Đường bộ

Khi nào có đủ trạm dừng nghỉ trên cao tốc?

Các trạm dừng nghỉ trên cao tốc đang được Bộ GTVT tích cực triển khai, đảm bảo trong năm nay, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đều có trạm dừng nghỉ phục vụ người dân.

Báo Giao thông trao đổi với ông Lâm Văn Hoàng, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam xung quanh nội dung này.

Khi nào có đủ trạm dừng nghỉ trên cao tốc?- Ảnh 1.

Ông Lâm Văn Hoàng, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam.

Gấp rút triển khai

Do nguồn vốn đầu tư hạn chế nên một số tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác chưa có trạm dừng nghỉ. Việc rà soát hiện trạng để có kế hoạch xây dựng các trạm dừng nghỉ đến nay ra sao, thưa ông?

Theo quy hoạch, trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông có 36 trạm dừng nghỉ. Trong đó, có 9 trạm đã đưa vào khai thác và đang đầu tư xây dựng, 1 trạm do địa phương quản lý khi triển khai cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, 2 trạm do Tổng công ty Phát triển đường cao tốc - VEC quản lý đang được đầu tư và 24 trạm do Bộ GTVT quản lý.

Đối với 24 trạm trên các tuyến cao tốc do Bộ GTVT quản lý, các ban quản lý dự án đã tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn lập hồ sơ của 21 trạm.

Trong số này, có 10 trạm dừng nghỉ thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 và 11 trạm thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Còn lại 3 trạm trên cao tốc La Sơn - Hòa Liên, dự án hầm Đèo Cả và đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ đang thống nhất vị trí và hoàn thiện hồ sơ để bổ sung thực hiện.

Cục Đường cao tốc VN vừa công bố danh mục 8 trạm dừng nghỉ thuộc 7 tuyến cao tốc và mời gọi các nhà đầu tư đăng ký. Tiến độ triển khai các trạm này thế nào?

Tám trạm dừng nghỉ thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đã phát hành hồ sơ mời thầu vào tháng 3/2024, mở thầu vào ngày 20/5 tới đây. Dự kiến, lựa chọn xong nhà đầu tư vào tháng 6/2024.

Tuy vậy, nếu lựa chọn xong nhà đầu tư mà không có mặt bằng sẽ khó đạt được tiến độ theo yêu cầu. Các ban quản lý dự án cho biết, 5/8 trạm dừng nghỉ trên cao tốc: Mai Sơn - QL45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Phan Thiết - Dầu Giây sẽ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư vào tháng 6 để triển khai thi công.

Các trạm còn lại trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết theo báo cáo đến tháng 8 mới bàn giao được mặt bằng, chậm 2 tháng so với dự kiến.

Bộ GTVT đã chỉ đạo các ban quản lý dự án làm việc với địa phương đẩy nhanh tiến độ để có thể bàn giao ngay trong tháng 6/2024 hoặc có phương án bàn giao từng phần để nhà đầu tư thi công trước các công trình công cộng thiết yếu.

Tháng 11, các cao tốc đều có trạm dừng nghỉ

Để hoàn thành đồng bộ trạm dừng nghỉ mất khá nhiều thời gian, trong khi nhu cầu của người tham gia giao thông cấp bách. Theo ông, có cách thức nào triển khai nhanh hơn?

Sau khi có nhà đầu tư, các ban quản lý dự án đàm phán với nhà đầu tư trúng thầu có biện pháp ưu tiên thi công hạ tầng, phương án bố trí các công trình tạm phục vụ người tham gia giao thông.

Khi nào có đủ trạm dừng nghỉ trên cao tốc?- Ảnh 2.

Bộ GTVT đang tích cực triển khai các thủ tục đầu tư, đảm bảo tháng 11/2024, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đều có trạm dừng nghỉ phục vụ người dân (Trong ảnh: Trạm dừng nghỉ cao tốc Tây Ninh Bình thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn). Ảnh: Tạ Hải.

