Xã hội

Lắp camera trong phòng hỏi cung: Ngăn chặn được bức cung, nhục hình?

04/04/2018, 08:02

Theo quy định mới, hiện nay, Công an TP Hà Nội đã cho lắp đặt hệ thống camera, máy ghi âm, ghi hình...

24

Trung tướng Trần Văn Độ cho rằng nên để luật sư hoặc kiểm sát viên xuất hiện trong cuộc hỏi cung để đảm bảo tối đa sự khách quan (Ảnh minh họa)

Chờ hướng dẫn cụ thể việc lưu giữ file ghi âm, ghi hình

Theo quy định tại thông tư liên ngành Công an, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao và Bộ Quốc phòng, từ ngày 18/3, cán bộ hỏi cung bị can hay ghi lời khai người liên quan phải ghi âm, ghi hình có âm thanh.

Tại Hà Nội, hiện Công an TP đã cho lắp đặt camera, ghi âm, ghi hình thí điểm tại hàng chục phòng hỏi cung của 3 đơn vị: Công an quận Cầu Giấy, Phòng Cảnh sát hình sự và Trại tạm giam số 1. Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự cho biết, cùng với việc bắt đầu công tác hỏi cung, hệ thống ghi âm, ghi hình có âm thanh sẽ được ấn nút và kết thúc với cùng thao tác này. Những thông tin về cán bộ tham gia hỏi cung, bị cáo, bị can, người liên quan vụ án phải được kê khai đầy đủ trong phần mềm quản lý; toàn bộ hình ảnh, âm thanh sẽ được truyền về hệ thống trung tâm. Hệ thống trung tâm sẽ lưu trữ lại tất cả những buổi ghi âm, ghi hình.

Những hình ảnh, âm thanh trong buổi hỏi cung cũng sẽ được gửi đến hệ thống phòng điều hành. Từ đó, thủ trưởng cơ quan, cán bộ có trách nhiệm có thể kiểm tra, theo dõi việc thực thi của điều tra viên. Theo ông Giáp, với việc cuộc hỏi cung được ghi âm ghi hình, cán bộ điều tra sẽ phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, không thể có những lời nói, hành động, cử chỉ xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm với những người làm việc với mình. Còn đối với người đến làm việc với cơ quan điều tra, họ cũng sẽ tự tin hơn, hợp tác tốt hơn với cơ quan điều tra do cuộc hỏi cung đã được giám sát.

“Việc lưu giữ, bảo quản file ghi âm, ghi hình trong các buổi hỏi cung hiện đang là vấn đề khó khăn nhất. Vì hiện Công an Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước chưa nhận được văn bản hưởng dẫn cụ thể về việc lưu giữ, sử dụng các file này”, Đại tá Giáp cho biết thêm.

Trong khi đó, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Công an quận Cầu Giấy thông tin: “Do việc này hiện vẫn đang thí điểm, tất cả các thiết bị lắp đặt mới chỉ là bước khởi đầu nên chưa thể đánh giá tổng thể được. Phải để thống nhất, đi vào vận hành một thời gian rồi mới có thể rút kinh nghiệm, đánh giá, xem cần bổ sung những gì”.

Nên để luật sư hoặc KSV cùng dự buổi hỏi cung?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, quy định hỏi cung bị can phải ghi âm ghi hình là một bước tiến lớn, hạn chế bức cung, dùng nhục hình, tránh oan sai trong hoạt động điều tra, tố tụng. Thực tế, có rất nhiều bị can, bị cáo khi ra tòa đã khai là do bị bức cung, dùng nhục hình, gây khó khăn cho quá trình truy tố, xét xử.

