Bất động sản

Khách hàng Cocobay gánh nợ vì tin chủ đầu tư

04/04/2024, 06:38

Sau khi dừng trả lợi nhuận cam kết từ năm 2019, mới đây Công ty Thành Đô, chủ đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire (Cocobay) thông báo khách hàng phải nhận căn hộ khác hoặc chấm dứt hợp đồng.

"Ôm" nợ xấu vì hợp đồng ba bên

Anh Nguyễn Công Hải, chủ sở hữu căn hộ tại Cocobay cho biết, năm 2017 khi tìm hiểu về dự án, anh được tư vấn, nếu mua sẽ được ngân hàng SHB bảo lãnh tiến độ và cho vay tiền thanh toán. Sau khi thanh toán 95% giá trị hợp đồng, anh sẽ được chủ đầu tư trả lợi nhuận cam kết 12%/năm, thanh toán một năm 6 tháng/kỳ. Số lợi nhuận này được chủ đầu tư chuyển thẳng sang SHB để thanh toán tiền lãi vay.

Khách hàng Cocobay gánh nợ vì tin chủ đầu tư- Ảnh 1.

Dự án Cocobay Đà Nẵng trong tình trạng đắp chiếu, chủ đầu tư dừng trả lợi nhuận cam kết, nhà đầu tư “còng lưng” trả nợ.

Anh tính toán, với chính sách hỗ trợ tốt, chỉ cần bỏ ra 30% tổng giá trị khoản đầu tư, còn lại là vốn tín dụng. Sau đó, anh có thể lấy lãi của chủ đầu tư trả (12%) chuyển sang trả lãi cho khoản vay ngân hàng.

Tháng 10/2017, anh Hải ký hợp đồng 3 bên, gồm khách hàng là anh, ngân hàng SHB và chủ đầu tư, mua căn hộ giá gần 1,4 tỷ đồng. Anh bỏ khoản tiền hơn 420 triệu đồng (30% trị giá căn hộ), số tiền hơn 910 triệu đồng còn lại (65% giá trị hợp đồng) được SHB cho vay. Như vậy, vừa tiền túi, vừa tiền đi vay, anh đã thanh toán cho Công ty Thành Đô 95% và được hưởng lợi nhuận cam kết 12%/năm.

Tuy nhiên, anh chỉ được chủ đầu tư thanh toán lợi nhuận cam kết 12% trọn vẹn trong kỳ đầu tiên (tức 6 tháng đầu năm 2018). Kỳ thứ 2 (6 tháng cuối năm 2018), chủ đầu tư không chuyển tiền cho SHB. Điều này khiến anh bị nhảy nhóm nợ, liệt vào danh sách đối tượng vay nợ bị cảnh báo. Đáng nói, khách hàng không nhận được thông báo từ chủ đầu tư và ngân hàng.

Hậu quả, tất cả các ngân hàng khác đang cho anh vay đều khóa tài khoản, không giải ngân vốn anh vay để sản xuất, kinh doanh. Hàng loạt các đơn hàng bị hủy, thiệt hại không nhỏ đến kinh tế và uy tín của doanh nghiệp do anh điều hành.

Cú sốc lớn với nhà đầu tư

Anh Hải cho biết, anh chạy đôn chạy đáo vay tiền đắp trả lãi thay chủ đầu tư, mà đáng ra chủ đầu tư phải trả cho ngân hàng. Sau đó, chủ đầu tư cũng trả đủ cho anh khoản lợi nhuận cam kết kỳ 2 năm 2018, dù có chậm hơn cam kết.

Nhưng niềm vui chẳng tày gang, năm 2019, chủ đầu tư thông báo dừng trả lợi nhuận cam kết. Nhiều nhà đầu tư bỏ cuộc, anh là một trong khoảng hơn 100 người tiếp tục đồng hành và chấp nhận giảm lợi nhuận cam kết từ 12% xuống 3%. Điều này đồng nghĩa anh phải tự bỏ ra khoảng trên dưới 10% để trả lãi vay, chờ ngày nhận nhà.

