vì được hưởng chế độ đối với vợ liệt sỹ đã lấy chồng khác (tái giá), UBND xã Nguyên Xá cho bà được hưởng tuất vợ liệt sỹ.

"Cán bộ xã lập hồ sơ cho tôi được hưởng chế độ vợ liệt sỹ mỗi tháng được hưởng 72.000 đồng nhưng khi ký nhận, tôi chỉ được nhận lại 60.000 đồng. Tôi hưởng chế độ này từ năm 1997 đến năm 1999 thì thấy ngưng. Thấy bị ngưng một thời gian, khoảng cuối năm 2000, tôi đến UBND xã Nguyên Xá hỏi thì được biết họ đã khai tử tôi rồi và không còn chế độ gì", bà Dậu cho biết.

Thương tình hoàn cảnh khốn khó của bà, hàng xóm láng giềng động viên bà làm đơn đến các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình đề nghị được hưởng chế độ tuất vợ liệt sĩ tái giá. Tuy nhiên, nhiều lần đến hỏi, bà Dậu đều được trả lời trường hợp của bà chưa đầy đủ hồ sơ theo quy định nên chưa được xét duyệt.

Vì sao chưa được hưởng?

photo-1693839892952

Trụ sở UBND xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư.

Theo thông tin từ UBND xã Nguyên Xá, năm 1994, cán bộ lao động, thương binh xã hội xã Nguyên Xá là ông Nguyễn Văn Khiêu (ông Khiêu nay đã chết) đã hướng dẫn bà Dậu làm hồ sơ là vợ liệt sỹ chưa tái giá để hưởng tuất thường xuyên vợ liệt sỹ.

Hồ sơ này có xác nhận của UBND xã Nguyên Xá và ngày 11/6/1997, Sở Lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Thái Bình đã ra quyết định cho bà Phạm Thị Dậu hưởng tuất vợ liệt sỹ, truy lĩnh từ ngày 1/1/1995, mỗi tháng bà Dậu được hưởng trợ cấp 72.000 đồng.

Trong quá trình rà soát, xét thấy bà Dậu hưởng chế độ tuất vợ liệt sỹ là không đúng theo quy định, Phòng LĐ-TB&XH huyện Vũ Thư đã yêu cầu xã Nguyên Xá phối hợp với UBND xã Song An làm thủ tục để bà Dậu hưởng quyền lợi vợ liệt sỹ đã đi lấy chồng khác (tái giá). Tuy nhiên, cán bộ thương binh xã hội xã Nguyên Xá không hiểu vì lý do gì đã làm giấy khai tử bà Phạm Thị Dậu.

"Từ tháng 11/2000, UBND xã Nguyên Xá đã làm thủ tục khai tử bà Phạm Thị Dậu. Đây là sai sót của cán bộ xã thời điểm đó. Hiện, thủ tục khai tử cho bà Dậu đã bị xóa bỏ", một cán bộ xã Nguyên Xá cho biết.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Ngô Bá Quyết, cán bộ phụ trách mảng lao động, thương binh và xã hội xã Nguyên Xá cho biết, việc bà Dậu đề xuất hưởng chế độ vợ liệt sĩ đã tái giá là chính đáng. Tuy nhiên, hiện còn vướng mắc một số văn bản theo quy định nên chưa thể làm chế độ cho bà Dậu.

"Tất cả hồ sơ của bà Dậu đã đầy đủ, tuy nhiên hồ sơ hiện còn vướng một văn bản nữa theo quy định là anh, em của gia đình liệt sĩ phải công nhận bà Dậu phải là người chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ chồng liệt sĩ cả khi đã đi lấy chồng khác. Phía gia đình liệt sỹ Hoàng Ngọc Noãn chưa xác nhận việc này. Cũng có thể do bà Dậu khi tái giá, cuộc sống quá khó khăn nên khó có điều kiện qua lại phụng dưỡng bố mẹ liệt sỹ Noãn", ông Quyết cho biết.

Theo khoản 10 Điều 16, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, vợ liệt sĩ đi lấy chồng khác (tái giá) cũng được hưởng chế độ ưu đãi nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau đây: Đã nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành; Chăm sóc cha mẹ đẻ của liệt sĩ khi còn sống; Vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.

Nếu đủ các điều kiện trên, vợ liệt sĩ tái giá được hưởng chế độ trợ cấp tuất hằng tháng là 1.624.000 đồng/tháng; được đóng bảo hiểm y tế.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.