Khó xử lý vi phạm còi xe

14/01/2015, 16:40

Sau kiến nghị của người dân TP HCM, Vụ trưởng Vụ ATGT vừa kiến nghị Ủy ban ATGT Quốc gia có ý kiến với Bộ Công an tăng cường xử lý nghiêm hành vi lắp thêm còi hơi, còi có âm lượng lớn...

Chiếc xe tải phóng nhanh, bấm còi inh ỏi trên đường nơi đông dânẢnh: Linh Hoàng
Chiếc xe tải phóng nhanh, bấm còi inh ỏi trên đường nơi đông dân

Phớt lờ biển cấm

Ghi nhận của PV trong khoảng từ 3 - 5h ngày 10/1 dọc theo QL1 (quận Thủ Đức, TP HCM), đoạn từ trường Đại học Nông Lâm đến cầu vượt Linh Xuân cho thấy, rất nhiều lái xe tải, xe khách, container liên tục bấm còi inh ỏi. Trước cổng trường ĐH Nông Lâm, khi tín hiệu đèn đỏ vừa chuyển qua đèn xanh, xe đứng đầu chưa kịp di chuyển, đã bị các xe sau liên tục bấm còi hối thúc. PV kịp ghi lại rất nhiều trường hợp thi nhau bấm còi như các xe ô tô BKS: 51C-481.00, 61H-6708, 51C-214.84, 51C-260.80... 

Trên QL13 (quận Thủ Đức), nơi có chợ Bình Triệu và nhiều trường học, một loạt các xe BKS: 61A-139.37, 61C-034.33... cũng ngang nhiên vượt mặt nhau và bấm còi rất ồn ào. Trước cổng Bệnh viện Thủ Đức, PV gặp tình trạng tương tự. Đáng nói là khu vực này đã có biển “cấm bóp còi” để giữ yên tĩnh cho bệnh nhân, nhưng hàng loạt xe qua đây vẫn trang thủ “thi” còi như các xe: 51C-302.61, 51C-049.70, 57M-0752…

Bà Thu (trú tại phường Long Trường, quận 9) cho biết, bà mới chuyển nhà về đây chỉ vài tháng nhưng cũng đủ ngao ngán vì lượng xe lưu thông qua đây quá đông, gây nhiều khói bụi, bấm còi ồn ào. “Đêm ngủ cũng không được yên giấc. Xe chạy thâu đêm, suốt sáng, bấm còi liên tục”, bà Thu than thở.

Trao đổi với PV, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, gần đây ở TP HCM rộ lên tình trạng gắn còi hơi trong xe tải, container, thậm chí xe máy cũng lắp cả còi ô tô. Hành vi thiếu văn hóa này còn là “thủ phạm” gây ra nhiều vụ TNGT thương tâm. 

“Sở GTVT từng chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm. Riêng với xe buýt, Sở yêu cầu chấp hành quy định không được trang bị và sử dụng còi hơi. Nếu tài xế xe buýt sử dụng còi hơi khi lưu thông sẽ bị phạt 500 nghìn đồng đối với lần vi phạm đầu tiên, 1 triệu đồng nếu vi phạm từ lần thứ hai”, ông Lâm nói và cho biết, sắp tới Sở GTVT sẽ phối hợp với CSGT kiểm tra, xử phạt nghiêm. Đồng thời, đề nghị các trung tâm đăng kiểm kiểm tra chặt chẽ tiêu chuẩn còi xe ô tô khi đến kiểm định. 

Bằng chứng không có, tuyên truyền là chính

Ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 5004V, (phường Hiệp Phú, Q9) cho biết, không riêng xe tải, container mà nhiều xe khách cũng gắn còi hơi. Vị trí mà các chủ xe lắp còi hơi rất dễ phát hiện, thường ở trên cabin hoặc gần bình hơi. Theo ông Hải, các xe khi đến đăng kiểm thường không có còi hơi, “còi khủng”, nhưng khi về họ lắp thêm vào nên rất khó kiểm soát. Do vậy, những xe lưu thông trên đường có sử dụng còi hơi, cơ quan chức năng cần xử phạt mạnh để răn đe.   

1 năm chỉ phạt 7 trường hợp vi phạm còi hơi

Thượng tá Lê Ngọc, Trưởng Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cho biết, những năm gần đây, Đà Nẵng rộ lên tình trạng lắp đặt còi hơi, trong đó chủ yếu là xe buýt và xe tải. Lực lượng chức năng đã tăng cường tuyên truyền, TTKS và xử lý. Tuy nhiên, số lượng xử phạt khá “khiêm tốn”. Năm 2013, chỉ hơn 20 trường hợp. Đến năm 2014, chỉ có 7 trường hợp vi phạm còi hơi bị lập biên bản. Còn theo Thiếu tá Phạm Hồng Hải, Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cho biết, CSGT chưa có máy decibel (đo âm lượng), việc xử lý còi hơi chủ yếu bằng trực quan, kinh nghiệm. Trường hợp lái xe không đồng tình, lực lượng CSGT sẽ phối hợp với các Trung tâm kiểm định để thực hiện đo âm lượng để xử lý theo quy định.  

Duy Lợi

Thượng tá Nguyễn Văn Tòng, Phó trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP Hà Nội cho biết, thực tế tại Hà Nội, vi phạm về bấm còi chủ yếu rơi vào người ở tỉnh ngoài đến tham quan, làm việc bởi họ chưa quen với nếp giao thông là phương tiện đan xen, nhất là tại các nút giao thông. “Bản thân tôi và rất nhiều người khác rất khó chịu khi đứng trước ngã ba, ngã tư bị người phía sau bóp còi. Việc xử lý vi phạm về sử dụng còi ở Hà Nội đến nay không nhiều, đặc biệt là sau 22h bởi bằng chứng không có, giám sát giao thông qua hình ảnh xử phạt nguội chỉ làm được đối với một số vi phạm như tốc độ, làn đường, đèn xanh đèn đỏ”, Thượng tá Tòng nói.

Trả lời Báo Giao thông, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cho biết, Luật GTĐB quy định rõ: Nghiêm cấm một số hành vi như: Bấm còi, rú ga liên tục; Bấm còi trong thời gian từ 22h hôm trước đến 5h hôm sau, bấm còi hơi; Sử dụng thiết bị âm thanh gây mất ATGT, trật tự công cộng. Nghị định số 171 cũng quy định phạt tiền từ 100 - 200 nghìn đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự như ô tô vi phạm hành vi “bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22h hôm trước đến 5h hôm sau; Người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe gắn máy vi phạm hành vi này bị xử phạt từ 80 -100 nghìn đồng. Như vậy, hiện nay các quy định của pháp luật điều chỉnh đối với người tham gia giao thông vi phạm hành vi sử dụng còi, thiết bị âm thanh không đúng quy định khi tham gia giao thông đã đảm bảo điều kiện để xử lý.

“Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng xử lý được người vi phạm. Do đó, đối với vi phạm này chúng ta cần tuyên truyền, giáo dục nhắc nhở để người dân hình thành được ý thức sử dụng còi, làm sao sử dụng còi có văn hóa khi tham gia giao thông”, Thiếu tướng Hà nói.

Đỗ Loan - Linh Hoàng - Khánh Hà  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.