Kỳ cuối: Bí kíp tái cơ cấu, CPH doanh nghiệp hiệu quả

10/01/2015, 08:59

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, chủ trương đúng và có sự chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt là yếu tố quyết định tạo ra hiệu quả của công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp...

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường

Nhà đầu tư thực sự làm chủ doanh nghiệp

Năm 2014 ngành GTVT được đánh giá là đơn vị dẫn đầu về công tác tái cơ cấu, CPH doanh nghiệp Nhà nước. Cụ thể hoạt động này được Bộ GTVT triển khai ra sao, thưa Thứ trưởng?

Trong giai đoạn 2011-2014, Bộ đã triển khai CPH 107 doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có 11 công ty mẹ - tổng công ty, trong đó có hai đơn vị hoàn thành thoái toàn bộ 100% vốn Nhà nước là các CIENCO1 và CIENCO4. Riêng Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines), tháng 11/2014 đã hoàn thành IPO lần đầu. Hiện đơn vị này đang tiếp tục thực hiện quy trình lựa chọn và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Dự kiến, trong quý I/2015 sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu, quý II/2015 sẽ chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Đối với 53 doanh nghiệp triển khai trong năm 2014, hiện đã thẩm định, phê duyệt giá trị doanh nghiệp cho 50 doanh nghiệp, phê duyệt phương án CPH 39 doanh nghiệp thành công ty cổ phần, trong đó 37 doanh nghiệp đã hoàn thành IPO. Các doanh nghiệp còn lại sẽ tiếp tục thực hiện các quy trình thủ tục để hoàn thành IPO vào đầu năm 2015. 

Như vậy, năm 2014, Bộ GTVT đã hoàn thành IPO 48 doanh nghiệp trên tổng số 143 doanh nghiệp của cả nước. Với kết quả này, Bộ GTVT tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về công tác CPH các doanh nghiệp Nhà nước.

Thứ trưởng đánh giá thế nào về kết quả hoạt động của các doanh nghiệp sau khi hoàn tất CPH, chuyển sang hoạt động theo mô hình mới?

Mục tiêu của công tác tái cơ cấu CPH các doanh nghiệp ngành GTVT là chuyển đổi từ sở hữu Nhà nước sang đa sở hữu nhằm huy động mọi nguồn lực của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước để nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việc CPH các doanh nghiệp cũng bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp. 

Vì thế, sau khi chuyển sang mô hình mới, gần như tất cả các doanh nghiệp đều hoạt động hiệu quả hơn. Điều này được minh chứng cụ thể bằng kết quả sản xuất kinh doanh, lợi nhuận và chăm lo đời sống người lao động. Đơn cử với 10 công ty mẹ - tổng công ty CPH trong năm 2014, vốn chủ sở hữu tăng hơn 17%, doanh thu tăng hơn 10%, lợi nhuận trước thuế tăng kỷ lục hơn 43%. Cùng với đó, đời sống người lao động cũng được đảm bảo và tăng cao hơn trước. Kể cả các doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines, Tổng công ty Đường sắt VN dù gặp phải nhiều yếu tố bất lợi bên ngoài, nhưng kết quả sản xuất kinh doanh cũng khả quan hơn.

Theo Thứ trưởng, đâu là yếu tố mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh ấn tượng như vậy của các doanh nghiệp sau CPH?

Theo tôi, yếu tố quyết định nhất chính là chúng ta có chủ trương đúng đắn về đẩy mạnh tái cơ cấu, CPH các doanh nghiệp Nhà nước. Từ chủ trương đúng, Bộ GTVT đã có sự chỉ đạo quyết liệt, nhất quán. Từ Ban Cán sự đảng Bộ, lãnh đạo Bộ đến các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người lao động đều thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất và có những bước đi thích hợp trong quá trình tái cơ cấu, CPH. Đây là căn cứ quan trọng để các đơn vị tổ chức thực hiện.

Một điều nữa theo tôi là sự chủ động, sáng tạo của các doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch, chiến lược và sự điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh linh hoạt trên nguyên tắc công khai, minh bạch dưới sự giám sát chặt chẽ của các cổ đông và phù hợp với quy luật của thị trường. Sau CPH, các cổ đông, nhà đầu tư chiến lược đã thực sự làm chủ doanh nghiệp.   

Kết quả sản xuất kinh doanh của TCT Đường sắt VN đã khả quan hơn rất nhiều sau CPH Ảnh: Khánh Linh
Kết quả sản xuất kinh doanh của TCT Đường sắt VN đã khả quan hơn rất nhiều sau CPH

Hoàn tất CPH toàn bộ doanh nghiệp trong năm 2015

Sau CPH, nhiều doanh nghiệp đã thoái 100% vốn sở hữu Nhà nước. Vậy Bộ GTVT sẽ có vai trò quản lý như thế nào đối với các doanh nghiệp này, thưa Thứ trưởng?

Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành GTVT, Bộ có hai nhiệm vụ chính là quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực và đại diện chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp thuộc Bộ hoặc được giao quản lý. Sau CPH, Bộ sẽ tập trung tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành GTVT nhằm tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp, tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường trong điều kiện hội nhập nền kinh tế, góp phần nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, năng suất lao động, hiệu quả doanh nghiệp.

Sau những kết quả tích cực của năm 2014, kế hoạch tái cơ cấu, CPH các doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2015 sẽ như thế nào, Bộ GTVT có đặt ra mục tiêu cụ thể nào không, thưa Thứ trưởng?

Dự kiến, trong năm 2015, Bộ sẽ thực hiện CPH 14 doanh nghiệp đã triển khai trong năm 2014 và triển khai CPH tiếp 29 doanh nghiệp nữa. Mục tiêu của Bộ GTVT là phấn đấu kết thúc năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành CPH toàn bộ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Nhà nước không nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Cảm ơn Thứ trưởng!

Đ.Thắng - T.Mạnh

(Thực hiện)  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.