Y tế

Liên tiếp trẻ đuối nước, sơ cứu cách này là hại con

12/06/2023, 11:38

Không ít trẻ đuối nước nguy kịch, thậm chí tử vong vì cách sơ cứu vác ngược trẻ trên vai, chạy vòng quanh của người lớn.

Sai lầm sơ cứu vác ngược trẻ đuối nước trên vai

TS.BS. Phan Hữu Phúc, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khoẻ Trẻ em, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong tuần đầu tháng 6, khoa Điều trị tích cực Nội khoa đã tiếp nhận 7 trẻ nhập viện trong tình trạng rất nặng và nguy kịch do đuối nước tại bể bơi và ao hồ. Trong số này, có 3 trẻ ngừng tim kéo dài và 4 trẻ suy hô hấp nguy kịch. Đáng nói, chỉ có duy nhất 1 trẻ đuối nước được sơ cứu đúng cách và trẻ đã bình phục sau đó rất nhanh.

img

Sơ cứu đúng cách giúp trẻ đuối nước có cơ hội phục hồi nhanh (ảnh minh họa))

Bé C.T (5 tuổi, Hà Nội) bị đuối nước được cấp cứu tại bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, suy tuần hoàn, tiên lượng rất nặng nề. Gia đình cho biết, khi cho bé ra bể bơi, chỉ vài phút sơ suất, bé đã bị đuối nước và đưa lên bờ trong tình trạng không tỉnh, tím tái, ngừng tim, ngừng thở. Sau khi sơ cứu dốc ngược chạy quanh bể nhưng không cải thiện, trẻ mới được đưa đến một bệnh viện cách đó khoảng 5 phút di chuyển.

Tim trẻ đập trở lại sau 15 phút hồi sức tim phổi, đặt nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Dù các bác sĩ đã nỗ lực điều trị để giữ lại mạng sống cho trẻ, nhưng các di chứng thần kinh vẫn có thể xảy ra.

7 bước sơ cứu trẻ đuối nước hiệu quả

1. Đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng trong tư thế đầu thấp. Cởi bỏ quần áo bị ướt và giữ ấm cho trẻ bằng chăn mền hoặc vải, áo quần khô để tránh trẻ bị hạ thân nhiệt. Tuyệt đối không bế dốc lên hoặc bế chạy ngược như truyền miệng.

2. Cần đảm bảo đường thở thông thoáng bằng việc lấy sạch đờm dãi và các dị vật ở miệng và mũi. Khi thực hiện, người cứu hộ cần hết sức bình tĩnh, không làm tổn thương thêm đường hô hấp của trẻ.

3. Đánh giá trẻ bằng cách nhìn nghe và cảm nhận: lay gọi, quan sát lồng ngực trẻ, nếu không thấy di động hoặc nếu trẻ bất tỉnh, cần tiến hành hồi sức tim phổi ngay lập tức.

4. Thực hiện hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt liên tục 2 lần cùng với xoa bóp tim ngoài lồng ngực: hai bàn tay chồng lên nhau và đặt giữa ngực trẻ, ấn mạnh xuống khoảng 2 – 3 cm với nhịp điệu 2 lần/giây.

5. Ngay sau khi hô hấp nhân tạo cần kiểm tra mạch đập của trẻ tại một trong các vị trí như mạch quay ở cổ tay, mạch cảnh ở cổ và mạch bẹn hoặc sờ vào lồng ngực trái để cảm nhận xem tim còn đập không. Khi không bắt được mạch hoặc thấy tim ngừng đập cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực kèm theo hô hấp nhân tạo.

6. Trong trường hợp trẻ còn tỉnh táo, cần đặt trẻ tư thế dẫn lưu nghiêng đầu trẻ sang bên, trẻ có thể tự thở trở lại.

7. Cần gọi hỗ trợ cấp cứu 115 hoặc các chuyên gia/bác sĩ quen biết.

Tại đây, các bác sĩ đang điều trị cho bé B.M (20 tháng tuổi, Ninh Bình) bị đuối nước và cũng được sơ cứu bằng cách vác ngược chạy vòng quanh. Sau khi sơ cứu không hiệu quả, bé M. mới được đưa tới viện. Tuy nhiên, thời gian tới viện kéo dài nên tình trạng của bé rất nguy kịch, tiên lượng di chứng thần kinh nặng nề.

Trong số bệnh nhi đuối nước được cấp cứu tại bệnh viện Nhi Trung ương, bé G.B (9 tuổi, Hà Nội) may mắn nhất khi được sơ cứu ép tim, thổi ngạt liên tục và đúng cách bởi 2 thầy giáo dạy bơi. Nhờ vậy, khi được chuyển tới viện dù trong tình trạng nguy kịch nhưng chỉ sau 2 ngày hồi sức, bé B. đã hồi phục.

Sơ cứu trẻ đuối nước đúng cách, cứu mạng trẻ

TS. BS. Phan Hữu Phúc cho biết, một thực tế đáng báo động là mặc dù đã được ngành y tế các cấp truyền thông rộng rãi nhiều năm nay nhưng vẫn còn rất nhiều người chưa nắm được kỹ năng cấp cứu đúng khi tiếp cận xử trí một trẻ bị đuối nước.

Nhiều trường hợp trẻ đuối nước dù không tỉnh, không thở nhưng vẫn không được cấp cứu ngừng tim ngay, thay vào đó là bế dốc chạy vòng quanh, làm chậm trễ cấp cứu, tăng nguy cơ trào ngược và trẻ hít phải các chất dịch từ dạ dày vào phổi.

BS. Phúc nhấn mạnh: "Sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ đuối nước rất quan trọng vì nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ đuối nước là tổn thương não do thiếu oxy. Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng từ 3-5 phút, nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh. Do đó, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay vì đây là thời điểm vàng để cứu sống trẻ”.

Để hồi sức thành công được các trường hợp ngừng tim do đuối nước cần áp dụng phối hợp rất nhiều các biện pháp hồi sức tích cực. Bên cạnh các biện pháp hồi sức thường quy, tại bệnh viện Nhi Trung ương đã áp dụng liệu pháp hạ thân nhiệt chủ động theo đích, nghĩa là dùng các thiết bị đưa thân nhiệt cơ thể trẻ giảm xuống 33-34 độ C trong một vài ngày để bảo vệ não, tránh não tổn thương nặng hơn, giúp hồi phục trở lại.

Tuy nhiên, chỉ định và hiệu quả của liệu pháp hạ thân nhiệt phụ thuộc vào thời gian trẻ ngừng tim và trẻ có được hồi sức tim phổi kịp thời và đúng cách hay không.

Để giảm thiểu hệ lụy tai nạn đuối nước cho trẻ trong mùa hè, các bác sĩ Nhi khoa khuyến cáo, cha mẹ không nên để trẻ chơi một mình mà không giám sát, đậy kín các chum vại nước xung quanh nhà, không cho trẻ chơi gần ao hồ, tốt nhất nên dạy cho trẻ tập bơi để tránh những tai nạn không mong muốn.

Trẻ nhỏ đi đến hồ bơi nên đi cùng người lớn, chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ, đặc biệt cần tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi.

Đối với trẻ lớn, trường học và gia đình cần giáo dục cho các em về nguy cơ tai nạn thương tích, cách phòng tránh.

Đặc biệt, mỗi người nên tự trang bị những kiến thức, kỹ năng sơ cứu đuối nước để xử trí kịp thời và đúng cách khi gặp tình huống khẩn cấp, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.