Bộ trưởng Công thương nói đủ nguồn cung, nhiều cửa hàng vẫn ngừng bán
Theo ghi nhận, đến ngày 10/2 nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các tỉnh như Long An, Cà Mau, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, TP. HCM,… vẫn còn nhiều cây xăng treo biển hết xăng hoặc bán nhỏ giọt.
Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM thừa nhận vẫn còn một vài cây xăng ở TP. HCM đang thiếu hàng. Đơn cử, kiểm tra ngày 10/2 có 7 cửa hàng thiếu xăng RON 95 và 2 đơn vị đang tạm ngưng để hoàn thành hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Tương tự, tại Cà Mau, Sở Công thương tỉnh Cà Mau thông tin, qua rà soát có 7 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn đã dừng hoạt động, đều là những cửa hàng xăng dầu tư nhân, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn nhiên liệu.
Bộ trưởng Công thương chỉ đạo kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ, rút giấy phép đối với các cơ sở kinh doanh vi phạm (ảnh minh họa)
Đơn cử như Công ty TNHH Lý Tấn Tài, đơn vị là thương nhân phân phối xăng dầu cho hơn 60 đại lý bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và Cà Mau… không thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong thời gian tới.
“Nguồn hàng xăng dầu của doanh nghiệp được mua chính từ các đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Nhưng trong thời gian gần đây, các đầu mối nhập khẩu xăng dầu không đủ nguồn cung nên đều từ chối cung cấp hàng cho thương nhân phân phối và đại lý”, Công ty Lý Tấn Tài nêu rõ.
Cũng theo Công ty Lý Tấn Tài, hiện nguồn hàng dự trữ của đơn vị đã gần hết. Doanh nghiệp đã cố gắng liên hệ mua của hơn 25 đầu mối nhập khẩu xăng dầu, nhưng các đầu mối nhập khẩu đều không bán hàng.
Sở Công thương Cà Mau cũng đã gửi văn bản tới Bộ Công thương đề nghị hỗ trợ cung ứng xăng dầu do tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh hết sức khó khăn.
Còn tại Vĩnh Long, đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Công thương cho biết, phát hiện một số cửa hàng đã không còn hàng trong bồn để bán, trong quá trình chờ đơn vị đầu mối tiếp thêm đã "treo biển hết xăng". Và một vài nơi khác còn hàng nhưng không mở bán với nhiều lý do khác nhau.
Đoàn kiểm tra cũng đã kiểm tra tại Sóc Trăng và phát hiện hai trụ xăng RON 95 trong 4 trụ xăng của Công ty TNHH Hữu Lộc tại ấp An Hoà (xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) hết hàng, nhưng 2 cây khác vẫn còn tồn khoảng 7.000 lít xăng E5 RON 92 trong bể chứa, song cửa hàng vẫn "treo biển không bán". Chủ cây xăng lý giải là do đơn vị đầu mối mới cung cấp hàng nên chưa kịp mở bán.
Tình trạng các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động cũng đang diễn ra tại tỉnh An Giang, theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh này.
Một số thương nhân phân phối xăng dầu cho biết, bên cạnh việc thiếu nguồn cung thì việc cắt giảm hoa hồng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều cửa hàng đóng cửa…
Trước đây bán một lít xăng được hưởng chiết khấu (hoa hồng) 200-1.000 đồng. Nhưng, hiện nay, khi giá thế giới tăng mạnh, hầu hết đầu mối đều giảm mức hoa hồng xuống rất thấp. Trước Tết, một số đầu mối duy trì chiết khấu chỉ 100-150 đồng một lít xăng, dầu tuỳ loại, giờ kéo về 0 đồng...
Bộ Công thương đã thiếu linh hoạt trong điều hành?
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng, để xảy ra tình trạng khan hàng tại một số cửa hàng xăng dầu tại các tỉnh phía Nam trong thời gian qua là do thiếu tính linh hoạt trong điều hành của Bộ Công thương.
Ở chỗ, thời điểm điều hành giá xăng dầu rơi đúng vào Kỳ nghỉ Tết Nhâm dần 2022, nên đã bỏ qua, cho kéo dài sang chu kỳ kế tiếp là vào ngày 11/2. Thế nên đã xảy ra tình trạng giữ hàng để bán khi giá tăng.
Bên cạnh đó, còn có một số lý do khác như nhà máy lọc dầu tạm ngưng hoạt động... Tuy nhiên, mọi cái đều có giải pháp nếu nhà điều hành linh hoạt hơn trong thời gian qua.
Còn PGS.TS kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhấn mạnh, Bộ Công thương cần phối hợp các cơ quan, giải thích rõ về nguồn cung, quản lý xăng dầu để doanh nghiệp yên tâm, giá cả không biến động lớn, người tiêu dùng yên tâm.
Như vậy, thì kể cả doanh nghiệp muốn dừng lại, làm giá cũng không thể làm được.
Về lâu dài, cần xây dựng nguồn dữ liệu, kho lưu trữ xăng dầu để đáp ứng tiêu dùng ít nhất 3-6 tháng, thậm chí là 1 năm thì mới có thể đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai vững chắc.
