Điện ảnh

Liên hoan phim VN: "Tro tàn rực rỡ" thắng Bông sen vàng, "Đất rừng phương Nam" tay trắng

25/11/2023, 23:22

Tối ngày 26/11, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 đã trao tổng cộng 37 giải thưởng cho phim và các cá nhân xuất sắc ở 4 thể loại: Phim truyện điện ảnh, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình.

Trong đó, riêng phim truyện điện ảnh chiếm 11 hạng mục giải thưởng và các cá nhân xuất sắc của phim truyện được trao cho 13 nghệ sĩ.

"Tro tàn rực rỡ" thắng lớn như dự đoán

Ở hạng mục phim truyện, sau những lùm xùm của "Đất rừng phương Nam" cùng với mặt bằng chung phim năm nay không thật đồng đều, thì bộ phim "Tro tàn rực rỡ" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên là một ứng cử viên nặng ký, không chỉ cho giải Bông sen vàng phim xuất sắc nhất, mà còn hướng đến giải đạo diễn xuất sắc nhất. 

Liên hoan phim VN: "Tro tàn rực rỡ" thắng Bông sen vàng, "Đất rừng phương Nam" trắng tay - Ảnh 1.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (thứ 2, bên trái) lên nhận giải Bông sen vàng cho phim "Tro tàn rực rỡ".

Bùi Thạc Chuyên cũng có ưu thế là bộ phim "Tro tàn rực rỡ" là phim điện ảnh đại diện Việt Nam được gửi đi dự sơ tuyển cho hạng mục Phim quốc tế hay nhất tại Giải Oscar lần thứ 96. 

Trước đó thì Dự án cho bộ phim đã từng vượt qua 27 dự án khác để đoạt giải thưởng xuất sắc nhất ở hạng mục Asian Project Market, với trị giá 15.000 USD tại Liên hoan phim quốc tế Busan vào năm 2017.

Tiếp theo đó là giải thưởng Inaugural Southeast Asia Co-Production Grant do Ủy ban Điện ảnh Singapore (SFC) trao tháng 11 năm 2019.

Bộ phim cũng đã thâu tóm giải Cánh diều vàng cho bộ phim hay nhất và đạo diễn xuất sắc nhất, nhưng chính giải thưởng Khinh khí cầu vàng dành cho tác phẩm tại Liên hoan phim quốc tế Ba châu lục tại thành phố Nantes (Pháp) tháng 11 năm 2022 mới là điểm nhấn ấn tượng của phim, cho dù phim không có doanh thu khả quan. 

Thế nên việc đạo diễn Bùi Thạc Chuyên lập cú đúp Bông sen vàng cho phim hay nhất và giành giải đạo diễn xuất sắc nhất là điều không bất ngờ.

Ngoài ra "Tro tàn rực rỡ" còn thâu tóm các giải quay phim xuất sắc cho Nguyễn K’Linh, nam diễn viên phụ xuất sắc cho diễn viên Lê Công Hoàng, âm nhạc xuất sắc nhất cho nhạc sĩ Tôn Thất An.

Đoàn làm phim "Tro tàn rực rỡ" tại thảm đỏ (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Đoàn làm phim "Tro tàn rực rỡ" tại thảm đỏ (Ảnh: TT)

"Mẹ ơi, Bướm đây" phim art house của hiếm, chiếm Bông sen bạc 

Tuy nhiên một bộ phim đặc sắc, mang tính nhân văn và hướng đến dòng phim nghệ thuật với toàn bộ là quay đen trắng của đạo diễn Lưu Huỳnh mang tên "Mẹ ơi, Bướm đây" là một phim rất đáng xem và cũng có thể cạnh tranh được với "Tro tàn rực rỡ". Vì đây là dòng phim art house hiếm thấy ở Việt Nam. 

Rất tiếc là công chúng Việt Nam ít chú ý phim này. Nhưng Ban Giám khảo đã công nhận bộ phim này bằng giải Bông sen bạc. 

Hai nữ diễn viên trong phim là Đinh Y Nhung với vai bà mẹ bị bại não và Mai Cát Vi trong vai cô con gái nhỏ đã cùng giành giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. 

Đinh Y Nhung trong vai bà mẹ đã diễn xuất thần, lột xác trong một vai diễn hết sức khó khăn. Bộ phim chinh phục khán giả bởi sự nỗ lực vượt lên số phận của con người, mang đậm tình mẫu tử và giàu tính nhân văn.

Diễn viên Đinh Y Nhung (thứ 2 từ trái qua) - Đoàn phim Mẹ ơi, Bướm đây trên thảm đỏ bế mạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23  (Ảnh: TT)

Diễn viên Đinh Y Nhung (thứ 2 từ trái qua) - Đoàn phim Mẹ ơi, Bướm đây trên thảm đỏ bế mạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23.

