Phương tiện thi công lu lèn mặt đường ở gói thầu số 11 Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45
Ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được chuyển đổi hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công (Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) đã được đồng loạt khởi công ngày 30/9/2020. Sau gần 5 tháng, tiến độ các dự án được đảm bảo. Vướng mắc lớn nhất mà các nhà thầu đang gặp phải hiện nay là khan hiếm nguồn vật liệu phục vụ thi công.
Nhộn nhịp thi công những ngày giáp Tết
Những ngày cuối tháng 1/2021, ghi nhận tại gói thầu số 11 dự án Mai Sơn - QL45, đoạn qua xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa cho thấy, không khí thi công diễn ra rất khẩn trương.
Đang miệt mài chỉ đạo nhóm công nhân tại nút giao cầu vượt 295 qua QL217B, anh Hoàng Văn Thư, chỉ huy phó của nhà thầu xây dựng Công ty Định An cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện việc đóng khuôn đúc dầm, trụ và cọc để làm cầu, dự tính cố gắng từ nay đến Tết sẽ đúc được 50% số cọc phục vụ cho việc xây cầu. Chúng tôi luôn túc trực 24/24h tại công trường để đốc thúc anh em làm việc, cố gắng tận dụng thời tiết khô ráo để làm, làm ngày không đủ thì tranh thủ làm đêm. Dự kiến, đến tháng 6/2021 sẽ xong cầu”.
Cách đó không xa, cũng trên địa bàn xã Hà Long, hàng chục phương tiện gồm xe lu, máy xúc, xe tải đang đua nhau lu lèn mặt đường. Công nhân hăng say làm việc; cán bộ, chỉ huy, tư vấn giám sát thì chia nhau đến từng nơi, từng vị trí để kiểm tra.
Anh Lê Văn Hiền, tư vấn giám sát hiện trường cho hay: “Chúng tôi ngày nào cũng giám sát chất lượng thi công của nhà thầu. Nhà thầu báo cáo nghiệm thu thì chúng tôi sẽ kiểm tra thực tế, chỗ nào không đạt yêu cầu thì làm lại cho đến khi đạt thì thôi”.
Còn anh Lê Doãn Bắc, chỉ huy trưởng công trình gói thầu số 11 (thuộc Tập đoàn Cường Thịnh Thi) cho biết, tiến độ dự án đảm bảo đúng như cam kết với chủ đầu tư, dự kiến đến tháng 10/2021 sẽ hoàn thành.
Trong khi đó, trên công trường thi công gói thầu XL03 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, không khí thi công cũng rất khẩn trương. Gói thầu có chiều dài 35,33km, sau hơn 3 tháng thi công, đoạn cao tốc qua Đồng Nai đã dần thành hình hài về hướng đi của một tuyến cao tốc.
Ông Nguyễn Quang Hải, Giám đốc Ban điều hành gói thầu XL03 cho biết tiến độ gói thầu là 24 tháng nên thời gian rất gấp. Ngay sau ngày khởi công, nhà thầu đã huy động thiết bị máy móc, nhân sự, bố trí 20 mũi thi công chia làm 3 ca trải dài trên 34km đã được bàn giao mặt bằng.
Trên công trường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, không khí cũng khẩn trương không kém. Dự án có 4 gói thầu xây lắp, đến nay 3 gói thầu đã triển khai đồng bộ trên toàn tuyến, 1 gói thầu vừa mới ký hợp đồng cuối tháng 12/2020.
Tại gói thầu XL01 - Thi công xây dựng đoạn Km 134+000 - Km 154+000, nút giao Vĩnh Hảo và tuyến nối QL1, trên toàn bộ chiều dài tuyến khoảng 20km, có khoảng 106 xe máy các loại phục vụ cào bóc lớp đất mặt, phá đá nổ mìn các đoạn qua khu vực núi đá. Khoảng 255 cán bộ, kỹ sư và công nhân tất bật thi công với 10 mũi trên nhiều điểm khác nhau.
Tại các gói thầu khác, các nhà thầu đã lập xong văn phòng hiện trường, huy động hàng trăm thiết bị, máy móc để thi công cào bóc lớp đất mặt. Một số vị trí cầu không vướng mặt bằng cũng được các nhà thầu chọn thi công trước.
Ông Nguyễn Công Phú, chỉ huy trưởng gói thầu số 2 cho biết: “Tranh thủ thời tiết nắng tốt, trong những tháng tới chúng tôi sẽ huy động tối đa thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh thi công”.
Lo thiếu nguồn vật liệu
Công nhân thuộc Tập đoàn Cường Thịnh Thi thi công nút giao 295 (Chụp ngày 19/01/2021)
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là bắt đầu xuất hiện việc khan hiếm mỏ vật liệu, trong đó có dự án Phan Thiết - Dâu Giây. Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, đơn vị đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tìm cách giải quyết, sớm tháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu để các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng công trình.
Đại diện nhà thầu thi công dự án Mai Sơn - QL45 cũng cho biết, nguồn vật liệu như đất đắp, cát đắp khan hiếm do nhiều gói thầu cùng lúc xây dựng, trong khi các mỏ vật liệu có trong quy hoạch chưa được địa phương cấp phép.
