Bất động sản

Kẻ cười, người khóc khi “ôm” đất dọc tỉnh lộ Cần Thơ

04/07/2023, 09:00

Cơn sốt đất bùng lên ở 4 quận, huyện tại TP Cần Thơ khiến giá đất tăng gấp 4-5 lần, nhiều người lãi đậm, có không ít người như “ngồi trên lửa".

“Mua được mảnh đất ở tỉnh lộ 922 ấm no suốt đời

Đầu năm 2018, trước khi tỉnh lộ 922 khởi công, anh Huỳnh Minh Luân ở quận Ninh Kiều có mua một mảnh vườn 5 công (1 công = 1.000m2) ở gần tuyến tỉnh lộ 922.

“Lúc đó thấy đất rẻ, mua để dành sau này xây cái nhà dưỡng già chứ chưa có thông tin gì về con đường này”, anh Luân cho biết.

img

Đất “vàng” hai bên đường tỉnh 922 đang chờ những dự án lớn vào đầu tư

Rồi con đường được khởi công, giá đất lên vù vù. Mảnh đất của anh Luân có giá gấp 5 - 6 lần so với trước.

Anh Luân giờ đang tính mở một khu du lịch nho nhỏ hoặc nhà hàng. Hiện nay, 1 công đất ở khu vực này có giá thấp nhất từ 1,2 tỷ đồng.

Nếu đất nằm ở vị trí có thể chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành thổ cư được thì người mua “một bước lên mây”.

Tỉnh lộ 922 có chiều rộng nền đường 12m, tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ làm chủ đầu tư. Dự án khởi công từ năm 2018 và thông xe kỹ thuật năm 2022.

Những người may mắn như anh Luân không ít. Đó là những người có tiền mặt trong tay, không phải vay ngân hàng, mua miếng đất để đầu tư lâu dài.

Đối với những người dân cố cựu ở hai bên tỉnh lộ 922, việc sở hữu vài công hay vài chục công đất là cả một gia tài lớn. Họ bán một phần, nhượng qua nhượng lại nên thị trường ngày đó rất sôi động.

Tỉnh lộ 922 bắt đầu từ QL91B, đoạn qua quận Bình Thủy, qua quận Ô Môn, xuôi huyện Thới Lai và Cờ Đỏ. Cả tuyến đường dài gần 30km, trong đó có hơn 16km từ Thới Lai về quận Bình Thủy là được xây mới, đoạn còn lại là nâng cấp, cải tạo.

Khởi công từ năm 2018, thông xe đầu năm 2022, tỉnh lộ 922 đã kéo nông thôn lại gần thành thị, mang lại diện mạo khác hẳn cho các vùng nông thôn Cần Thơ. Nếu như trước đây, từ Cần Thơ đi Thới Lai, Cờ Đỏ phải về trung tâm quận Ô Môn rồi rẽ vào, nay nhờ tỉnh lộ 922, sẽ đi tắt về Thới Lai, Cờ Đỏ rất nhanh, tiết kiệm hàng chục km đường đi.

“So với đất nông nghiệp ở QL61C hay ở các vùng khác, đất ở tỉnh lộ 922 vẫn là sốt nhất”, anh Trần Bình Tân, một “cò” đất ở Cần Thơ nhìn nhận.

Vỡ mộng vì trót “ôm” đất

img

Đường tỉnh 922 giao cắt với nhiều tuyến đường nhánh, đường nông thôn nên giá đất ở các khu vực lân cận cũng tăng cao, dễ mua bán

Nhiều người trúng mánh như anh Huỳnh Minh Luân nhưng cũng không ít người méo mặt khi trót “đu đỉnh” hoặc đất không chuyển mục đích sử dụng được.

Anh Trần Bình Tân cho biết, rất nhiều người ôm hàng chục ngàn m2 đất hai bên hoặc gần tỉnh lộ 922 bây giờ như đang ngồi trên đống lửa. Những người đã nhanh tay bán ra khoảng 2 - 3 năm trước thì đang ngồi cười, đếm tiền…

Lý giải về điều này, một cán bộ Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cho biết: Những khu đất cặp sát hai bên tỉnh lộ 922 đã được quy hoạch, hoặc là các dự án đang chờ thành phố kêu gọi đầu tư nên không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

“Người dân muốn giao dịch mua bán thì bình thường, nhưng mua đất lúa phải trồng lúa, đất vườn thì phải làm vườn. Không chuyển đổi mục đích sử dụng đất được. Điều này cũng diễn ra ở các tuyến tỉnh lộ khác ở Cần Thơ”, cán bộ này cho biết.

Vẫn theo cán bộ này, giá đất ở tỉnh lộ 922 bây giờ vẫn cao như trước nhưng rất khó tìm khách hàng vì đa phần là đất lúa, để được chuyển đổi mục đích sử dụng còn phải tùy khu vực mới được phép. “Nếu ai mua phải đất lúa mà có ý định làm việc khác, lại trúng chỗ không chuyển đổi mục đích sử dụng được thì đành ôm hận”, anh nói và cho hay, khó khăn càng chồng chất cho những người vay ngân hàng để mua nhưng bây giờ mắc kẹt.

Tại sao đất trên tuyến tỉnh lộ 922 này có giá hơn các nơi khác, anh Trần Bình Tân lý giải: “Do tuyến đường này có giao cắt với nhiều tuyến đường nông thôn, giao thông thuận lợi, đi lại dễ dàng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.