Thế giới giao thông

Khách bay từ Singapore sẽ phải trả thêm thuế nhiên liệu bền vững?

Với tham vọng trở thành trung tâm hàng không bền vững, thân thiện với môi trường, Singapore vừa công bố một loạt sáng kiến, bao gồm biện pháp đánh thêm thuế nhiên liệu trong vé máy bay.

Chọn cả phát triển và môi trường

Cơ quan Hàng không dân dụng Singapore (CAAS) đề xuất chuỗi sáng kiến nhằm đưa đảo quốc này thành trung tâm hàng không bền vững và được Bộ trưởng Giao thông vận tải Singapore Chee Hong Tat công bố tại hội nghị thượng đỉnh hàng không Changi đang diễn ra.

Khách bay từ Singapore sẽ phải trả thêm thuế nhiên liệu bền vững?- Ảnh 1.

Một máy bay Singapore Airlines đang nhận nhiên liệu bền vững. Ảnh: ExxonMobil.

Theo hãng tin Channel News Asia (CNA), trong kế hoạch này, CAAS sẽ triển khai các sáng kiến trên ba lĩnh vực bao gồm quản lý hãng hàng không, sân bay và hoạt động hàng không nhằm hỗ trợ sự phát triển bền vững của lĩnh vực hàng không và cắt giảm lượng phát thải carbon.

Theo kế hoạch, Singapore đặt mục tiêu giảm 20% mức phát thải từ hoạt động vận hành sân bay vào năm 2030 so với mức năm 2019. Đảo quốc này cũng đặt mục tiêu đạt mức phát thải từ hoạt động hàng không nội địa và chuyến bay quốc tế bằng 0 vào năm 2050, bao gồm cả lượng phát thải từ những chuyến bay quốc tế do các nhà vận hành tại Singapore thực hiện.

Phát biểu tại hội nghị, ông Chee cho biết: "Cách tiếp cận của chúng tôi là tạo điều kiện cho lĩnh vực hàng không vừa phát triển vừa đạt mục tiêu bền vững về môi trường. Chúng tôi không muốn chọn một trong hai mục tiêu trên mà là cả hai".

Sản xuất năng lượng ngay tại sân bay Changi

Trong quản lý sân bay, CAAS sẽ thực hiện các biện pháp nhằm giảm lượng năng lượng tiêu thụ và sản xuất năng lượng tái tạo ngay tại sân bay Changi.

Cụ thể, CAAS sẽ phối hợp với Tập đoàn Sân bay Changi (CAG) lắp đặt hệ thống thiết bị quang điện trên mái các tòa nhà tại sân bay Changi và sân bay Seletar. Cùng đó, CAAS sẽ nghiên cứu tính khả thi của việc lắp đặt thiết bị quang năng tại sân bay.

Từ cuối năm 2023, sân bay Changi đã đạt công suất phát điện gần bằng 4% lượng điện cơ sở này tiêu thụ vào năm 2019. Theo CNA, việc lắp đặt thêm hệ thống quang năng trên mái sẽ giúp tạo ra thêm 6% điện năng tính trong tổng lượng điện tiêu thụ.

CAAS cũng đặt mục tiêu toàn bộ phương tiện vận hành tại sân bay Changi sẽ là phương tiện sử dụng năng lượng sạch vào năm 2040. Toàn bộ phương tiện hạng nhẹ như ô tô, xe van, xe minibus và một số loại phương tiện hạng nặng như xe nâng, xe kéo phục vụ tại sân bay Changi cũng sẽ là xe điện từ năm 2025.

Một sáng kiến khác là CAAS sẽ phối hợp với CAG và những đối tác khác nhằm cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng tại các nhà ga ở sân bay Changi. Trọng tâm được ưu tiên cải thiện là hệ thống điều hòa không khí tại sân bay - thiết bị chiếm hơn một nửa tổng lượng điện tiêu thụ của các nhà ga.

Sân bay Changi đang lên kế hoạch lắp đặt vật liệu phản xạ nhiệt để giảm năng lượng do hệ thống điều hòa không khí tiêu thụ cũng như cải thiện hệ thống làm mát.

Bên cạnh đó, CAAS dự kiến xây dựng cơ sở chuyển rác thải thành năng lượng tại sân bay Changi. Cơ sở này sẽ chuyển rác thải thành vật liệu thô phục vụ cho quá trình phát điện hoặc sản xuất nhiên liệu sinh học để sử dụng tại sân bay.

Trong quản lý hoạt động đi lại đường hàng không, CAAS sẽ phối hợp với các đối tác nhằm giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ trong vòng 5 năm tới. Theo đó, họ sẽ thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện khả năng quản lý những chuyến bay đường dài, cải thiện tính chính xác của thông tin dự báo thời tiết.