Trạm dừng nghỉ có nhiều hạng mục, nhưng cần ưu tiên các hạng mục cấp thiết như: bãi đỗ xe, cây xăng, nhà vệ sinh để phục vụ nhu cầu của người dân. Trong vòng 2-3 tháng sau khi trúng thầu, nhà đầu tư phải ưu tiên làm trước các hạng mục này. Nội dung này sẽ được đưa vào hồ sơ thầu và đàm phán hợp đồng với nhà đầu tư.

Như vậy, có thể đưa 5 trạm có công trình tạm thuộc trạm dừng nghỉ phục vụ cao tốc trong tháng 8 năm nay; Tháng 10 thêm 3 trạm. Khi đó, khoảng cách tối đa cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ chỉ còn 97km ở cao tốc QL45 - Nghi Sơn. Sau khi công trình tạm của trạm trên cao tốc này hoàn thành sẽ đảm bảo các dự án thành phần đã thông xe đều có trạm dừng nghỉ tạm vào tháng 11/2024.

Để tham gia làm trạm dừng nghỉ, các nhà đầu tư sẽ phải đáp ứng các yêu cầu gì?

Nhà đầu tư hoặc thành viên liên danh kinh doanh hoặc khai thác dịch vụ chuyên ngành đường bộ thuộc dự án đang xét cần đáp ứng một trong các điều kiện như: Có quyết định công bố trạm dừng nghỉ loại 1 đưa vào khai thác hoặc có quyết định công bố trạm dừng nghỉ loại 2 hoặc 3 hoặc 4 đưa vào khai thác nhưng phải bảo đảm trạm dừng nghỉ có khu kiểm tra, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện và trạm cấp nhiên liệu (có tài liệu chứng minh)...

Hoặc kinh doanh, khai thác tối thiểu hai dịch vụ là xưởng sửa chữa, bảo dưỡng xe cơ giới hoặc trung tâm cứu hộ, cứu nạn giao thông đường bộ và trạm cung cấp nhiên liệu xăng, dầu hoặc trạm sạc xe ô tô điện.

Đồng thời, nhà đầu tư cần có tối thiểu 1 dịch vụ thuộc 3 dịch vụ sau: Dịch vụ bến, bãi đỗ xe; Dịch vụ ăn uống giải quyết, bán sản phẩm; Dịch vụ lưu trú. Đối với các dịch vụ thì tổng thời gian nhà đầu tư hoặc thành viên liên danh kinh doanh dịch vụ tối thiểu 24 tháng trong vòng 10 năm gần đây (kể từ 1/1/2013 đến nay).

Không để người dân phải chờ

Đó là các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc thuộc giai đoạn 1. Ở giai đoạn 2, các trạm dừng nghỉ có được triển khai đồng thời với xây cao tốc không, thưa ông?

Đối với 13 trạm còn lại trên các tuyến, trong đó có 2 trạm của giai đoạn 1, hiện các ban quản lý dự án đang hoàn thiện đề xuất dự án trạm dừng nghỉ để trình Bộ phê duyệt trong tháng 4/2024. Ngay sau khi được duyệt sẽ tổ chức cắm cọc GPMB và bàn giao cho địa phương trong tháng 5.

Khi nào có đủ trạm dừng nghỉ trên cao tốc?- Ảnh 3.

Nguồn vốn thực hiện các dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc - Nam sẽ đầu tư bằng 100% vốn của nhà đầu tư. Ảnh: Tạ Hải.

Về lựa chọn nhà đầu tư các trạm giai đoạn 2, trong trường hợp thông tư hướng dẫn một số nội dung về lựa chọn nhà đầu tư được ban hành trong tháng 5 sẽ phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư ngay. Dự kiến, việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ hoàn thành trong tháng 8/2024.

