Xã hội

Kỳ lạ mỗi m2 “đất vàng” Quy Nhơn cho thuê làm bến xe chỉ mua được ổ bánh mì

Được Bình Định cho thuê đất với giá "bèo", Bến xe Quy Nhơn mở ki-ốt cho thuê lại, hợp tác kinh doanh với bên ngoài, thu lợi "khủng".

Giá rẻ bèo, được miễn tiền thuê gần 80% diện tích đất

Từ năm 2007, Công ty CP Bến xe Bình Định được UBND tỉnh Bình Định ký hợp đồng cho thuê 42.173,4m2 (khu vực 5, phường Ghềnh Ráng), để xây dựng Bến xe khách trung tâm Quy Nhơn.

Theo đó, thời hạn cho thuê đất là 30 năm (tính từ ngày 1/4/2003). Diện tích thuê sử dụng vào các mục đích: Khu vực quảng trường, nhà ga, bến bãi (31.505,6m2), khu vực thương mại kỹ thuật (8.891m2), đất cây xanh (1.776,8m2).

img

Khu đất UBND tỉnh Bình Định cho Công ty CP Bến xe Bình Định thuê nằm ở vị trí đắc địa, cửa ngõ ra vào TP

Tháng 7/2016, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục có điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Bến xe khách trung tâm Quy Nhơn.

Trong đó tổng diện tích đất thương mại dịch vụ trong bến xe sau khi điều chỉnh là 8.898m2. Cục thuế tỉnh Bình Định tính tiền thuê đất hằng năm để doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước, mỗi năm sẽ chia ra nộp hai lần.

Ghi nhận thực tế, Bến xe Quy Nhơn thuộc khu đất có vị trí đắc địa, cửa ngõ ra vào TP Quy Nhơn, giáp QL1D và nhiều tuyến đường lớn trong TP như Tây Sơn, Võ Liệu... Từ lâu, vị trí này được ví như "đất vàng" của thành phố biển này. Tuy nhiên, mức giá tính tiền thuê đất cho bến xe khiến nhiều người ngỡ ngàng vì "siêu rẻ".

Cụ thể, thời điểm năm 2013- 2017, mức giá cho thuê chỉ chỉ 25.200 đồng/m2/năm (tức 2.100 đồng/m2/tháng- PV).

Đến năm 2017, dù giá thuê đã tăng hơn 3 lần, nhưng cũng chỉ ở mức 86.824 đồng/m2/năm (tức 7.235 đồng/m2/tháng- PV). Mức giá này được Cục thuế tỉnh Bình Định áp dụng cho kỳ tính thuế từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2021.

"Với hơn 7.000 đồng mỗi tháng 1 m2 cho thuê, số tiền này thậm chí chỉ mua được một chiếc bánh mì! Điều này khiến ngân sách thất thu rất lớn", một chuyên gia bất động sản ví von, khi so sánh với mặt bằng giá chung tại Quy Nhơn.

Không những giá thuê rẻ, thêm vào đó, năm 2018, Công ty CP Bến xe Bình Định lại được Cục thuế tỉnh Bình Định quyết định miễn tiền thuê đất đối với diện tích thuê 33.282,4m2 (đất khu vực quảng trường, nhà ga bến bãi và cây xanh) tại Bến xe Quy Nhơn.

Lý do miễn được đưa ra là căn cứ theo Nghị định số 46/2014 về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và Quyết định số 12/2015/QĐ-TTg ngày 16/4/2015 của Thủ tướng quy định về cơ chế, chính sách thu hút xã hội hoá đầu tư và khai thác bến xe khách.

img

Công ty CP Bến xe Bình Định ký hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận cố định với Công ty TNHH thương mại và dịch vụ ô tô Dũng Tiến để làm showroom kinh doanh ô tô trên tổng diện tích đất hơn 4.300m2

Đáng kể, thời gian miễn kéo dài 2018-2021, với tổng số tiền được miễn là hơn 11,5 tỷ đồng.

Bến xe Quy Nhơn chỉ còn phải trả tiền thuê đất còn lại ở diện tích đất thương mại, chiếm hơn 20% tổng diện tích của Bến.

Tính ra, với đơn giá 86.824 đồng/m2/năm, Công ty CP Bến xe Bình Định chỉ trả khoảng 771 triệu đồng/năm cho Nhà nước để sở hữu tổng diện tích đất lên đến hơn 43.000m2 này.

Trong khi đó, theo các chuyên gia bất động sản, mặt bằng thị trường giá đất quanh khu vực Bến xe Quy Nhơn có giá 100-120 triệu đồng/m2. Nhu cầu thuê đất, mặt bằng ở khu vực này cũng tăng cao. Với phần diện tích trên, giá cho thuê có thể lên tới hàng chục tỷ đồng.

img

Ngoài cho thuê ki ốt, khu bảo dưỡng sửa chữa ô tô, Công ty CP Bến xe Bình Định ký hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận cố định với Công ty Dũng Tiến và Phương Linh (cửa hàng kinh doanh xăng dầu, tổng diện tích đất hơn 1.500m2)

Lách luật hợp tác kinh doanh với bên ngoài?