Theo CNA, những sáng kiến trong quản lý hoạt động đi lại đường hàng không sẽ giúp cắt giảm 10% cả lượng nhiên liệu tiêu thụ và lượng khí phát thải.

Thu thêm phí nhiên liệu bền vững

Trong các chuỗi sáng kiến, một đề xuất khác rất được chú ý là từ năm 2026 sẽ thu thêm thuế nhiên liệu bền vững để yêu cầu các chuyến bay khởi hành từ quốc đảo này phải sử dụng nhiên liệu máy bay bền vững.

Khách bay từ Singapore sẽ phải trả thêm thuế nhiên liệu bền vững?- Ảnh 2.

Nhà ga số 2, sân bay Changi, Singapore. Ảnh: CAN.

Theo CAAS, Singapore là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng mức thuế để đạt được các mục tiêu về nhiên liệu hàng không bền vững.

Tổng số tiền thu được sẽ dùng để mua nhiên liệu thân thiện với môi trường. Mục tiêu CAAS đề ra là nhiên liệu hàng không bền vững sẽ chiếm 1% tổng lượng nhiên liệu máy bay được sử dụng tại sân bay Changi và sân bay Seletar vào năm 2026. Mục tiêu cuối cùng, nhiên liệu bền vững chiếm 3 - 5% đến năm 2030.

Theo CNA, với quy định trên, hãng bay có thể sẽ tăng giá vé và hành khách sẽ là đối tượng phải chịu chi phí này.

Nhiên liệu thân thiện với môi trường, chủ yếu được làm từ vật liệu phế thải như dầu ăn đã qua sử dụng và đắt hơn từ 3 - 5 lần so với nhiên liệu thông thường. Nhưng đây là một cách quan trọng để ngành hàng không giảm phát thải carbon.

Mặc dù chưa rõ chi tiết cụ thể trong đề xuất nhưng ước tính sơ bộ từ CAAS, hành khách hạng phổ thông có thể phải chịu thêm khoản phí 3 USD cho các chuyến bay đường ngắn như từ Singapore đến Bangkok; 6 USD cho các chuyến bay tầm trung (chẳng hạn tuyến Singapore – Tokyo) và 16 USD cho các chuyến bay đường dài (như từ Singapore đến London).

Các quốc gia khác cũng đã thực hiện các yêu cầu về nhiên liệu hàng không bền vững, nhưng dưới hình thức bắt buộc dựa trên khối lượng cố định. Tuy nhiên, nhược điểm của các quy định này là thị trường nhiên liệu bền vững vẫn còn non trẻ và nguồn cung không chắc chắn.

Ước tính năm 2024, sản lượng nhiên liệu hàng không bền vững dự kiến sẽ tăng gấp ba lần, lên 1,875 tỷ lít, nhưng con số này chỉ chiếm 0,53% nhu cầu nhiên liệu của ngành hàng không toàn cầu.

Do nguồn cung hạn chế và nhu cầu cao, giá nhiên liệu máy bay bền vững cao hơn đáng kể và dễ biến động hơn so với nhiên liệu thông thường nên CAAS chọn thu thuế. Phương án này được kỳ vọng sẽ khắc phục chi phí sử dụng nhiên liệu máy bay thân thiện môi trường.

Các hãng hàng không vẫn phải trả tiền cho nhiên liệu họ sử dụng nhưng CAAS sẽ quản lý chi phí vì cơ quan này sẽ mua sắm nhiên liệu bền vững thay mặt cho các hãng một cách tập trung. Khi mua quy mô lớn thì sẽ có lợi thế về kinh tế hơn.

Pháp và Thụy Điển đã yêu cầu sử dụng nhiên liệu máy bay bền vững tối thiểu 1% và Liên minh châu Âu đã đồng ý các quy định bắt buộc phải sử dụng 6% vào năm 2030, tăng dần lên 70% vào năm 2050.

Nhật Bản đang lên kế hoạch yêu cầu sử dụng 10% nhiên liệu bền vững vào năm 2030, trong khi Ấn Độ đang xem xét áp dụng 1% vào năm 2027 cho các chuyến bay quốc tế và tăng lên 5% vào năm 2030.

Một số hãng hàng không đã bắt đầu chuyển khoản chi phí bổ sung này sang cho hành khách. Ví dụ: Air France và KLM tính thêm phí từ 1 - 24€ (1,45 - 34,8 đô la Singapore) trên vé để trang trải chi phí nhiên liệu xanh.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.