Mặt khác, việc này cũng giúp cơ quan điều tra trong quá trình điều tra vụ án một cách khách quan, vô tư, không có ý kiến phải tranh luận lại ở phiên tòa. Thậm chí, theo luật sư, cần phải triển khai việc lắp đắt hệ thống camera, máy ghi âm, ghi hình ở tất cả các buồng cung của cơ quan điều tra và ngay cả trụ sở của cơ quan công an cũng cần phải có chứ không phải chỉ trang bị ở buồng hỏi cung hay nhà tạm giữ.

Thông tư liên tịch số 03/2018 của Bộ Công an,VKSND Tối cao, TAND Tối cao và Bộ Quốc phòng hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử có hiệu lực từ ngày18/3 vừa qua.

Theo nội dung thông tư, dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh là một bộ phận của hồ sơ vụ án hình sự. Kết quả ghi âm, ghi hình phải được bảo quản, lưu trữ đầy đủ tại hệ thống máy chủ để đảm bảo an toàn, bí mật. Khi kết thúc giai đoạn điều tra vụ án hình sự, giai đoạn truy tố, cán bộ chuyên môn sao chép dữ liệu kết quả vào thiết bị ngoại vi và bàn giao cho cán bộ hỏi cung. Cán bộ hỏi cung bàn giao thiết bị này cùng hồ sơ vụ án phục vụ điều tra, truy tố, xét xử.

Tuy thông tư liên tịch đã có hiệu lực nhưng cũng quy định chậm nhất đến ngày 1/1/2020, việc ghi âm hoặc ghi hình trong điều tra, truy tố, xét xử mới được áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

“Trước đây, khi chưa có quy định này, bản thân tôi đã tiếp xúc những vụ mà khi hỏi cung, cơ quan điều tra cũng đã tự ghi lại hình ảnh và âm thanh bằng điện thoại để làm bằng chứng, coi như đây là lời nhận tội của các đối tượng phạm tội, chứng minh bị can đó khai báo trong tình trạng tự nguyện để tránh việc sau này có lý do khác nhau rồi thay đổi lời khai”, luật sư Thơm cho hay.

Còn theo Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự T.Ư, người từ khi còn giữ cương vị ĐBQH đã nhiều lần đề xuất về việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung cho biết, qua thực tế xét xử, tại toà ít khi có việc bị can, bị cáo nhiều lần thay đổi lời khai, nhưng trong giai đoạn điều tra thì việc này khá phổ biến. Và nếu tiến hành ghi âm, ghi hình khi hỏi cung, sẽ hạn chế được tình trạng lời khai nhiều lần thay đổi, gây khó khăn cho quá trình tố tụng. Bên cạnh đó, mục đích rõ hơn của việc này là nhằm giảm tình trạng bức cung, dùng nhục hình, hạn chế oan sai. Quy định này không chỉ bảo vệ quyền của các bị can, bị cáo mà còn bảo vệ quyền của những người tham gia tố tụng khác như các nguyên đơn, bị đơn, người làm chứng...

Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn cho rằng, không nên kỳ vọng việc này sẽ hoàn toàn xóa bỏ được tình trạng bức cung, dùng nhục hình khi hỏi cung. Bởi thực tế hiện nay, ngoài bức cung, dùng nhục hình, điều tra viên có thể dùng thủ thuật hay biện pháp nghiệp vụ để bị can khai theo ý muốn của mình. Hoặc chẳng hạn hỏi cung một bị can 20 lần nhưng chỉ ghi âm, ghi hình 10 lần thì kiểm soát thế nào? Vì thế, cần quy định rõ thêm về sự xuất hiện của kiểm sát viên hay luật sư trong quá trình hỏi cung, như vậy sẽ đảm bảo tối đa sự minh bạch, tránh oan sai.

Cái khó nhất khi thực hiện quy định này, ông Độ cho rằng đó là yếu tố về cơ sở vật chất và làm sao để đảm bảo quá trình ghi âm, ghi hình khách quan, không bị trục trặc. Cùng với đó, cần có những hướng dẫn, quy định cụ thể để kết quả ghi âm, ghi hình không thể bị can thiệp, sửa chữa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.