Xã hội

Khi tàu vỏ thép 67 thành “cục nợ” 3 nhà

05/04/2018, 07:15

Không ít tàu vỏ thép 67 hư hỏng, khai thác không hiệu quả khiến chủ tàu, nhà máy và ngân hàng khốn đốn...

19

Tàu của ngư dân Trần Văn Mười ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng được hạ thủy tháng 3/2016

Thực tế hiện nay, không ít trường hợp tàu vỏ thép 67 (tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ về hỗ trợ, phát triển nghề cá) hư hỏng khi mới hạ thủy hoặc khai thác không hiệu quả, khiến cả chủ tàu, nhà máy và ngân hàng cho vay vốn đều khốn đốn...

Chủ tàu mất tích, ngân hàng hoang mang

Anh Lê Văn Sang (SN 1985, phường Thuận Phước, Hải Châu, Đà Nẵng) từng là biểu tượng cho chủ tàu trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, tiên phong trong lĩnh vực đóng mới tàu vỏ thép. Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề biển, là con của ngư dân tiêu biểu Trần Văn Mến, “cha đẻ” của ngành dịch vụ hậu cần nghề cá nên “hồ sơ” đóng tàu theo Nghị định 67/CP của anh Sang sớm được xét duyệt. Sau khi được vay hơn 19 tỷ đồng từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển - Chi nhánh Hải Vân, anh Sang kỹ lưỡng chọn mẫu thiết kế, trực tiếp giám sát vận hành tàu. Thế nhưng, từ năm 2014, con tàu hậu cần lớn nhất Đà Nẵng chỉ đi biển được vài chuyến rồi nằm bờ.

Đáng lo nhất là từ sau Tết Nguyên đán 2018 đến nay, anh Sang hầu như mất tích. Nhiều cơ sở cho vay tín dụng không thể liên lạc với chủ tàu này để đòi nợ. Trong khi đó, con tàu hậu cần vẫn phải neo đậu chình ình cạnh Âu thuyền Thọ Quang, mặc cho mưa nắng, hoen gỉ.

Bà Lê Thị Hà, Phó chủ tịch UBND phường Thuận Phước cho hay, phường nhận được thông tin và nhiều lần hướng dẫn, khuyến cáo chủ tàu có biện pháp khai thác, vận hành tàu hiệu quả, trả nợ ngân hàng. “Phía anh Sang cũng “vâng dạ” nhưng giờ nợ ngân hàng nhiều quá. Vừa rồi, phường cũng đến gia đình anh Sang nhưng họ nói “bó tay” vì kinh tế gia đình không có khả năng trả được”, bà Hà nói.

Theo ông Đào Hữu Quyết, Phó giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển - Chi nhánh Hải Vân, khi xét duyệt hồ sơ, ngân hàng đánh giá tốt truyền thống của gia đình anh Sang. Bản thân anh là ngư dân giỏi, báo chí ca ngợi nhiều, hiền lành, chí thú làm ăn, nhưng giờ lâm nạn vì tàu vỏ thép. “Đơn vị đã có nhiều văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước, Ban Chỉ đạo của TP Đà Nẵng để nhờ hỗ trợ thu hồi nợ; tính đến giải pháp xử lý tài sản này, tức phải bán để thu hồi nợ chứ cứ nằm bờ như vậy càng thêm hư hỏng”, ông Quyết nói.

Tương tự, chủ tàu vỏ thép Trần Văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cũng lâm cảnh khốn đốn, hoạt động không hiệu quả. Tháng 3/2016, anh Mười hạ thủy tàu vỏ thép có tổng mức đầu tư đóng mới hơn 18,3 tỷ đồng, là 1 trong 7 “tàu thép 67” trên địa bàn Đà Nẵng.

Được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển - Chi nhánh Đà Nẵng cho vay 17,3 tỷ đồng, số còn lại ông Mười bỏ vốn đối ứng. Thế nhưng, chỉ sau vài chục chuyến đi biển, việc đánh bắt hải sản của chủ tàu Mười lâm khó khăn. Ông Mười bắt đầu “đuối” dần trong việc trả nợ ngân hàng, lãi thêm chồng lãi vay, dẫn đến nợ xấu.

Vì sao nên nỗi?

