Quản lý

Không có chuyện “chạy nước rút” cấp phép hàng không

04/04/2016, 08:05

Là khẳng định của ông Võ Huy Cường xung quanh việc cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Airlines và SkyViet.

12
SkyViet thành lập mới trên cơ sở sắp xếp lại Công ty Bay dịch vụ hàng không VASCO

Đây là khẳng định của Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường xung quanh việc cơ quan này đề nghị cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho 2 hãng hàng không Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) và SkyViet (thành lập mới trên cơ sở sắp xếp lại Công ty Bay dịch vụ hàng không VASCO).

Không phải bây giờ mới xin cấp phép

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Võ Huy Cường cho biết, thực tế Vietstar Airlines là hãng hàng không đã được cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại. Tháng 8/2015, Ngôi Sao Việt đệ trình hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không với loại hình khai thác chuyên chở hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng. Do phải hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ nên Vietstar Airlines đã bổ sung và đệ trình lại vào tháng 2/2016.

Đối với SkyViet, ông Cường cho biết, từ năm 2008, Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO) đã trình hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại. Tuy nhiên, sau khi thẩm định hồ sơ, Cục Hàng không VN nhận thấy VASCO không đủ điều kiện để cấp do là đơn vị hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

"Vietstar Airlines sẽ chỉ được Bộ GTVT cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không khi đáp ứng đủ các điều kiện, bao gồm cả điều kiện về vốn tối thiểu được quy định tại Nghị định 30”.

Ông Võ Huy Cường
Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN

“Đến năm 2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 21 phê duyệt Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến 2030, trong đó nêu rõ: Phát triển VASCO theo hướng công ty cổ phần kết hợp giữa việc cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung”, ông Cường nói.

Đáng nói hơn, theo ông Cường, Công ty SkyViet (là công ty cổ phần với 3 cổ đông sáng lập là TCT Hàng không VN, Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Kỹ thương và CTCP Phát triển Kỹ thương) sẽ kế thừa và tiếp thu cơ sở vật chất, nguồn lực hiện có của VASCO, đảm bảo duy trì việc kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại của VASCO không bị gián đoạn. Như vậy, việc công ty xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung là phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Tôi có thể khẳng định, không hề có chuyện “chạy nước rút” trong việc cấp phép hàng không như một số báo đã nêu thời gian qua”, ông Cường nhấn mạnh.

Chỉ cấp phép khi đáp ứng đủ điều kiện

Đối với việc thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Airlines, phản hồi một số ý kiến cho rằng, có chuyện “lách luật” khi Cục Hàng không VN chấp nhận Báo cáo Tài chính đã được kiểm toán thay vì văn bản xác định vốn của tổ chức tín dụng, ông Võ Huy Cường cho biết, không hề có chuyện đó.

Tại thời điểm tháng 8/2015, khi đệ trình Hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Vietstar Airlines chưa có văn bản xác nhận vốn cũng chưa nộp Báo cáo Tài chính đã được kiểm toán. Tuy nhiên, khi thẩm định hồ sơ, nhận thấy trước đó, Sở KH&ĐT TP HCM đã thực hiện xác nhận vốn khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp CTCP nên Cục Hàng không VN đã sử dụng kết quả của thủ tục hành chính này thay cho văn bản xác nhận vốn.

Đến ngày 7/10/2015, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 14032 cho rằng, việc xác nhận vốn do Sở KH&ĐT TP HCM thực hiện chưa phù hợp với quy định của Điều 9, Nghị định 30.

Về vấn đề này, theo ông Cường, Vietstar Airlines không phải là hãng hàng không thành lập mới mà là hãng hàng không đang hoạt động nên thực chất phải áp dụng theo Khoản 4 Điều 14, Nghị định 30, tức là có bản chính văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc văn bản hợp pháp chứng minh về số vốn pháp định của doanh nghiệp. Mặt khác, trong quá trình chấp hành pháp luật, doanh nghiệp có quyền yêu cầu vận dụng các quy định pháp luật hiện hành phù hợp.

Cũng theo ông Cường, vốn chủ sở hữu là tiêu chí chính để đánh giá năng lực tài chính đáp ứng yêu cầu về vốn của hãng hàng không và là căn cứ để Cục Hàng không VN thẩm định, xem xét và báo cáo Bộ GTVT trong trường hợp hãng hàng không mở rộng quy mô đội tàu bay, tăng vốn điều lệ. Được biết, trước Vietstar Airlines, Cục Hàng không VN đã áp dụng tương tự với Vietnam Airlines, VietJet khi các hãng này thực hiện tăng vốn điều lệ, thay đổi vốn tối thiểu để mở rộng quy mô khai thác.

Đến tháng 2/2016, Vietstar Airlines đã hoàn thiện hồ sơ và bổ sung Báo cáo Tài chính được kiểm toán năm 2015 gửi Cục Hàng không VN, Bộ GTVT.

Trên cơ sở báo cáo kết quả thẩm định của Cục Hàng không VN, Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến. “Thực tế, Bộ GTVT đã báo cáo giải trình cụ thể về các vấn đề của Vietstar Airlines và có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng Báo cáo tài chính đã được kiểm toán thay thế văn bản xác nhận vốn cũng như cho phép cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho doanh nghiệp này”, ông Cường nhấn mạnh.

Trả lời thắc mắc của Báo Giao thông về việc Báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho đến ngày 31/12/2015 của Vietstar Airlines thì vốn chủ sở hữu mới chỉ đạt 652,7 tỷ đồng, trong khi quy định vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không và duy trì kinh doanh vận chuyển hàng không có khai thác đến 10 tàu bay là 700 tỷ đồng, ông Cường lý giải, theo quy định của Nghị định 30, sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Vietstar Airlines có 6 tháng để bổ sung số vốn này. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.