Thị trường

Lào đề xuất lập đoàn công tác làm việc với Việt Nam về khung giá mua điện

07/04/2024, 10:54

Đề xuất này được Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào đưa ra tại cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên sáng 7/4, tại Lào.

Tăng nhập khẩu điện từ Lào

Cuộc hội đàm giữa 2 bộ trưởng để trao đổi các giải pháp nhằm đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Việt Nam nhập khẩu điện từ Lào chủ yếu là thủy điện, thông qua thỏa thuận hợp tác liên Chính phủ năm 2016, với sản lượng điện khoảng 7 triệu kWh một ngày (chiếm 1-1,5% tổng sản lượng điện của Việt Nam).

Với tình hình nguồn điện Việt Nam có nguy cơ chậm tiến độ, mục tiêu của Quy hoạch điện VIII đặt ra là tăng nhập khẩu từ Lào. Cụ thể, tới năm 2030, dự kiến nhập khẩu khoảng 5.000 MW, có thể tăng lên 8.000 MW từ nước này khi có điều kiện thuận lợi với giá điện hợp lý để tận dụng tiềm năng nguồn điện xuất khẩu của nước bạn.

Lào đề xuất lập đoàn công tác làm việc với Việt Nam về khung giá mua điện- Ảnh 1.

Hai bộ trưởng đã ký kết Bản ghi nhớ giữa hai bên về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và khai thác khoáng sản.

Được biết, hiện có 7 dự án điện gió của Lào, tổng công suất gần 4.150 MW, muốn bán điện cho Việt Nam. Trong số này, có hơn 682 MW điện được nhà đầu tư đề nghị bán trước năm 2025, phần còn lại bán sau năm 2025.

Tại hội đàm, Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone mong muốn hai bên tăng cường hợp tác hơn nữa để cùng nhau lập kế hoạch, chương trình hợp tác cụ thể hơn, có thêm nhiều dự án, công trình hợp tác kiểu mẫu, hiệu quả.

Ông Phosay Sayasone đề xuất thành lập đoàn công tác để thúc đẩy tiến độ ban hành khung giá Việt Nam mua điện từ Lào sau năm 2025; thúc đẩy đấu nối đường dây điện 500kV từ Lào về Việt Nam theo Quy hoạch điện VIII của Việt Nam.

Bên cạnh đó, giải quyết một số vấn đề liên quan các nhà máy thủy điện Xecaman 1 và 3 - nhà máy do Việt Nam đầu tư tại Lào; hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm về thành lập cơ quan điều tiết điện lực; thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa từ Lào tới các cửa khẩu/cảng tại Quảng Trị và Huế; hỗ trợ hợp tác về công tác thanh tra; công tác quy hoạch và xây dựng bản đồ khoáng sản…

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đồng ý với các đề xuất của Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, đồng thời nêu thêm nhiều nội dung, giải pháp quan trọng.

Cụ thể, các nhóm công tác này hằng tháng, hằng quý phải trình lên lãnh đạo hai Bộ những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ và thường xuyên giải quyết thảo luận các vấn đề thông qua trực tuyến hằng tháng, hằng quý kết hợp gặp gỡ trực tiếp giữa lãnh đạo hai Bộ trong khoảng thời gian 6 tháng đến 1 năm. Hai bên cũng cần có văn bản ký kết, ghi nhớ và cụ thể hóa các nội dung hợp tác…

Về việc thúc đẩy tiến độ ban hành khung giá Việt Nam mua điện từ Lào sau năm 2025, ông Diên cho biết, hiện EVN đã hoàn thành nghiên cứu, dự thảo khung giá và đang gửi xin ý kiến Hội đồng thành viên EVN thông qua trước khi báo cáo Bộ Công thương.

"Sau khi có báo cáo chính thức của EVN, Bộ Công thương sẽ thẩm định và báo cáo Thủ tướng phê duyệt. Dự kiến đầu quý II năm nay, khung giá mua điện từ Lào sau 2025 sẽ chính thức được ban hành", ông Diên nói.

Theo nguồn tin của Báo Giao thông, Công ty Mua bán điện thuộc EVN đang đề xuất áp dụng nguyên mức giá trần mua nguồn thủy điện cho giai đoạn vận hành trước ngày 31/12/2025, là 6,95 cent/kWh. Còn với điện gió, mức giá đề xuất mới là 5,51 cent/kWh (khoảng hơn 1.377 đồng), giảm từ 6,95 cent/kWh.

Công ty Mua bán điện giải thích giá mới giảm là do suất đầu tư bình quân hàng năm của điện gió giảm khoảng 3,46%.

Lào đề xuất lập đoàn công tác làm việc với Việt Nam về khung giá mua điện- Ảnh 2.

Nhiều nhà đầu tư điện gió của Lào muốn bán điện cho Việt Nam.

Việt Nam đang nổi lên như một công xưởng của thế giới

Trong quan hệ Việt Nam - Lào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng khoáng sản là trụ cột quan trọng và việc hợp tác năng lượng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của hai nước.

Ông Diên giải thích, hiện Việt Nam rất cần điện và năng lượng để phục vụ phát triển sản xuất. Bởi Việt Nam đang nổi lên như một công xưởng của thế giới, là một trong 20 nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu và là một trong 15 quốc gia thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) nhiều nhất trong năm 2023 với tổng số vốn FDI lên tới 15 tỷ USD.

Đáng chú ý, những năm gần đây, quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh qua từng năm. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 732,5 tỷ USD. Năm 2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 681 tỷ USD, dù giảm hơn 6,9% so với năm 2022, nhưng vẫn ở top 20 nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Trong quý I/2024, tăng trưởng GDP gần 6%, sản xuất công nghiệp tăng 6%, ngành chế biến chế tạo tăng 6,8%; xuất siêu hơn 8 tỷ USD... Theo dự báo, xuất nhập khẩu năm 2024 có thể đạt 790 tỷ USD trong kịch bản tăng trưởng cao với những diễn biến kinh tế thuận lợi.

"Với tốc độ và quy mô phát triển như vậy, Việt Nam rất cần năng lượng để phát triển sản xuất. Dự báo đến năm 2030, quy mô nền kinh tế của Việt Nam tăng, nhu cầu về điện sẽ tăng gấp đôi hiện nay, đồng thời phải chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững. Để bảo đảm an ninh năng lượng, Việt Nam đã và đang phải đối mặt không ít thách thức", lãnh đạo Bộ Công thương giải thích tầm quan trọng hợp tác năng lượng với Lào.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.