Giải Bông sen bạc cũng cho thấy sự cân bằng giữa dòng phim thị trường và nhà nước. Ứng cử viên của dòng phim nhà nước là "Hồng Hà nữ sĩ" và "Đào, phở và piano", nhưng "Đào, phở và piano" có ưu thế hơn khi lấy đề tài về thủ đô kháng chiến. Một hình thức để một bộ phận công chúng bỏ qua những lùm xùm của phim "Đất rừng phương Nam" nhanh chóng và là một chọn lựa an toàn. 

Bộ phim cũng cho thấy tay nghề cao của đạo diễn Phi Tiến Sơn khi bối cảnh phim chỉ diễn ra vỏn vẹn trong một ngày đêm.

Galaxy tài trợ Liên hoan phim, "Em và Trịnh" có giải Bông sen bạc

Năm nay, Galaxy tài trợ cho Liên hoan phim. Về mặt phim thị trường, Ban Giám khảo có lẽ sẽ tránh những phim có nhiều tranh cãi nhưng phim cũng phải có doanh thu tốt. 

Có lẽ chính vì thế, "Em và Trịnh" của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh được chọn lựa cho giải Bông sen bạc, bởi lẽ những tranh cãi, kiện tụng của phim chỉ xoay quanh những câu chuyện của cá nhân nghệ sĩ, không động chạm đến những đề tài nhạy cảm như lịch sử, dân tộc…

Với ba bộ phim được giải Bông sen bạc là "Em và Trịnh", "Mẹ ơi, Bướm đây", "Đào, phở và piano" thì bộ phim "Con Nhót mót chồng" của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng được bằng khen của Ban Giám khảo và Thái Hòa trong vai ông bố Xỉn được vinh danh nam diễn viên xuất sắc nhất cũng là sự cân bằng hợp lý. 

Liên hoan phim VN: "Tro tàn rực rỡ" thắng Bông sen vàng, "Đất rừng phương Nam" tay trắng - Ảnh 5.

"Em và Trịnh" của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh (bìa trái) được chọn lựa cho giải Bông sen bạc.

Thái Hòa trong phim này đóng vai ông bố đơn thân không phải là vai diễn mới mẻ của anh, nhưng anh diễn thật sự đằm sâu và lấy được tình cảm của khán giả. Thái Hòa có lẽ đang ở độ chín của nghề nghiệp.

Nhìn chung giải nam, nữ diễn viên chính xuất sắc được cân nhắc theo kiểu có diễn viên của phim nghệ thuật và có diễn viên của phim thị trường và ngoài tài năng diễn xuất thì sẽ chọn những nghệ sĩ ít gây sóng gió dư luận nếu trao giải.

Trưởng Ban Giám khảo thể loại phim truyện Đào Bá Sơn cho biết: "Chùm phim dự thi Liên hoan Phim Việt Nam năm nay khá phong phú, đa dạng về đề tài, từ dòng phim lịch sử đến phim chiến tranh vệ quốc, phim tâm lý xã hội và đặc biệt là dòng phim về cuộc sống đương đại, cuộc sống ngày hôm nay.

Rất nhiều phim có nội dung tư tưởng và nghệ thuật được thể hiện khá sâu sắc, hướng tới nhân văn thông qua hệ thống nhân vật, khai thác cái đẹp, sự nhân ái và đặc biệt là đi sâu vào vẻ đẹp trong tâm hồn Việt Nam, con người Việt Nam cùng với bối cảnh, âm nhạc và âm thanh,… tạo nên một tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

Liên hoan phim VN: "Tro tàn rực rỡ" thắng Bông sen vàng, "Đất rừng phương Nam" tay trắng - Ảnh 6.

Ê kíp phim "Đất rừng phương Nam" có mặt tại thảm đỏ, tuy nhiên phim ra về tay trắng. (Ảnh: TT)

Liên hoan phim Việt Nam năm nay có rất nhiều bộ phim hay và chất lượng nghệ thuật được nâng cao, có nhiều sáng tạo hướng tới ngôn ngữ điện ảnh, nhiều tìm tòi độc đáo trong cách kể một câu chuyện. Đội ngũ làm phim từ sản xuất, biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim, âm nhạc, âm thanh và dựng phim... ngày càng chuyên nghiệp".

Tuy vậy, có lẽ để cho dư luận một bộ phận công chúng không lên tiếng phản đối sau những tranh cãi lùm xùm, bộ phim "Đất rừng phương Nam" đã trắng tay.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đạt giải tác giả kịch bản xuất sắc

Ở thể loại phim tài liệu, có thể thấy rất nổi bật là bộ phim "Những đứa trẻ trong sương" của nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm, có nội dung xoay quanh tập tục "bắt vợ" của cộng đồng người dân tộc Mông. 

Bộ phim làm trong hơn ba năm và lập kỷ lục với phim tài liệu Việt Nam là nằm trong shortlist 15 Phim tài liệu xuất sắc tại giải Oscar lần thứ 95. Dĩ nhiên bộ phim không lọt vào danh sách 5 bộ phim cuối cùng tranh giải, nhưng bản thân bộ phim có một danh tiếng vượt xa những phim tài liệu khác nên Bông sen vàng cho phim là điều dễ hiểu.