Đối với dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban QLDA 7 thông tin, theo tính toán, nhu cầu đối với đá xây dựng là khoảng 2.540.000m3, cát xây dựng khoảng 580.000m3, đất đắp nền khoảng 9 triệu m3.
Đơn vị đã phối hợp với các nhà thầu khảo sát 17 mỏ đất đắp gần khu vực dự án đi qua nhưng sản lượng chưa thể đáp ứng nhu cầu. Có 7 mỏ mới đấu giá nhưng chưa đủ cơ sở pháp lý để cung cấp vật liệu cho dự án theo quy định. Một số mỏ đang làm thủ tục xin cấp phép nhưng có thể không kịp.
Ông Nguyễn Công Phú, chỉ huy trưởng gói thầu số 2, dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết cũng cho biết, đã đi tìm mỏ đất đắp những ngày qua nhưng “mỏi mắt” tìm chưa ra. Có mỏ gần thì chất lượng chưa đáp ứng, mỏ xa thì chi phí vận chuyển cao. “Thấy tình hình cung không đủ cầu, một số mỏ đã tăng giá khiến các nhà thầu rất khó khăn”, ông Phú cho biết.
Ông Hoàng Tuấn Khoát cho biết thêm, đối với các mỏ cát, trong khu vực dự án không có mỏ đủ điều kiện pháp lý hoặc đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để cung cấp cho dự án. Qua khảo sát, phải vận chuyển từ xa (huyện Tánh Linh, Đức Linh, tỉnh Bình Thuận hoặc cụm mỏ sông Dinh, tỉnh Ninh Thuận) thì may ra mới đáp ứng nhu cầu.
Đối với các vật liệu đá xây dựng, trong phạm vi dự án hiện có 10 mỏ. Các mỏ vật liệu đá xây dựng cơ bản đáp ứng về trữ lượng và công suất khai thác. Tuy nhiên, các mỏ này cần có giải pháp nâng cấp, cải tạo dây chuyền công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm thì mới đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án.
Trước những khó khăn trên, Ban QLDA 7 đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận xem xét và chỉ đạo các sở, ngành tháo gỡ vướng mắc trong thời gian sớm nhất đảm bảo nguồn cung ứng vật liệu. Thậm chí, khi số mỏ đất đắp không đáp ứng đủ, Ban QLDA và các nhà thầu còn tính đến phương án tận dụng các khu vực đất nông nghiệp để khai thác đất. “Theo khảo sát, trong khu vực dự án đi qua có nhiều vị trí đất nông nghiệp kém hiệu quả, nhưng nguồn đất lại có chất lượng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật”, ông Khoát nói.
Thành lập ban điều hành ở hiện trường thúc tiến độ
Phương tiện thi công rầm rộ trên công trường gói thầu XL03 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (Chụp ngày 12/1). Ảnh: Vĩnh Phú
Liên quan đến tình hình triển khai dự án cao tốc Mai Sơn - QL45, ông Hồ Ngọc Loan, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long (đại diện chủ đầu tư) cho biết, đến nay, toàn bộ 5 gói thầu xây lắp của dự án đều đã triển khai thi công và đảm bảo yêu cầu theo tiến độ đã đề ra. Để quá trình triển khai dự án đạt hiệu quả cao nhất, Ban QLDA Thăng Long đã thành lập ban điều hành ở hiện trường, từng gói thầu đều có các văn phòng điều hành để trực tiếp chỉ đạo, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thi công dự án.
“Giám đốc điều hành dự án được lãnh đạo Ban QLDA Thăng Long ủy quyền tối đa quyền hạn và trách nhiệm nhằm xử lý các công việc dưới hiện trường một cách nhanh nhất. Chúng tôi đã bố trí sẵn nguồn vốn để tạm ứng, giải ngân cho các nhà thầu ngay khi có khối lượng nghiệm thu, thanh toán để các nhà thầu yên tâm đẩy nhanh tiến độ thi công”, ông Loan cho biết.
Về công tác kiểm soát chất lượng, tại hiện trường, cán bộ của Ban QLDA Thăng Long và lực lượng tư vấn giám sát tiến hành kiểm soát toàn bộ các khâu trong quá trình triển khai thi công, đặc biệt là nguồn vật liệu đầu vào. Bất cứ vật liệu nào không đảm bảo chất lượng đều bị đưa ra khỏi dự án.
Trong khi đó, tại một dự án khác do Ban QLDA Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư là cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, ông Nguyễn Văn Huấn, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, mô hình quản lý dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây áp dụng theo đề án: “Đổi mới công tác quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực GTVT” do Bộ GTVT ban hành.
Tương tự như dự án cao tốc Mai Sơn - QL45, tại dự án này, Ban QLDA Thăng Long cũng thành lập ban điều hành, đứng đầu là Giám đốc điều hành dự án, chịu trách nhiệm toàn bộ công tác thi công ở hiện trường. Bên dưới, các gói thầu đều có cán bộ chủ chốt tại một số phòng, ban của Ban QLDA Thăng Long trực tiếp phụ trách.
Đình Quang (Ghi)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận