Xã hội

Lãnh đạo huyện Đông Anh lên tiếng việc yêu cầu giấy đi đường kèm lịch trực

11/08/2021, 21:29

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh lý giải về việc huyện yêu cầu siết chặt cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội.

Ngày 11/8, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) đã lý giải về việc siết chặt cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội trên địa bàn.

Ông Dũng xác nhận, UBND huyện đã có văn bản yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn huyện khi đi đường cần xuất trình kèm theo: giấy tờ tuỳ thân (căn cước công dân/chứng minh thư) kèm giấy đi đường theo mẫu và lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

img

Khu công nghiệp huyện Đông Anh thực hiện giãn cách xã hội tại chỗ (ảnh chụp chiều ngày 11/8)

Lý giải về việc siết chặt này, ông Dũng cho biết, hiện huyện Đông Anh được xác định là địa bàn nguy hiểm, liên tục xuất hiện những ca F0 ở diện rộng, có thể nói là nguy hiểm chứ không còn là nguy cơ nữa.

"Những ca nhiễm Covid-19 đã xuất hiện ở khu công nghiệp, khu nhà công nhân, chợ, siêu thị, chuỗi cửa hàng cung ứng và khu dân cư tại thị trấn Đông Anh và tất cả các điểm trên địa bàn huyện. Tổng số 16/24 địa bàn địa giới hành chính của huyện Đông Anh có vùng đỏ rất nguy hiểm bởi dịch bệnh Covid-19", ông Dũng thông tin.

Theo đó, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã họp thống nhất, huyện Đông Anh cần áp dụng các biện pháp mạnh để chống nguy hiểm bởi Covid-19 lan ra diện rộng trên địa bàn huyện.

"Nếu như không quản lý tốt, Đông Anh sẽ không khác gì khu công nghiệp ở Bắc Ninh và TP Hồ Chí Minh. Do vậy, chỉ còn thời gian 10 ngày giãn cách xã hội, huyện Đông Anh cần phải áp dụng biện pháp mạnh", ông Dũng chia sẻ.

Đồng thời, Phó chủ tịch huyện Đông Anh cũng mong muốn, quá trình triển khai, áp dụng các biện pháp mạnh phòng chống Covid-19 trên địa bàn, nhân dân cùng đồng tình ủng hộ, cùng tự ý thức được việc nguy hiểm bởi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, việc siết chặt là để tự dân cư đang bảo vệ chính mình, bảo vệ cộng đồng.

Ngày 11/8, UBND huyện Đông Anh kí văn bản gửi UBND các xã, thị trấn, công an huyện, các phòng, ban, đơn vị liên quan, các cơ quan đơn vị, ngân hàng, doanh nghiệp trên địa bàn và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện về việc siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội trên địa bàn.

Theo đó, UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, các ngân hàng và công dân trên địa bàn huyện tiếp tục thực hiện nghiêm và quán triệt để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp khi đi đường phải chuẩn bị xuất trình giấy đi đường kèm theo: căn cước công dân/chứng minh thư, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh thực hiện theo phương án hoạt động "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường , 2 điểm đến". Các trường hợp chỉ được ra đường khi thực hiện nhiệm vụ cấp thiết theo yêu cầu của cơ quan, đơn vị giao.

Đối với nhân viên vận chuyển, cung ứng hàng hoá, nhu yếu phẩm, bán hàng lưu động yêu cầu giấy đi đường do chủ doanh nghiệp ký, đóng dấu và có xác nhận của Phòng Kinh tế huyện.

Đối với xe ô tô vận tải hàng hóa, tài xế và phụ xe phải có giấy tờ tuỳ thân, lịch trực hoặc lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, có giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR không quá 3 ngày; cam kết dừng đỗ, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp khi giao hàng, tiếp nhiên liệu, khai báo y tế bắt buộc và đảm bảo yêu cầu 5K .

Đối với lái xe mô tô hai bánh người điều khiển phải có CCCD/CMTND, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, có mã xác nhận của Sở GTVT bằng tin nhắn qua số điện thoại của lái xe.

Đối với xe vận chuyển nhu yếu phẩm của cá nhân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ xuất trình gồm: Giấy đi đường, có đề nghị của chủ cơ sở và xác nhận của UBND xã , thị trấn nơi cư trú; giấy phải ghi rõ thông tin tuyến đường, nơi đến, thời gian, mặt hàng, thông tin phương tiện và người điều khiển phương tiện.

Đối với người tham gia sản xuất, phục vụ sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi , kênh mương, thủy lợi...) nếu làm việc tại địa bàn cư trú: UBND xã có trách nhiệm xem xét cụ thể và cho phép đối với từng trường hợp và cấp giấy đi đường theo mẫu. Nếu sản xuất tại các trang trại, địa bàn xã khác thuộc huyện Đông Anh: Khuyến khích thực hiện "3 tại chỗ" tại nơi sản xuất; trường hợp không đủ điều kiện thực hiện "3 tại chỗ" thì UBND cấp xã nơi cư trú cho phép và có xác nhận của UBND xã nơi có hoạt động sản xuất đồng ý, chấp thuận.

Ban quản lý chợ /siêu thị có trách nhiệm liên hệ với UBND xã, thị trấn nơi tiểu thương, nhân viên Ban quản lý chợ cư trú để xác nhận vào giấy đi đường và gửi lại cho từng tiểu thương và người có liên quan sử dụng.

Trường hợp tiểu thương cần đi lấy hàng (khuyến khích lấy hàng tại 2 chợ đầu mối của huyện) về bán để phục vụ nhu cầu nhân dân tại các thôn, làng: UBND xã, thị trấn cấp giấy đi đường và chịu trách nhiệm với từng trường hợp; ghi rõ thông tin nơi tiêu thương đến lấy hàng, thời gian, khung giờ được phép đi lấy hàng.

Đối với các chợ dân sinh tại các thôn, làng do UBND các xã quản lý: Thực hiện "tự cung, tự cấp, tự tiêu" tại từng thôn, làng, không đến các thôn, xã khác để buôn bán.

Đối với nhân viên quản lý, bán hàng tại siêu thị: Giấy đi đường có xác nhận của UBND xã nơi đơn vị hoạt động. CCCD/CMTND, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Ngày 8/8/2021, UBND TP Hà Nội ban hành Công văn yêu cầu người ra đường phải có giấy đi đường kèm lịch trực, lịch công tác, giấy đi đường phải có xác nhận của xã/phường nhằm giảm lượng người ra đường, tận dụng khoảng thời gian “vàng” để thực hiện truy vết, khoanh vùng các ổ dịch và các nguồn có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.

Tuy nhiên, sau khi ban hành, một số nội dung tại văn bản chưa được các cơ quan, đơn vị thống nhất cách hiểu dẫn đến còn lúng túng trong triển khai thực hiện, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp cũng như yêu cầu phòng chống dịch bệnh.

Vì vậy, ngày 10/8, UBND TP Hà Nội đã có ban hành văn bản về việc thực hiện việc cấp và kiểm tra giấy đi đường. Theo đó, người dân ra chỉ cần xuất trình giấy tờ tùy thân kèm theo Giấy đi đường theo mẫu quy định.

Đối với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn thành phố: Người đứng đầu đơn vị cấp Giấy đi đường và chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu, quy định về phòng chống dịch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.