Đời sống

Kỳ lạ quán cà phê vùng quê muốn uống tự pha, không có tiền trả cứ ra về

11/06/2023, 09:44

Quán cà phê 0 đồng của anh Vinh là một trong những mô hình nhân đạo ra đời sau bánh mì 0 đồng, cơm 0 đồng... khiến nhiều người dân ấm lòng.

Quán cà phê 0 đồng ở vùng quê

PV Báo Giao thông và anh bạn đồng nghiệp có dịp về lại nơi đây, dừng chân tại quán cà phê đặc biệt này trong ngày đầu hè dưới cái nắng chang chang, mồ hôi ướt áo.

img

Mọi người quây quần bàn chuyện, cập nhật thông tin ở quán cà phê 0 đồng xã Mỹ Hiệp

Đó là quán cà phê 0 đồng của anh Nguyễn Văn Vinh nằm ở nhánh sông Tiền, tại tổ 8, ấp Trung Châu, xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Khi chúng tôi đến, quán rất đông người. Đủ các lứa tuổi, từ trung niên, thanh niên và có cả trẻ em.

Khi thấy khách lạ vào quán, ai cũng niềm nở mời gọi: “Hai chú uống gì, tự vào pha lấy, quán uống không cần trả tiền!”.

“Cà phê ở đây uống rất ngon không thua những quán khác, khách lại vui vẻ và hòa đồng.

Những lúc mệt mỏi mình thường đến đây thư giãn. Ai thích uống gì tự pha lấy, tùy khẩu vị mà cho đường ít hay nhiều tự làm, thấy thiếu gì thì góp vô”, anh Phạm Thanh Ái, khách hàng thường xuyên đến quán cho biết.

Tuy mọi người đến đây giải khát không tốn tiền nhưng quán cũng có đủ các loại nước từ cà phê, trà đường đến trà túi Lipton… Thường ngày quán mở cửa liên tục 24/24 giờ.

img

Anh Nguyễn Văn Vinh, chủ quán

Một ngày có khi một người đến quán uống 4 - 5 ly nước là chuyện thường tình. Bất kỳ ai đến quán dừng chân giải khát muốn đóng góp bao nhiêu tùy tâm để xoay vòng mua đường, cà phê, trà, nước đá... để mọi người cùng uống.

Nếu dùng xong ly nước mà không đóng góp đồng nào cũng chẳng sao, cà phê 0 đồng mà!

Ông Phạm Thanh Tùng, trú tại tổ 10, ấp Trung Châu chia sẻ: “Tôi là thành viên thường xuyên đến uống quán này, cũng có trợ giúp vô quán, bản thân thấy rất vui vẻ, thoải mái.

Giữa một vùng nông thôn yên ả, đã xuất hiện một loại hình quán cà phê 0 đồng, mang đậm tính nhân văn, gắn kết tình cảm chòm xóm.

Quán hình thành, bà con ai cũng ủng hộ, thiếu đường thì tặng đường, thiếu cà phê thì tặng cà phê, thiếu ly, tách thì Ban Nhân dân ấp hỗ trợ. Bản thân tôi cũng đã hỗ trợ quán 5 - 7kg đường và trà, cà phê…”.

Đặc biệt, ai đến đây giải khát ngoài tự pha lấy cũng luôn tự ý thức rửa ly, tách úp lên kệ ngăn nắp gọn gàng.

Bà Phạm Thị Điệp, tổ 8 ấp Trung Châu thường xuyên đến quán cho hay: “Anh em, bạn bè cùng đến đây thưởng thức ly cà phê, tách trà sau những giờ thả lưới bắt cá. Tôi thì thường đến uống trà đường, ngày ra uống 3 - 4 lần”.

Ý tưởng độc đáo

Anh Nguyễn Văn Vinh, người có ý tưởng thành lập quán cà phê 0 đồng tại khu đất gia đình hào hứng kể: “Tôi cùng mọi người bàn bạc mở ra quán này. Quán là nơi để cho bà con trong và ngoài xóm tụ họp”.

img

Cô Phạm Thị Điệp, tổ 8, ấp Trung Châu, xã Mỹ Hiệp đang tự pha nước

Đến quán, những người thả lưới ven sông Tiền, người làm nông, làm vườn, làm rẫy, phụ hồ, tài xế… giải khát sau những giờ lao động mệt nhọc...

Ở quán, họ cũng kể cho nhau nghe về các con đường sắp mở, những tuyến lộ mới hoàn thành...

Uống ở nhà một mình cũng buồn. Ở đây, bà con cùng trao đổi chuyện làm ăn, kinh nghiệm kinh doanh, chọn các giống cây trái chất lượng, những sâu bệnh hại hiện nay cần phòng tránh, cách giáo dục con cái, thông tin về chính sách BHYT, BHXH mới ban hành, sắp có hiệu lực từ tháng 7 tới đây.

“Trong quá trình hoạt động nếu quán có thiếu thốn thì Ban Nhân dân ấp sẽ vận động hỗ trợ để tiếp tục duy trì.

Đa số khách đến quán đều đóng góp lại, để cho người sau có thức uống mà dùng.

img

Sau những giờ vất vả giăng câu, thả lưới, các ngư dân có thể đến quán nhâm nhi ly cà phê

Quán cà phê 0 đồng giúp bà con tiết kiệm được trong sinh hoạt chi tiêu. Nếu một người uống 7.000 - 8.000 đồng/ly, còn ở đây một người góp vào mua 1-2kg đường uống chung 9-10 người thì tiết kiệm rất nhiều lại gắn kết tình cảm bà con trong làng ngoài xóm", anh Nguyễn Văn Ái Em, Phó Ban Nhân dân ấp Trung Châu chia sẻ.

Giữa thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, xuất hiện loại hình quán cà phê 0 đồng mang nhiều ý nghĩa tích cực.

Không chỉ bà con làng xóm mà cả những người khách vãng lai, người khó khăn… sẽ có điều kiện đến giải khát sau những giờ lao động vất vả, hay khi lỡ chuyến đường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.