Tuy nhiên, lại một cú sốc nữa xảy ra với anh khi mới đây, chủ đầu tư thông báo với anh và các chủ sở hữu rằng, nếu muốn nhận nhà, chủ sở hữu phải nhận căn ở tòa nhà khác trong cùng dự án. Nếu không chấp nhận hoặc không phản hồi, chủ đầu tư sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán, không hứa trước ngày hoàn tiền.

Một nhà đầu tư khác là anh Lê Xuân Minh cũng bức xúc cho biết, anh vay SHB 1,4 tỷ đồng. Tiền lãi trên dư nợ gốc của anh đã đội lên 700 triệu đồng. Sau thông báo về việc yêu cầu đổi căn nhà khác hoặc thanh lý hợp đồng, anh đã quyết định thanh lý. Nhưng anh sẽ tiếp tục cùng các nhà đầu tư làm rõ trách nhiệm về những thiệt hại vợ chồng anh phải gánh chịu.

Chị Mai Lan, khách hàng mua căn hộ tại dự án hiện đang được hơn 30 chủ sở hữu ủy quyền đứng ra đấu tranh đòi quyền lợi. Chị Lan cho hay, người mua nhà quá ngạc nhiên vì mua một căn nhà giá trị lớn, trong tòa khách sạn năm sao, tiêu chuẩn quốc tế song giờ chủ đầu tư dồn tất cả vào một tòa chung cư đang xây dựng dở dang, chưa hiểu chất lượng thế nào.

"Khách hàng bị bắt chuyển sang nhà mới dù không biết nhà đó ra ra sao. Còn nếu thanh lý thì không có ngày hẹn trả tiền", chị Mai Lan bày tỏ và cho biết, sẽ gửi đơn đơn đến các cơ quan chức năng để làm rõ trách nhiệm các bên, đòi hỏi sự công bằng cho nhà đầu tư.

Có thể khởi kiện ra tòa giải quyết

Liên quan những bức xúc trên, PV đã liên hệ với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô nhưng phía chủ đầu tư không trả lời.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Tạ Phương, Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, qua nội dung thông báo chung gửi tới khách hàng, Công ty Thành Đô không đưa ra được bất kỳ lý do, căn cứ nào để đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Điều 13 của Hợp đồng có thỏa thuận, khi bên bán đơn phương chấm dứt hợp đồng thì bên bán phải chịu một khoản tiền phạt vi phạm tương đương 8% giá bán căn hộ và bồi thường cho bên mua các tổn thất, thiệt hại mà bên mua phải gánh chịu. Do đó, Luật sư Phương cho rằng, việc Công ty Thành Đô ra thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng với khách hàng và tự ấn định ngày chấm dứt hợp đồng là ngày phát hành thông báo không phù hợp với quy định của pháp luật. Trong trường hợp này phải xác định ngày chấm dứt hợp đồng là ngày khách hàng nhận được thông báo.

Cũng theo luật sư Phương, căn cứ Bộ luật Dân sự, người mua nhà có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án buộc công ty này phải chịu phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận tại hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, người mua nhà được yêu cầu các lợi ích khác mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại, bồi thường tiền lãi, các khoản phạt khác theo thỏa thuận tại hợp đồng (nếu có).

Dự án Khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire (Cocobay Đà Nẵng) khởi công năm 2016. Dự án nằm tại khu vực ven biển đường Trường Sa, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Dự án này được xây dựng trên diện tích khoảng 31ha với tổng vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng. Đến nay, sau nhiều năm dự án vẫn trong tình trạng đắp chiếu, nhiều công trình trong dự án đã có dấu hiệu xuống cấp, cỏ mọc um tùm.

Dự án Cocobay Đà Nẵng trong tình trạng đắp chiếu, chủ đầu tư dừng trả lợi nhuận cam kết, nhà đầu tư "còng lưng" trả nợ


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.