Chuyện dọc đường

Không chủ quan với lạm phát

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, là "máu" của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế.

Có thể thấy, xăng dầu là chi phí đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ.

Giá xăng dầu chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí sản xuất của các ngành kinh tế. Chẳng hạn trong tổng chi phí sản xuất, chi phí xăng dầu chiếm 76,73% đối với hoạt động khai thác thủy sản; chiếm 63,36% đối với hoạt động vận tải; 45,18% đối với khai thác than…

Đặc biệt xăng dầu chiếm từ 40 - 45% trong cơ cấu giá thành vận tải. Trong khi đó, vận tải đóng một vai trò trọng yếu của quá trình phân phối và lưu thông. Đối với doanh nghiệp vận tải, khi giá xăng dầu tăng dẫn đến giá các dịch vụ, phí, cước giao hàng… đều tăng. Có thể thời điểm từ đầu năm đến nay chưa tăng, nhưng về lâu dài, điều này là khó tránh khỏi vì doanh nghiệp họ cũng không thể gồng mình được mãi.

photo-1694456050303

Xăng dầu chiếm từ 40 - 45% trong cơ cấu giá thành vận tải (ảnh minh họa).

Để tránh tác động tiêu cực từ biến động giá xăng dầu đối với các doanh nghiệp vận tải, từ đó ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa nói chung, cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời. Chẳng hạn như các loại thuế phí, nếu xem xét có thể giảm được thì có thể giảm ngay.

Bên cạnh đó là chính sách tín dụng, hầu hết các doanh nghiệp phải đi vay để đầu tư phương tiện, đảm bảo nhiều loại chi phí khác. Dẫu biết rằng với các ngân hàng thì lợi nhuận bao giờ cũng là mục tiêu hàng đầu. Song trong bối cảnh khó khăn, ngân hàng nên chia sẻ. Vì doanh nghiệp có "khỏe" thì ngân hàng mới càng có lợi.

Ngoài ra, xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng chi cho tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, khi giá xăng dầu tăng cũng tác động trực tiếp làm tăng lạm phát của nền kinh tế. Theo tính toán, khi xăng dầu tăng 10% làm cho lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm. Như vậy, mức tăng giá xăng dầu từ 15 - 20%, có thể khiến cho lạm phát tăng thêm…

Khó khăn của các doanh nghiệp nói chung, của doanh nghiệp vận tải nói riêng là điều ai cũng có thể nhìn thấy. Mà một khi vận tải khó khăn thì chắc chắn sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực khác.

Để hạn chế tác động từ giá xăng dầu đến hoạt động vận tải, Bộ Công thương cần nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn. Bộ cần kiến nghị với Chính phủ mở rộng, nâng cao năng lực kho dự trữ xăng dầu đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới tăng cao.

Chưa tính đến các yếu tố khác, nếu giá xăng dầu tăng liên tục, cước vận tải chắc chắn sẽ phải tăng, khi đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động vận tải, xa hơn là nhiều lĩnh vực khác nữa. Điều đó sẽ gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng. Và trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể chủ quan với lạm phát trước rất nhiều yếu tố khó lường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.