Đà Nẵng được xem là địa phương có quy trình xét duyệt cho vay đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 chặt chẽ nhất. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng, từ năm 2015 - 2017, đơn vị thẩm định 32 hồ sơ vay vốn, trong đó chỉ có 9 hồ sơ đạt. Kết quả cho vay theo Nghị định 67 tính đến cuối năm 2017, có 5 ngân hàng thương mại trên địa bàn chấp thuận cho vay để đóng mới, nâng cấp 9/10 tàu cá được phê duyệt, tổng số tiền cho vay hơn 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù siết quy trình cho vay ưu đãi nhưng nhiều tàu thép 67 tại Đà Nẵng vẫn gặp khó khi vươn khơi.

Theo các ngư dân, nguyên nhân chủ yếu ở thiết kế tàu cá. Các mẫu tàu được duyệt phần lớn không phù hợp với ngành nghề truyền thống, đặc trưng vùng biển khai thác dẫn đến tàu cá hoạt động kém hiệu quả. Bên cạnh đó, tàu vỏ thép còn khá mới mẻ. Ngư dân ở đây không chịu vươn ra vùng khác, bởi họ gặp một số khó khăn như bạn tàu không chịu đi xa, chỉ chịu đi đánh bắt gần, vì vậy sản lượng đánh bắt không cao. Khi vận hành tàu to, máy lớn, nhất là tàu vỏ thép thì tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn. Trước đây, tàu cá đi 1 chuyến biển tốn khoảng 100 triệu đồng tiền dầu, nay tốn gấp đôi. Việc tìm bạn tàu (ngư dân tham gia khai thác) khó khăn và không ổn định.

Theo ông Trịnh Quang Vinh, Phó chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN&PTNT Đà Nẵng), sản lượng đánh bắt hàng năm của ngư dân Đà Nẵng vẫn tăng nhưng không hiểu vì sao tàu 67 lại đánh bắt kém hiệu quả. “Nhân lực đi biển của thành phố đang ít dần vì tập trung cho các mũi nhọn du lịch, công nghiệp”, ông Vinh nói.

Vấn đề chính sách bảo hiểm cho ngư dân cũng đang tồn tại bất cập, gián đoạn. Nghị định 67 kèm chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho ngư dân như: Hỗ trợ 100% bảo hiểm thuyền viên và 90% bảo hiểm đối với thân vỏ tàu và ngư lưới cụ đối với tàu trên 400CV, nhưng có thời gian chính sách bảo hiểm bị gián đoạn. Tháng 2/2018, Nghị định 17 ra đời, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67, trong đó nói đến chính sách bảo hiểm chỉ hỗ trợ 50% đối với bảo hiểm thân vỏ tàu, không hỗ trợ bảo hiểm ngư, lưới cụ. Nhưng đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về chính sách bảo hiểm nên các công ty bảo hiểm chưa triển khai cho ngư dân. Vì thế, các chủ tàu đã khó lại càng khó do số tiền mua bảo hiểm lớn mà chính sách hỗ trợ ở mức thấp.

Nhà máy đóng tàu lâm nợ vì ngư dân không nhận lại tàu

Ông Nguyễn Quang Kỳ, Tổng giám đốc Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy (Đà Nẵng) cho hay: Công ty vừa gửi đơn cầu cứu đến ngành chức năng về việc chủ tàu vỏ thép Qna-4679TS Trần Văn Liên (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) không chịu nhận lại tàu dù đã được sửa chữa, thay thế máy mới, khiến doanh nghiệp có nguy cơ phá sản vì chưa thể thu hồi tiền nợ đóng tàu.

Ngân Hà

Bình Định: Hỗ trợ bất thành, cơ sở đóng tàu xin “hầu kiện”

Theo Sở NN&PTNT Bình Định, trong 19 tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 bị hư hỏng hồi tháng 4/2017, có 5 tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng và 14 tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng. Sau 27 cuộc họp thống nhất phương án đền bù, hỗ trợ đều bất thành, không có tiếng nói chung giữa chủ tàu và cơ sở đóng tàu. Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết, sở không giải quyết vì vụ việc kéo dài quá lâu và chờ phán quyết của tòa. Tại cuộc họp chiều 2/4, phía Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu đều phát biểu sẵn sàng ra tòa nếu ngư dân không đồng thuận với hướng giải quyết họ đưa ra.

Quang Đạt

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.