Thế giới giao thông

Khám phá hậu trường xây cầu cao 343m, kỳ quan mới của Pháp

13/02/2024, 08:13

Vượt qua nhiều thử thách, chịu áp lực lớn về kỹ thuật và tiến độ, cầu cạn Millau khi hoàn thành đã trở thành cây cầu cao bậc nhất thế giới, là kỳ quan mới của nước Pháp.

"Mảnh ghép cuối cùng"

Cầu cạn Millau là cây cầu dây văng dài 2,4km nổi tiếng nằm ở tỉnh Aveyron, vùng Occitanie, Pháp. Vắt qua thung lũng Tarn, cầu cạn Millau được ví như "dải lụa" kết nối giữa vùng cao nguyên Occitanie và cao nguyên Larzac.

Hậu trường xây cầu cao 343m, kỳ quan mới của Pháp- Ảnh 1.

Cầu Millau ẩn hiện trong màn mây.

Cầu cạn Millau được mệnh danh là cây cầu cao bậc nhất thế giới với phần cột tháp cao nhất là 343m, cao hơn cả tháp Eiffel. Nhiều người ví việc xây công trình này như thể "xây dựng 7 tòa tháp Eiffel" và làm một đường cao tốc bắc qua các tòa tháp, trên một trong những thung lũng sâu nhất nước Pháp.

Để xây cây cầu ẩn hiện trên tầng mây, các kỹ sư đã phải vượt qua nhiều thử thách về kỹ thuật, chống lại những trận lở đất, đảm bảo đứng vững trước những trận gió mạnh với vận tốc lên tới 200km/h.

Cây cầu được xây dựng từ năm 2001, khánh thành vào năm 2004, sau 3 năm thi công. Tuy thời gian xây dựng rất nhanh nhưng trước đó, thiết kế cầu đã có thời gian nằm trên giấy suốt 13 năm vì khó khăn về kỹ thuật và tranh cãi về mức độ khả thi.

Trước khi có cầu cạn Millau, người dân Pháp thường phải vượt qua sông Tarn bằng một cây cầu nằm ở dưới đáy thung lũng, tại thị trấn Millau.

Lý do quan trọng nhất để Pháp quyết tâm xây dựng cây cầu này chính là hoàn chỉnh "mảnh ghép cuối cùng" nối hai đường cao tốc kết nối giữa phía Nam, Bắc nước Pháp với Tây Ban Nha.

Pháp đã có đường cao tốc nối giữa Paris và Tây Ban Nha - con đường huyết mạch xuyên qua vùng đồng quê phía Nam nước Pháp - và một con đường khác từ Địa Trung Hải ngược lên phía Bắc. Nhưng cả hai đường không thể kết nối với nhau vì ở giữa là thung lũng Tarn.

Thiếu hạ tầng, thành phố Millau luôn rơi vào cảnh tắc nghẽn, nhất là vào mùa hè khi lưu lượng giao thông lớn. Nạn tắc đường khiến kinh tế địa phương bị ảnh hưởng nặng nề. Các phương tiện chở hàng nặng không thể băng qua Millau buộc phải đi qua Lyon và qua các xa lộ khác.

Chậm tiến độ 1 ngày, phạt 30.000 USD

Nhu cầu xây dựng cầu là thiết yếu nhưng để đi đến quyết định cuối cùng không dễ dàng.

Từ năm 1987 - 1991, đã có 5 bản thiết kế cầu được đưa ra. Mãi về sau, lựa chọn xây cầu bắc qua thung lũng Tarn do kỹ sư cầu người Pháp Michel Virlogeux khởi xướng đã được Bộ Công chính Pháp chốt.

Hậu trường xây cầu cao 343m, kỳ quan mới của Pháp- Ảnh 2.

Thi công cây cầu thế kỷ.

Sau quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, chính phủ Pháp quyết định xây dựng cây cầu dài 2.500m, vượt qua thung lũng và dòng sông Tarn. Tuy nhiên, dự án vấp phải sự phản đối từ một số tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và nhiều tranh cãi về kỹ thuật.

Cuối cùng, đến năm 1995, chính phủ Pháp mới ra nghị định công nhận dự án xây dựng cầu cạn Millau mang đến lợi ích cộng đồng nhưng phải tổ chức một cuộc thi để lựa chọn chuyên gia chỉnh lại thiết kế cho phù hợp hơn với cảnh quan thiên nhiên. Đến cuối năm 1998, Bộ Công chính Pháp đã chọn được thiết kế.

Qua quá trình đấu thầu quốc tế, Tập đoàn xây dựng Pháp Eiffage phối hợp với kiến trúc sư nổi tiếng Norman Foster đã giành chiến thắng.

Tập đoàn Eiffage (từng xây dựng tháp Eiffel ở Paris) đầu tư vào dự án, chịu trách nhiệm xây dựng, khai thác và được nhượng quyền thu phí 75 năm tính đến năm 2080. Tổng vốn đầu tư của dự án lên tới gần 400 triệu euros.

Để thắng thầu, Tập đoàn Eiffage phải chấp nhận điều kiện xây dựng công trình thế kỷ này trong thời gian ngắn kỷ lục là 3 năm. Trong khi ở những nơi khác, công trình tương tự thường kéo dài tới cả 10 năm. Nếu bị chậm tiến độ, mỗi ngày công ty có thể đối mặt mức phạt lên tới 30.000 USD.

