Xã hội

Kỳ lạ thành phố cao nguyên cứ mưa là ngập

17/07/2023, 06:15

Bê tông hóa làm cho nước mưa không thể thẩm thấu, đổ ầm ầm xuống dòng thác Cam Ly, tàn phá cảnh quan Đà Lạt.

Cơn mưa giông kéo dài gần hai giờ khiến nhiều đường ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng ngập gần nửa mét, nhiều ô tô bì bõm trong biển nước, chiều 12/7.

Nghiêm trọng nhất là dân khu Hàn Thuyên thuộc phường 5, hàng chục ngôi nhà tại khu vực này đã bị ngập sâu trong nước.

img

TP Đà Lạt ngập sâu sau trận mưa ngày 12/7.

Năm nay, mới từ đầu tháng 6 đã có đến 4 trận mưa lớn gây ngập lụt cục bộ nhiều tuyến phố Đà Lạt.

Trong hai buổi chiều 23 - 24/6, cảnh ngập lụt diễn ra khắp nơi ở khu trung tâm thành phố, các khu dân cư như: Golf Valley, Yersin, Mạc Đĩnh Chi, Vườn hoa Đà Lạt… còn suối Phan Đình Phùng, Cam Ly, Phạm Hồng Thái, hạ lưu hồ Mê Linh… bị quá tải, khiến nhiều nhà dân bị ngập nước.

Câu hỏi được đặt ra là vì sao một thành phố cao nguyên như Đà Lạt mà hễ cứ mưa là ngập?

Bê tông hóa làm cho nước mưa không thể thẩm thấu, đổ ầm ầm xuống dòng thác Cam Ly, tàn phá cảnh quan Đà Lạt.

Cùng đó, mật độ xây dựng quá cao ở vùng nội ô làm cho những cánh rừng thông bị đẩy ngày càng xa thành phố.

Cũng do bê tông hóa, nước bị om lâu trong lòng đất không thoát được mới dẫn đến vụ sạt lở đau lòng vào rạng sáng 29/6, khiến 2 người tử vong, 5 người bị thương.

Nếu như năm 2022, lũ lụt chỉ thiệt hại về vật chất, thì năm 2023 đã thiệt hại đến tính mạng con người. Không ai dám chắc điều gì sẽ lại xảy ra tiếp theo.

Câu chuyện bê tông hóa đã được cảnh báo cả chục năm trước. Khu Golf Valley có diện tích 20ha, quy hoạch là công viên văn hóa đô thị, nhưng sau hơn 10 năm thực hiện giờ chỉ thấy toàn đô thị chứ không thấy công viên.

Đây là một trong những điển hình cho thấy sự mất cân bằng trong quy hoạch, bê tông hóa tăng cao, dẫn đến tình trạng ngập lụt.

Một chuyên gia xây dựng từng tham gia thiết kế dự án suối Phan Đình Phùng và suối Cam Ly (khoảng 15 năm trước) cho biết, khi thiết kế, các kỹ sư và cơ quan chức năng chưa hề nghĩ tới nước mưa từ các nhà kính (chủ yếu trồng rau, hoa) tuôn ra suối. Lúc đó chỉ tính toán xác suất 10 năm 1 lần sẽ xảy ra tình trạng quá tải.

Đã đến lúc chính quyền địa phương không thể khoanh tay đứng nhìn được nữa. Để người dân, du khách mỗi lần đến với thành phố ngàn hoa không còn phải ngán ngẩm với tình trạng hễ mưa là ngập ở nơi đây.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.