Thời sự Quốc tế

Iraq cảnh báo hậu quả mà cả phương Tây phải e ngại nếu xung đột Israel-Hamas lan rộng

22/10/2023, 11:59

Thủ tướng Iraq cảnh báo trong trường hợp xung đột giữa Hamas - Israel lan rộng ra khu vực, nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông ra các thị trường quốc tế có thể bị gián đoạn.

Theo Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani, cuộc xung đột giữa Israel - phong trào Hồi giáo Hamas "sẽ ảnh hưởng tới an ninh toàn cầu, làm leo thang xung đột trong khu vực, gây ảnh hưởng tới các nguồn cung năng lượng, làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng kinh tế và châm ngòi cho các cuộc xung đột khác".

Bình luận trên được Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình Cairo do Ai Cập đăng cai tổ chức nhằm thảo luận cách thức giảm leo thang xung đột giữa Israel - Hamas, theo hãng tin AP.

Ông Al-Sudani kêu gọi các bên lập tức ngừng bắn, trao đổi tù nhân nhằm kết thúc xung đột. Ngoài ra, Thủ tướng Iraq cũng cảnh báo xung đột Hamas - Israel có thể gây gián đoạn hoạt động xuất khẩu dầu thô từ Trung Đông ra các thị trường quốc tế.

Iraq cảnh báo các quốc gia Trung Đông có thể cắt nguồn cung dầu mỏ ra thị trường quốc tế - Ảnh 1.

Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani (Ảnh: Getty).

Ông Al-Sudani đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh nổi lên nhiều quan ngại rằng các quốc gia Trung Đông có thể cắt nguồn xuất khẩu dầu mỏ sang phương Tây nhằm phản ứng trước khả năng Israel mở chiến dịch tấn công trên bộ nhằm vào Dải Gaza. 

Ngày 18/10, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian kêu gọi các quốc gia Hồi giáo áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Israel.

Iran là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 8 trên thế giới. 

Kể cả trong trường hợp các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn khác không hưởng ứng lời kêu gọi cấm vận xuất khẩu dầu mỏ, hãng tin RT nhận định chỉ riêng lệnh cấm vận dầu mỏ (nếu được áp đặt) của Tehran cũng đủ khả năng gây gián đoạn đáng kể các thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Hãng tin RT lấy dẫn chứng lệnh cấm vận dầu mỏ của các nước Ả rập đối với Mỹ và một số quốc gia ủng hộ Israel vào năm 1973 đã gây ra tình trạng khan hiếm sản phẩm dầu mỏ, khiến người dân tại nhiều quốc gia phải xếp hàng dài chờ đợi tại các trạm bơm xăng và gây ảnh hưởng nặng nề về kinh tế.

Tuy nhiên, năm 2022, chỉ khoảng 12% lượng dầu thô nhập khẩu của Mỹ đến từ khu vực Trung Đông, giảm mạnh so với con số 85% vào những năm 1970.

Chia sẻ với hãng tin AP, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế - ông Fatih Birol cảnh báo xung đột Hamas - Israel có thể đẩy giá dầu trên các thị trường quốc tế lên cao, khiến tình trạng lạm phát thêm trầm trọng. 

Ông Birol cũng cảnh báo các quốc gia đang phát triển phụ thuộc vào dầu thô, sản phẩm dầu mỏ nhập khẩu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo RT, giá dầu thô Brent trên thị trường quốc tế hiện đã tăng lên mức 93 USD/thùng. 

Trong khi đó, trước khi nhóm vũ trang Hamas mở cuộc đột kích nhằm vào Israel hôm 7/10, dầu thô Brent giao dịch trên thị trường quốc tế với mức giá 85 USD/thùng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.