Ở thể loại phim hoạt hình, đạo diễn Nguyễn Quang Trung đã đạt giải Bông sen bạc cho bộ phim "Nụ cười" và cũng trở thành đạo diễn xuất sắc nhất. Ngoài bộ phim có nội dung hay, mới lạ, đạo diễn Nguyễn Quang Trung còn khiến cho Ban Giám khảo ấn tượng khi anh cũng là người thiết kế, dựng phim... thể hiện sự đa tài trong nhiều lĩnh vực. 

Liên hoan phim VN: "Tro tàn rực rỡ" thắng Bông sen vàng, "Đất rừng phương Nam" tay trắng - Ảnh 7.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã đạt giải tác giả kịch bản xuất sắc nhất cho bộ phim hoạt hình "Cây ổi thiên đường".

Một điều đặc biệt nữa là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã đạt giải tác giả kịch bản xuất sắc nhất cho bộ phim hoạt hình "Cây ổi thiên đường". 

Chủ tịch Ban Giám khảo thể loại phim hoạt hình PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú nhận xét: "Có thể nói các nhà làm phim đã và đang cố gắng làm mới cách thể hiện, cách kể chuyện và cả cách xử lý màu sắc, chất liệu. Nhiều chi tiết thú vị được quan tâm tạo dấu ấn của sáng tạo trong tác phẩm dự thi. 

Tuy nhiên, vẫn còn có tác phẩm theo cách nhìn cũ, cách thể hiện không mới nên nhạt nhòa chưa thật ấn tượng; một số phim còn nặng về tính minh họa nội dung nên thiếu ngôn ngữ điện ảnh và đó chính là sự khác biệt giữa những bộ phim giành giải thưởng và phim chưa đoạt giải".

Những hoạt động song hành sôi nổi

Trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23, nhiều hoạt động sôi nổi đã diễn ra. Có hai hội thảo về "Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh" và "Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam". 

Những đại biểu tham dự hai hội thảo này đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp thiết thực với mong muốn nền điện ảnh Việt Nam ngày một khởi sắc.

Nhiều hoạt động thu hút đông đảo khán giả như triển lãm "Đà Lạt - Khơi nguồn cảm hứng điện ảnh" diễn ra tại Quảng trường Lâm Viên cùng với những buổi chiếu phim miễn phí ở thành phố Đà Lạt và huyện Đức Trọng của tỉnh Lâm Đồng.

Liên hoan phim VN: "Tro tàn rực rỡ" thắng Bông sen vàng, "Đất rừng phương Nam" tay trắng - Ảnh 8.

Liên hoan phim VN: "Tro tàn rực rỡ" thắng Bông sen vàng, "Đất rừng phương Nam" tay trắng - Ảnh 9.

Hội thảo xây dựng điện ảnh công nghiệp Việt Nam (Ảnh: Báo Lâm Đồng).

Tuy nhiên, sự gắn bó, yêu mến của khán giả có thể thấy rõ qua hai buổi giao lưu của đoàn làm phim "Em và Trịnh" tại Đại học Đà Lạt và đoàn làm phim "Đào, phở và piano" tại trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng. 

Tại hai buổi giao lưu này, các công chúng trẻ tuổi là các em sinh viên, học sinh đã đặt ra nhiều câu hỏi, xin chữ ký, chụp hình lưu niệm, trong đó đặc biệt quan tâm đến công việc sản xuất ra một bộ phim là như thế nào. 

Có những khán giả nhiệt tình, vô tư và yêu điện ảnh như vậy, là cơ sở để cho điện ảnh Việt Nam càng vững tin hướng đến đông đảo công chúng, phục vụ cho những nhu cầu tinh thần khác nhau của công chúng. 

Thành công của Liên hoan phim lần này không chỉ là tìm được những cá nhân và tác phẩm xứng đáng để trao giải thưởng, mà còn là sự ghi nhận những sáng tạo mới của điện ảnh Việt Nam thời đương đại. 

Đặc biệt, một thành công dễ nhận thấy nhất, đó chính là sự khẳng định khán giả luôn yêu mến và chưa bao giờ không quan tâm đến điện ảnh Việt Nam.

Việc UBND tỉnh Lâm Đồng trao giải thưởng "Lâm Đồng – Cao nguyên hùng vĩ dành cho phim truyện có bối cảnh được quay tại Lâm Đồng hay nhất trong số các phim tham gia Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 23 cũng là động lực khuyến khích biến địa phương thành một phim trường cho điện ảnh. 

Bộ phim "Em và Trịnh" được trao giải thưởng này không chỉ là sự tôn vinh cho một miền đất đẹp, mà còn là sự vinh danh một người nghệ sĩ lớn của dân tộc là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có một quãng đời gắn bó với Đà Lạt.

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 khép lại thành công và hai năm sau, đông đảo công chúng ở một địa phương sôi động bậc nhất cả nước sẽ được đón nhận Liên hoan phim lần thứ 24, đó chính là TP.HCM.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.