Kinh tế

Khó đổi tiền mới, nhân viên ngân hàng, kho bạc cũng "bó tay"

30/01/2024, 07:30

Việc đổi tiền mới dịp tết Nguyên đán năm nay khá khó khăn. Trong khi hoạt động đổi tiền mất phí tại "chợ đen" lại dễ dàng.

Chạy đôn đáo vẫn không đổi được tiền mới

Chuẩn bị về quê đón Tết cùng gia đình, chị Kiều Thị Tuyết (Thanh Hóa) đã nhờ một người quen làm tại một kho bạc Nhà nước đổi giúp 15 triệu đồng tiền mới, gồm 5 triệu tiền mệnh giá tiền 10.000 đồng và 10 triệu tiền mệnh giá 20.000 đồng để lì xì trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới.

Đây không phải lần đầu tiên nhờ đổi tiền nên chị Tuyết chắc mẩm bạn chị sẽ có tiền mới mang về quê. Nhưng mới đây, người quen thông báo năm nay không đổi được. Những ngày này, chị Tuyết đang chạy đôn, chạy đáo vì không biết đổi tiền mới, tiền lẻ ở đâu.

Khó đổi tiền mới, nhân viên ngân hàng, kho bạc cũng

Tái diễn đổi tiền lì xì mất phí ngày cận Tết (ảnh minh họa).

Chị Nguyễn Vân Anh, công nhân Công ty may Việt Nhật cũng đã chuẩn bị 5 triệu để đổi tiền lẻ lì xì trong dịp Tết. Không quen biết rộng, chị nhờ kế toán công ty hỗ trợ, nhưng 3 lần ngỏ ý mà kế toán công ty chưa nhận lời.

Nhân viên ngân hàng như anh T.T.Đ (làm việc tại Shihanbank) đến giờ này cũng chưa có suất đổi tiền mới. "Năm nay hầu như không đổi được tiền mới", anh Đ nói.

Trong khi việc đổi tiền tại các tổ chức tín dụng khó khăn thì hoạt động đổi tiền ngoài "chợ đen" lại có phần dễ dàng và nhộn nhịp dù đã có những quy định rõ ràng.

Trên mạng xã hội có nhiều người rao đổi tiền với đủ các mệnh giá từ 10.000 đến 200.000 đồng.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, mức phí đổi tiền mới qua mạng dao động trong khoảng 1-20%. Với tiền mệnh giá 50.000 đồng, phí đổi từ 7%; Tiền 100.000 đồng và 200.000 đồng có phí 3-4%. Các mệnh giá nhỏ như 2.000 đồng, 5.000 đồng mất phí từ 10%.

Muốn lấy tiền mới loại 10.000 đồng và 20.000 đồng, người tham gia giao dịch phải trả chênh lệch 15%... Hai mệnh giá nhỏ nhất là 500 đồng và 1.000 đồng được nhiều nơi thu phí đến 20%, tức đổi 1 triệu đồng chỉ nhận về 800.000 đồng.

Anh Nguyễn Quý Khanh (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết vừa đổi tiền qua mạng với mức phí 14-16%. Đổi 10 triệu đồng loại tiền 100.000 đồng, anh phải thanh toán 11.400.000 đồng, hay đổi loại tiền 10.000-50.000 đồng, phải trả 11.600.000 đồng.

Theo ghi nhận của PV, ngoài tiền Việt Nam đồng mới, các tài khoản mạng xã hội còn rao bán một số loại tiền nước ngoài như đồng 2 USD, đồng USD mạ vàng có in hình rồng, tờ tiền có những biểu tượng "Thuận buồm xuôi gió", "Mã đáo thành công"…

Đổi tiền thu phí tự phát là bất hợp pháp

Trước những khó khăn khi đổi tiền mới tại các tổ chức tín dụng, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết đơn vị này vẫn in, cấp đổi tiền mới, cung ứng cho nền kinh tế bình thường. Thu hồi được bao nhiêu tiền rách, cũ, đơn vị sẽ cấp đổi bấy nhiêu để đáp ứng cho nền kinh tế lưu thông.

Tuy nhiên, ngân hàng không in ấn tiền mới phục vụ các nhu cầu tâm linh. Còn việc đổi tiền mới trôi nổi, theo Ngân hàng Nhà nước đây là hành vi bị cấm, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xử lý.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, giải thích Ngân hàng Nhà nước không có chủ trương in để đổi mới tiền lẻ 10.000, 20.000 hay 50.000. Nhiều khi chi phí in ấn, vật tư có thể cao hơn mệnh giá những tờ tiền nhỏ.

Theo ông Hùng, nhu cầu đổi tiền mới của người dân để lì xì là có, nhưng không thể trở thành yêu cầu bắt buộc ngân hàng phải làm. Chỉ có điều, khi Ngân hàng Nhà nước in tiền có thể lưu ý những dịp như thế để phục vụ người dân tốt hơn.

Theo Thông tư số 25/2013/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chỉ những tổ chức được Nhà nước cho phép như: Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới được phép thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho tổ chức, cá nhân. Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động thu, đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp.

Công điện 01/CĐ-NHNN mới đây của Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tăng cường phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn tình trạng trên.

Theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật bị phạt 20-40 triệu đồng.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.