Ghi nhận PV, dù Bến xe có diện tích lớn, nhưng ngoài phần diện tích cố định để làm nhà ga, bến bãi, quảng trường, phần diện tích đất thương mại hầu hết bị "xẻ thịt" làm ki-ốt, khu bảo dưỡng, cửa hàng xăng dầu và showroom ô tô. Hầu hết chưa có các công trình trong danh mục khuyến khích xây dựng theo Thông tư 49/2022 của Bộ GTVT quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách.

Trong đó, các công trình dịch vụ thương mại được khuyến khích xây dựng, như: trung tâm thương mại, khách sạn nhà nghỉ...

Theo các chuyên gia đầu tư, quản lý bến xe, việc xây dựng các công trình thương mại trên nhằm mục đích đa dạng hóa các tiện ích, phục vụ như cầu người dân, hành khách qua đó thu hút khách đến với bến xe, phát triển mạng lưới vận tải hành khách. Qua đó, phát triển hoạt động kinh doanh bến, doanh nghiệp thu lợi và nhà nước tăng nguồn thu thuế phí...

Thống kê dọc các mặt tiền đường Tây Sơn, đường Võ Liệu, Bến xe Quy Nhơn có 13 ki-ốt để cho thuê. Ngoài ra 3 khu bảo dưỡng sửa chữa ô tô khác cho các đơn vị thuê lại tài sản trên đất.

Với giá cho thuê mỗi ki-ốt và khu bảo dưỡng giao động từ gần 10 triệu đến gần 15 triệu đồng/tháng, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, chỉ tính riêng tổng số tiền cho thuê các khu dịch vụ trên, mỗi năm thu về hơn 1 tỷ đồng.

Đáng kể, khu vực Bến được bố trí diện tích rất lớn lên đến 4.300m2 để cho đơn vị hợp tác làm showroom kinh doanh ô tô; phần diện tích 1.500m2 cho đơn vị kinh doanh xăng dầu.

Lãnh đạo Chi cục Thuế TP Quy Nhơn cho biết, đúng là giá thuê đất của Bến xe Quy Nhơn thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường.

Tuy nhiên, mức giá này do tỉnh quy định, đơn vị chỉ có trách nhiệm thu thuế của doanh nghiệp.

“Năm 2022 sẽ bắt đầu giai đoạn 5 năm tính lại tiền thuế mới cho diện tích đất Bến xe Quy Nhơn, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện, chưa có mức giá cụ thể”, vị này cho biết.

Theo tìm hiểu, để “lách” quy định bến xe không được cho bên thứ 3 thuê đất, mà chỉ cho thuê tài sản trên đất theo quy định hiện hành, Công ty CP Bến xe Bình Định ký 2 hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận cố định với doanh nghiệp tư nhân Phương Linh (cửa hàng kinh doanh xăng dầu) và Công ty TNHH thương mại và dịch vụ ô tô Dũng Tiến làm showroom kinh doanh ô tô).

Chỉ tính riêng hợp đồng hợp tác kinh doanh với Doanh nghiệp tư nhân Phương Linh, 2 bên thống nhất: Bến xe "góp đất hơn 1.500m2", Doanh nghiệp Phương Linh xây dựng cơ sở vật chất, với tổng mức đầu tư 3,5 tỷ đồng.

Theo đó, Bến xe "khoán trắng" mức thu lợi nhuận hơn 550 triệu đồng/năm (năm 2016 và tăng dần cho các năm sau). Tính ra trung bình mỗi tháng, Bến xe thu về khoảng 50 triệu đồng tiền hợp tác (thực ra là từ góp đất, quy đổi thành thu hơn 360.000/m2/năm- NV).

Số tiền này được xem là món lợi so với chênh lệch mức giá thuê đất UBND tỉnh áp cho Bến xe.

Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư, so với giá thị trường, doanh nghiệp cây xăng được sở hữu đất vàng để kinh doanh với giá rất rẻ. Trong khi đó, nhà nước thoái hết vốn tại Công ty CP Bến xe Bình Định.

Trước kia Công ty CP Bến xe Bình Định có 51,7% vốn nhà nước. Đến năm 2011, sau khi tổ chức đấu giá cổ phần thì vốn nhà nước không còn. Hiện tại, bà Nguyễn Thị Kim Cúc – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bến xe Bình Định chiếm 90% cổ phần, 10% còn lại thuộc về các cổ đông khác.

img

Vừa ho, vừa sốt, người mắc Covid-19 vật vã xếp hàng xin giấy xác nhận F0

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.