Chuyên gia Foster đã sử dụng thiết kế của ông Virlogeux và hoàn thiện thêm, biến một sản phẩm kỹ thuật thành tác phẩm nghệ thuật, bỏ bớt 2 trụ, để lại 7 trụ và thiết kế các trụ mảnh mai hơn song vẫn đủ sức chịu lực tương đương 5 tháp Eiffel trong gió mạnh ở độ cao hàng trăm mét trên sông Tarn.

Những thách thức về kỹ thuật

Lễ động thổ bắt đầu được thực hiện vào tháng 10/2001. Đội ngũ kỹ thuật đối mặt với thử thách xây trụ cầu cao nhất thế giới, mặt cầu nặng 36.000 tấn, đưa 7 cột thép lên, mỗi cột nặng 700 tấn. Mỗi hạng mục đã khó, việc thực hiện trên độ cao hàng nghìn mét, đảm bảo tuổi thọ cầu lên tới 120 năm càng khó hơn.

Hậu trường xây cầu cao 343m, kỳ quan mới của Pháp- Ảnh 3.

Vẻ đẹp kỳ vĩ của cây cầu cao bậc nhất thế giới.

Trong 7 trụ cầu,đáng chú ý nhất là một trụ được xây trên địa hình dốc, trụ thứ hai là trụ cao nhất băng qua sông. Quá trình xây dựng những trụ cầu đầu tiên, một cơn bão lớn đã gây ra lở đất, 4.000m3 đá đổ sụp xuống trụ số 1.

Rất may, đất đá không ảnh hưởng tới trụ cột nhưng sự việc cho thấy nguy hiểm luôn rình rập, buộc các kỹ sư phải tìm cách gia cố.

Để xây dựng trụ cầu, các kỹ sư thực hiện đổ mỗi 200m3 bê tông trong 3 ngày, sử dụng công nghệ tia laser và định vị GPS để xác định, giám sát độ thẳng của trụ cầu. Tổng cộng sau 7 trụ cầu, các kỹ sư đã phải thay khuôn bê tông tổng hơn 250 lần.

Trong vòng hai năm, 7 trụ cầu với những trụ cao nhất thế giới đã hoàn thành, không những đúng thời hạn mà còn lập kỷ lục về thời gian, đảm bảo độ chính xác cao. Trụ cầu số 2 cao nhất thế giới chỉ có sai số 2cm.

Vượt qua khó khăn này, đội kỹ sư hạnh phúc đến mức tổ chức hẳn một buổi tiệc, bắn pháo hoa tầm cao để ăn mừng. Chỉ một ngày để xả hơi, sau đó cả đội nhóm tiếp tục quay về guồng công việc căng thẳng.

Công đoạn làm mặt cầu thép bắt đầu vào mùa hè năm 2002. Việc xây dựng phần còn lại của cây cầu được tiến hành nhanh chóng.

Theo thống kê, tổng trọng lượng thép được sử dụng để xây dựng cầu cạn Millau là gần 36.000 tấn, gấp khoảng 4 lần trọng lượng của Tháp Eiffel. Bên cạnh đó, cầu cần 200.000 tấn bê tông, đòi hỏi phải có một nhà máy bê tông ngay cạnh công trường.

Ngày 16/12/2004, cầu Millau chính thức mở cửa đón những chuyến xe đầu tiên.

Ông Jean Pier Martin – quản lý dự án, người chịu trách nhiệm tiến độ, đảm bảo vốn và thời gian thực hiện cây cầu cho biết, 3 năm xây dựng cầu là cuộc chạy đua với thời gian, chậm tiến độ là nguy cơ thường xuyên rình rập. "Nếu kế hoạch là 3 ngày mà chúng tôi chỉ cần chậm 1 ngày thì sẽ kéo theo chậm tiến độ từ 3 - 6 tháng", ông nói.

Bên cạnh đó, trong cả công trình đồ sộ này, ông Martin và các kỹ sư cần phải đảm bảo mọi chi tiết chính xác tới từng centimet. Chỉ 10cm sai số cho mỗi phần 4m cầu sẽ dẫn tới sai số khoảng 6m – tương đương chiều rộng thân một chiếc máy bay.

Khi hoàn thành, ở thời điểm năm 2004, cầu Millau đã phá nhiều kỷ lục thế giới với đỉnh của cột tháp thứ hai cao tới 343m, hay sàn cầu tại điểm cao nhất cao 270m - gần như gấp đôi chiều cao của cầu cao nhất châu Âu Europabrücke ở Áo. Với tầm cao này, cây cầu Millau dường như ẩn hiện trong mây tạo nên kỳ tích về kiến trúc, kỹ thuật.

Chính sự vĩ đại của công trình cũng như cảnh sắc tuyệt đẹp mà cây cầu tạo nên đã thu hút đông đảo khách du lịch Pháp và quốc tế. Ước tính, hằng ngày có từ 10.000 - 25.000 xe cộ các loại lưu thông qua cầu.

Khi cầu Millau được thông xe chính thức, cầu thu phí 5,6 USD/xe. Nhiều chuyên gia cho rằng, với lưu lượng phương tiện hiện nay, chỉ đến khoảng năm 2044, chính phủ Pháp đã có thể nắm lại quyền vận hành cầu.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.