Trước diễn biến này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu không để thiếu xăng dầu trong mọi hoàn cảnh. Do đây là mặt hàng chiến lược quan trọng, tác động lớn đến đời sống và nền kinh tế, nên phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ.
Lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh: “Việc để một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân tại một số địa phương như phản ánh của dư luận trong thời gian qua thuộc trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của Bộ Công thương”.
Thực tế cho thấy, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có công điện từ trước Tết về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Hay tại cuộc họp chiều 9/2, lãnh đạo Bộ Công thương "trấn an" dư luận khi cho rằng "đủ nguồn cung xăng dầu trong nước" và nói: “Sẽ truy tới cùng với những hành vi găm hàng trục lợi. Các cơ sở kinh doanh nếu bị phát hiện sai phạm có thể bị đình chỉ, tạm đình chỉ, hoặc rút giấy phép”.
Vậy, điều gì đang xảy ra khi tình trạng nhiều của hàng xăng dầu tại nhiều địa phương đóng cửa, không bán hàng…?
Lỗ hỗng ở đâu?
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu cho biết, Hiệp hội có hơn 40 thành viên, chiếm 85% sản lượng lưu thông trong nước. Đến thời điểm này không thiếu nguồn cung xăng dầu, tuy nhiên, mức độ không đồng đều.
Chủ tịch Hiệp hội nhận định, thương nhân phân phối xăng dầu (TNPPXD) gặp khó khăn trong tiếp cận đầu vào.
Trước thực tế trên, một chuyên gia xăng dầu nhìn nhận, diễn biến đang thể hiện rõ lỗ hổng trong công tác quản lý hệ thống xăng dầu và vấn đề này không phải mới mẻ bởi đã được cảnh báo từ trước.
Dẫn chứng góp ý của ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, vị này cho biết, ông An đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề này.
Cụ thể, ông An kiến nghị: “Bỏ cấp giấy phép và bỏ loại hình TNPPXD đang được quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP vì TNPPXD là loại hình trung gian, nhiều tầng nấc, không phải dạng doanh nghiệp đầu mối nơi phát nguồn hàng hóa xăng dầu.
Nếu loại bỏ được loại hình TNPPXD này sẽ giảm thiểu được tối đa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tránh được tình trạng khi thiếu nguồn cung trong nước, bởi loại hình thương nhân này chỉ mua từ các đầu mối và bán lại cho các đại lý”.
Có thể thấy, khi khan hiếm nguồn cung, các đầu mối sẽ chỉ đảm bảo cho hệ thống của mình trước. Lúc này TNPPXD sẽ gặp khó khăn cho hệ thống của mình, từ đó, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.
Điều này cũng được thể hiện ở báo cáo của Sở Công thương Cà Mau khi cho biết, các TNPPXD không mua được xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, nên không đảm bảo việc cung cấp kịp thời, đủ lượng xăng dầu cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ và thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu để phục vụ người dân trong tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh.
Vấn đề về hệ thống, Bộ Công An cũng đã đề xuất tới Bộ Công thương bỏ bớt đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu, nhằm tránh tình trạng “trăm hoa đua nở” khi Việt Nam có tới 38 doanh nghiệp, trong khi nhiều nước công nghiệp phát triển có số lượng doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu ít hơn nhiều.
Đơn cử như Hàn Quốc chỉ có 5 doanh nghiệp; Trung Quốc 5 doanh nghiệp; Nhật Bản 4 doanh nghiệp; Singapore 5 doanh nghiệp…
Chuyện "lạ" trên thị trường xăng dầu
Theo một chuyên gia xăng dầu, theo quy định điều hành giá, cấu thành giá bán lẻ đã bao gồm có chi phí vận tải, bảo hiểm và các chi phí khác, trong có có cả phí chiết khấu cho đại lý và lợi nhuận của đầu mối ( 300 đồng/lít)….
Vì vậy, không có lý do gì mà đầu mối không chiết khấu cho đại lý bán lẻ. Nếu chiết khấu 0 đồng thì đại lý không bán là đúng, vì họ không có lợi nhuận, thậm chí còn lỗ, vì còn chi phí xe bồn đến lấy hàng, trả tiền lương công nhân, và các chi phí khấu hao cửa hàng…).
Còn ở khâu phân phối, Cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Công thương) là đơn vị cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu thì phải nắm rõ các đại lý của các đầu mối.
Theo quy định, đăng ký cấp phép đầu mối là phải có tối thiểu 40 đại lý và 10 cửa hàng trực thuộc; Còn thương nhân phân phối xăng dầu (TNPPXD) thì phải có 10 đại lý và 5 cửa hàng trực thuộc…..
Như vậy, thương nhân đầu mối hoặc TNPPXD nào mà không có hàng hoặc cấp hàng trong hệ thống của mình mà chiết khấu 0 đồng/lít thì cơ quan QLNN theo quy định sẽ tước hoặc rút giấy phép kinh doanh xăng dầu...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận