Thi viết về GTVT

Khi GTVT là nguồn cảm hứng của nhà văn

28/08/2021, 14:24

Những tác phẩm nổi tiếng của văn học về 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đều viết về Điện Biên Phủ và Trường Sơn, mà chủ đạo là GTVT.

Trong hai cuộc kháng chiến gian khổ, ác liệt nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc ta, truyền thống “Đi trước mở đường” của ngành GTVT với biết bao tấm gương anh dũng, quả cảm luôn là đề tài thu hút giới văn nghệ sĩ nói chung, các nhà văn nói riêng.

Và có lẽ, trong các báo chuyên ngành, Báo Giao thông là báo được các nhà văn Việt Nam gắn bó nhiều nhất.

img

Nhà thơ Hữu Thỉnh (ngoài cùng bên phải) trao giải cho các tác phẩm đạt Giải Nhất Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài GTVT

Nhiều nhà văn nổi tiếng viết về giao thông

Từ khi thành lập nước đến nay, những người trong ngành GTVT luôn là những người đi trước mở đường. Tất cả mọi gian nan vất vả, họ gánh chịu đầu tiên.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thắng lợi của mở đường cho chiến dịch điện Biên Phủ và thắng lợi của đường Trường Sơn có tính chất quyết định cho thắng lợi chung của đại chiến dịch.

Những tác phẩm nổi tiếng nhất cũng là những tác phẩm viết về Điện Biên Phủ và Trường Sơn, mà chủ đạo là GTVT.

Nhìn lại hơn nửa thế kỷ, có một điều khá đặc biệt, tên tuổi của rất nhiều nhà văn nổi tiếng của Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất hiện trên Báo Giao thông vận tải (tiền thân của Báo Giao thông ngày nay), nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Có thể kể đến như nhà văn Lê Minh Khuê - tên tuổi gắn liền với “Ngôi sao xa xôi”; Nhà thơ Phạm Tiến Duật - “Vầng trăng quầng lửa” với những bài thơ đi cùng năm tháng: “Lửa đèn”, “Tiểu đội xe không kính”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”...; Nhà văn Lê Phương - “Thung lũng Cô Tan”; Nhà văn Nguyễn Minh Châu - “Dấu chân người lính”; Nhà thơ Thanh Thảo - “Dấu chân qua trảng cỏ”; Nhà văn Nguyễn Khắc Phê - “Vì sự sống con đường”; hay Nhà văn Lê Đình Cánh với những bài ký về giao thông vận tải...

Sau 1975, rất nhiều tác giả cũng đã viết về GTVT mà Báo Giao thông đã từng có những lần giới thiệu: Hoàng Minh Tường, Hồ Anh Thái... với những tiểu thuyết rất thành công viết về những người công nhân giao thông…

Cuộc vận động hoành tráng

Trước đây, Bộ GTVT cũng đã tổ chức những cuộc thi viết về ngành, nhưng đặc biệt nhất có lẽ là cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài GTVT nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và Đại hội Thi đua yêu nước Ngành GTVT Việt Nam (28/8/1945- 28/8/2015). Cuộc vận động do Bộ GTVT phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Cuộc vận động được tổ chức dưới hình thức các Trại sáng tác văn học và triển khai tại bốn khu vực bao gồm: Khu vực Bắc miền Trung; khu vực miền Trung và Tây Nguyên; khu vực phía Nam và khu vực phía Bắc.

Đây là cuộc vận động lớn nhất, hoành tráng nhất từ trước đến nay về GTVT. Khối lượng tác phẩm tham dự nhiều nhất, giá trị giải thưởng cao nhất, huy động các nhà văn tham dự nhiều nhất (143 nhà văn, nhà thơ tham gia).

Nhìn tổng thể, cuộc vận động đã thu hút được rộng rãi các tác giả chuyên và không chuyên, trong và ngoài ngành GTVT với đầy đủ các lứa tuổi, thế hệ nhà văn trong cả nước.

Báo Giao thông đã giành những số đặc biệt để giới thiệu các nhà văn tham gia, các nhà văn được giải và các tác phẩm tham gia hưởng ứng.

Trong số đó, có rất nhiều nhà văn, nhà thơ là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như: Nhà văn Lê Duy Phương, Vũ Quần Phương, Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Phú, Xuân Ba, Lê Tuấn Lộc, Lê Đình Cánh, Dương Duy Ngữ, Nguyễn Trác... và nhiều nhà văn khác ở các tỉnh phía Nam.

Các nhà văn, nhà thơ tham gia 4 Trại sáng tác đã đến tận nơi tham quan, tìm hiểu, đối thoại với công nhân trên các công trình trọng điểm từ Bắc vào Nam như: Cầu đường bộ vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện, Di tích lịch sử Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, các công trình GTVT trên đất Đà Nẵng, Quảng Nam... và các công trình ở ĐBSCL như cầu Cao Lãnh...