Hai trạm ở giai đoạn 1 là QL45 - Nghi Sơn và Cam Lộ - La Sơn đã thông xe nên sẽ được ưu tiên triển khai trước. Trạm trên cao tốc QL45 - Nghi Sơn dự kiến sẽ có nhà đầu tư trong tháng 8 và hoàn thành công trình tạm trong tháng 11. Trạm Cam Lộ - La Sơn dự kiến có nhà đầu tư trong tháng 8 và phối hợp với địa phương bàn giao một phần mặt bằng làm công trình tạm trong tháng 12.

Đối với 11 trạm còn lại, dự kiến cuối năm mới bàn giao được mặt bằng. Tuy nhiên, tinh thần là sẽ phối hợp với địa phương bàn giao một phần mặt bằng để làm trước các công trình thiết yếu.

Vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã chỉ đạo không lặp lại bất cập tại các dự án triển khai trước năm 2020. Các dự án cao tốc giai đoạn 2 khi đưa vào khai thác phải có trạm dừng nghỉ, không để người dân phải chờ. Tinh thần này được cụ thể hóa ra sao, thưa ông?

Dự kiến tháng 8 khi lựa chọn xong nhà đầu tư, Bộ GTVT yêu cầu các ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với địa phương sớm bàn giao mặt bằng để nhà đầu tư có thể triển khai thi công sớm nhất, đảm bảo hoàn thành trạm dừng nghỉ đồng bộ với tiến độ hoàn thành các dự án xây dựng đường cao tốc giai đoạn 2.

Để sớm hoàn thành đồng bộ công trình trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam phía đông theo chỉ đạo, các ban quản lý dự án cần ưu tiên bố trí nhân lực bám sát tiến độ để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Bên cạnh đó, chỉ đạo nhà đầu tư rút ngắn tối đa thời gian thi công, đặc biệt là công trình tạm, công trình công cộng.

Các đơn vị của ngành cùng phối hợp rà soát trình tự thủ tục theo hướng đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện. Bên cạnh đó, lựa chọn những hạng mục cấp thiết đưa vào điều khoản hợp đồng với nhà đầu tư, yêu cầu họ làm trước một số hạng mục.

Chúng ta đã bàn nhiều về tiến độ, vậy trạm dừng nghỉ sẽ được đầu tư theo phương thức nào?

Do trạm dừng nghỉ là một loại hình dịch vụ nên để giảm tải cho ngân sách, Bộ GTVT xác định kêu gọi đầu tư theo phương thức xã hội hóa. Nguồn vốn thực hiện các dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc - Nam sẽ đầu tư bằng 100% vốn của nhà đầu tư.

Phần vốn từ Nhà nước chi trả trong giai đoạn chuẩn bị dự án như giải phóng mặt bằng, chi phí tư vấn, chi phí tổ chức mời thầu sẽ được nhà đầu tư hoàn trả theo quy định tại Thông tư số 01/2023 của Bộ GTVT.

Cảm ơn ông!

Trạm dừng nghỉ gồm các hạng mục nào?

Các trạm dừng nghỉ được nhà đầu tư xây mới và đưa vào vận hành sẽ đảm bảo phục vụ nhu cầu dừng nghỉ của hành khách và phương tiện, đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường cao tốc.

Tại mỗi trạm dừng nghỉ sẽ phải có công trình dịch vụ công (miễn phí) gồm: Bãi đỗ xe; Không gian nghỉ ngơi; Phòng nghỉ tạm thời cho lái xe; Khu vệ sinh; Nơi cung cấp thông tin; Nơi tổ chức, phát động tuyên truyền về an toàn giao thông; Nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông.

Công trình dịch vụ thương mại gồm: Khu ăn uống, giải khát; Khu vực giới thiệu và bán hàng hóa; Trạm cấp nhiên liệu; Trạm sạc xe điện; Xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; Nơi rửa xe; Các công trình phụ trợ; Các dịch vụ thiết yếu khác.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.