Hàng hải

Kiến nghị đẩy nhanh đầu tư hạ tầng, nạo vét luồng đảm bảo an toàn hàng hải

08/04/2024, 17:18

Chiều 8/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có buổi làm việc với Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng về việc đảm bảo an toàn hàng hải trên địa bàn thành phố.

Theo Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng, cảng biển Đà Nẵng rộng 12km2, sâu tối đa 21m, có khả năng tiếp nhận tàu đến 50.000DTW và tàu container 2.800 TEUs, tàu khách có dung tích đến 150.695 tấn. Có hệ thống giao thông đường bộ khá tốt, nối liền đến các ga đường sắt, ga hàng không.

Kiến nghị đẩy nhanh đầu tư hạ tầng, nạo vét luồng đảm bảo an toàn hàng hải- Ảnh 1.

Ông Trịnh Thế Cường (ngoài cùng bên phải) báo cáo đoàn công tác về hoạt động đảm bảo an toàn hàng hải tại Đà Nẵng.

Từ năm 2018 đến nay, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển, số lượt tàu thuyền vào, rời cảng biển tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 10%. Năm 2023, lượng hàng qua cảng Đà Nẵng đạt 11,7 triệu tấn, tổng lượt tàu thông qua cảng biển đạt 5.790.

Đặc biệt, cảng biển Đà Nẵng cũng là nơi cập bến của nhiều tàu sân bay của Mỹ và các tàu quân sự nước ngoài khi đến thăm và hoạt động tại khu vực.

Theo ông Trịnh Thế Cường, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng, kết cấu hạ tầng giao thông tại Đà Nẵng được đầu tư và khai thác hiệu quả; các "điểm đen", tiềm ẩn tai nạn hàng hải được xử lý kịp thời.

Ba khu neo đậu chờ cầu, chờ luồng kết hợp tránh trú bão được Cục Hàng hải Việt Nam chấp thuận khảo sát, công bố cho tàu 100.000 tấn, 50.000 tấn và dưới 5.000 tấn đã giải quyết nhu cầu neo đậu của tàu thuyền vào, rời và neo đậu trong mùa mưa bão.

Phần lớn các tuyến luồng hàng hải và khu neo đậu được lắp đặt hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm nên phòng ngừa, kiềm chế, làm giảm TNGT. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các phần mềm quản lý trong hoạt động hàng hải đã hoàn thiện, đồng bộ phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Theo ông Cường, công tác đảm bảo an toàn hàng hải tại Đà Nẵng còn một số hạn chế, bất cập. Theo đó, cảng biển Đà Nẵng hiện không có các khu neo đậu trú bão (tại khu vực cảng biển Đà Nẵng có 3 neo đậu chờ cầu, chờ luồng kết hợp tránh bão) cho các phương tiện đi qua khi có các diễn biến bất lợi của thời tiết.

"Cơ sở hạ tầng giao thông kết nối với các cảng biển như đường bộ, đường thủy, đường sắt... còn phần nào hạn chế do cảng năm trong thành phố. Hoạt động của các tàu cá ra, vào âu thuyền, cảng, bến thủy nội địa đều cắt ngang tuyến luồng hàng hải, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hàng hải, ông Cường cho hay.

Kiến nghị đẩy nhanh đầu tư hạ tầng, nạo vét luồng đảm bảo an toàn hàng hải- Ảnh 2.

Một góc cảng Tiên Sa, Đà Nẵng.

Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng kiến nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo toàn diện bảo đảm trật tự, ATGT trên cả 5 lĩnh vực giao thông, xem xét, chấp thuận lập kế hoạch sửa đổi Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) do Bộ GTVT chủ trì xây dựng trong thời gian tới.

Ngoài ra, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng cũng kiến nghị Bộ GTVT và Cục Hàng hải Việt Nam bố trí kinh phí nạo vét duy tu luồng hàng hải hàng năm bảo đảm duy trì độ sâu khai thác tuyến luồng hàng hải và độ sâu trước bến.

Đồng thời, kiến nghị UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo đẩy nhanh việc xây dựng dự án bến cảng Liên Chiểu. Tiếp tục quan tâm đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố, nhất là ở tuyến đường kết nối với cảng, trong đó ưu tiên xử lý các điểm đen, điểm tiềm TNGT trên các quốc lộ…

Theo Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh, trật tự ATGT trên biển rất quan trọng, dù rất ít xảy ra tai nạn nhưng khi xảy ra thì rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn. Trung tướng Hưng cũng dẫn chứng lại các vụ va chạm giữa tàu cá và tàu hàng thời gian qua.

Đối với các kiến nghị về công tác nạo vét, đẩy nhanh xây dựng cảng Liên Chiểu, đoàn công tác ghi nhận và đề nghị Cảng vụ hàng hải Đà Nẵng cần báo cáo Bộ GTVT, địa phương triển khai thực hiện.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng cũng đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu, bổ sung các kiến nghị cụ thể để đoàn ghi nhận, sau này nếu Chính phủ có đề nghị sửa đổi Bộ Luật hàng hải thì Quốc hội có cơ sở thẩm tra các nội dung này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.