Chỉ sau một năm phát động, Ban tổ chức đã nhận được 425 tác phẩm. Trong đó 40 cuốn tiểu thuyết, 71 truyện ngắn và tập truyện ngắn, 27 tập bút ký, 114 bút ký và 173 tác phẩm thơ.

Kết quả xét tuyển, Ban tổ chức đã trao nhiều giải cho các thể loại như tiểu thuyết, tập ký, tập truyện ngắn, truyện ngắn, trường ca, tập thơ, chùm thơ. Nhà xuất bản GTVT đã kịp thời in ấn xuất bản những tác phẩm đoạt giải với 4 bộ sách hàng vạn trang. Chưa bao giờ Hội Nhà văn Việt Nam có một sự kiện lớn thế!

Nhà văn Bùi Thanh Minh nhận xét: “ ...Tham gia cuộc thi này, đặc biệt có đông đảo các cây bút là công nhân trong ngành GTVT - họ là những tác giả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, nhưng họ có cả một quãng đời đã và đang đổ xương máu, mồ hôi vì sự nghiệp GTVT.

Họ viết bằng sự trải nghiệm của chính cuộc đời mình, góp phần quan trọng làm phong phú, sâu sắc thêm kho tàng văn học cách mạng cũng như đề tài này.

Trong đợt xét thưởng lần này, vẫn có mặt các nhà văn đã từng cầm súng, cầm bút cả hai cuộc kháng chiến của dân tộc, đồng thời cũng xuất hiện những cây bút trẻ khi sinh ra đất nước đã sạch bóng quân thù.

Những tác phẩm được trao thưởng đều là những sáng tạo giá trị, phản ánh sâu sắc, trung thực cuộc sống chiến đấu, lao động của ngành GTVT trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay...”.

Trong số đó, Bút ký “Thuyền lên Thạch Hãn” của nhà văn Phạm Hoa là một thành công. Tác giả được xếp giải nhất ký.

Hai chú cháu Giải thưởng Hồ Chí Minh của nhà văn Lê Minh Khuê cũng là một bút ký chân dung khá xúc động.

Tiếp nối truyền thống hào hùng

Có thể nói, những cống hiến và hy sinh thầm lặng của đội ngũ những người công tác trong ngành GTVT trong suốt sự nghiệp chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn là một chủ đề đã được nhiều thế hệ nhà văn khai thác, và chắc chắn sẽ còn được khai thác nhiều hơn nữa.

Có thời gian dài theo dõi và đọc Báo Giao thông, tôi nhận thấy các thế hệ lãnh đạo Báo đều rất quan tâm đến văn học chuyên ngành. Có lẽ, đây cũng chính là lý do khiến nhiều nhà văn đã và đang rất gắn bó với Báo.

Trước cuộc vận động kể trên, đã có rất nhiều tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng đăng tải trên Báo. Và sau cuộc vận động sáng tác, trao giải vào năm 2015, Báo Giao thông tiếp tục mở nhiều cuộc thi viết, được nhiều nhà văn hưởng ứng nồng nhiệt.

Với việc làm này, Báo Giao thông đã tiếp nối được truyền thống của những năm tháng hào hùng khi trước, và nhờ vậy hình ảnh về ngành GTVT đã lan tỏa nhiều hơn.

Hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến đời sống và kinh tế của toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong đó, lĩnh vực GTVT cũng không nằm ngoài vòng xoáy này.

Nhìn từ góc độ báo chí, các thông tin đều được chuyển tải kịp thời, phản ánh chân thực cuộc chiến khốc liệt mà chúng ta đang phải đối mặt và quyết tâm vượt qua. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ văn học, các nhà văn vẫn chưa có được những tác phẩm tương xứng.

Là một nhà văn, tôi rất mong Bộ GTVT và Báo Giao thông tiếp tục phát động các cuộc thi sáng tác văn học về đề tài GTVT và công nhân, lao động của ngành trong tình hình mới.

Tin chắc rằng, với tình cảm lớn lao nguồn cảm hứng đặc biệt, các nhà văn sẽ lại cho ra đời những tác phẩm có giá trị, mang hơi thở cuộc sống.

Điều đó không chỉ làm cho đời sống văn học nước nhà thêm phong phú, mà còn giúp xã hội thêm thấu hiểu, sẻ chia với những nhiệm vụ rất nặng nề song cũng đầy vinh quang của những người làm GTVT; về truyền thống “Đi trước mở đường” cũng như những vấn đề lớn đang đặt ra của ngành GTVT trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.