Đường bộ

Loạt dự án giao thông chờ chuyển đổi rừng

10/10/2023, 06:02

Các chủ đầu tư, nhà thầu kỳ vọng thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sớm được chấp thuận, sớm gỡ nút thắt mặt bằng, tạo đà cho các dự án giao thông trọng điểm tăng tốc.

Vướng đất rừng, chưa thể bứt tốc

Hơn 3 tháng kể từ ngày khởi công, phạm vi thi công của Công ty CP Tập đoàn Cienco4 tại dự án đường bộ cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột vẫn chưa thể khởi động do khó khăn về mặt bằng.

Loạt dự án giao thông chờ chuyển đổi rừng - Ảnh 1.

Dự án tăng cường kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc đi qua các địa phương Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái đang chậm tiến độ do nhà thầu phải nằm chờ làm thủ tục chuyển đổi đất rừng mới có mặt bằng thi công. Ảnh: Tạ Hải.

Ông Ngô Thiết Quang, Phó giám đốc điều hành gói thầu XL03 thuộc Tập đoàn Cienco4 cho biết, đơn vị đảm nhận thi công hơn 2,4km. Trong đó, hơn 0,7km thuộc phạm vi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đang chờ hoàn thiện thủ tục. Phần mặt bằng còn lại đang chờ địa phương thực hiện công tác đền bù các hộ dân.

"Thiết bị, nhân lực dù đã được huy động đủ, song công tác thi công xây lắp chưa thể tiến hành", ông Quang nói và cho biết, việc chưa có mặt bằng thi công dẫn đến công tác triển khai chậm 3 tháng so với kế hoạch.

Tham gia thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn, ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc điều hành gói thầu XL11 thuộc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cũng đang đứng ngồi không yên khi một phần phạm vi công địa đang "án binh bất động" chờ hoàn thiện thủ tục trình phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Vướng mắc hiện nay là khối lượng đất điều phối cho công tác đắp nền đường đang nằm trong phạm vi rừng tự nhiên (Km18 - Km21). Trong phạm vi này, tổng khối lượng đất điều phối đào đắp khoảng 1,7 triệu m3, đá tận dụng khoảng 1,3 triệu m3.

Theo tiến độ, đầu tháng 6/2023, nhà thầu triển khai đến đoạn tuyến nói trên.Song, việc phải chờ thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đã khiến công tác thi công chậm 4 tháng.

Có công địa thi công trải dài hơn 200km qua địa phận 3 tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của dự án tăng cường kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc cũng gặp thách thức lớn.

Ông Lê Thắng, Giám đốc Ban QLDA 2 cho biết, tổng diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng của toàn dự án lên đến khoảng hơn 106ha.

Theo thiết kế, trong tổng số 9 triệu m3 đất đá đào tại dự án, có tới 5 triệu m3 cần thi công hiện đang vướng đất rừng. Vì thế sản lượng thi công toàn dự án hiện mới đạt khoảng 20% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 8%.

"Nếu đầu tháng 10/2023, việc chuyển đổi chưa được chấp thuận, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo để thi công, dự án sẽ khó đáp ứng được thời hạn của Hiệp định đã ký kết với nhà tài trợ ADB", ông Thắng nhận định và cho biết, tháng 8/2023, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án. Hiện, Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT rà soát lại, đánh giá đầy đủ và cụ thể về cơ sở pháp lý.

Ông Hoàng Huy Hiệp, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai bày tỏ: "Rất mong các cấp, các ngành quan tâm, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng 32,46ha rừng".

Còn tại tỉnh Lai Châu, công tác bàn giao mặt bằng đạt 62,69/83,65km (76,2%) cho 5 gói thầu xây lắp. Mặt bằng bàn giao không liên tục, "xôi đỗ" do liên quan đất rừng, đang chờ Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển đổi.

Gỡ dần nút thắt

Ông Phan Tất Thành, Trưởng phòng Điều hành dự án 4 (Ban QLDA 6) cho biết, theo hồ sơ đã được UBND các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk tổ chức thẩm định và trình Bộ NN&PTNT, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phục vụ dự án cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 là gần 197ha, chiếm khoảng 22% tổng diện tích GPMB của dự án.

Loạt dự án giao thông chờ chuyển đổi rừng - Ảnh 2.

Máy móc của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương nằm không ở công trường dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc vì không có mặt bằng thi công.

Trong đó, diện tích cần chuyển đổi trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà là hơn 27ha, tỉnh Đắk Lắk hơn 169ha. Hiện diện tích bàn giao mặt bằng dự án thành phần 1 và thành phần 3 đã đạt trên 70%, đáp ứng yêu cầu.

Riêng dự án thành phần 2, trên tổng diện tích GPMB là 322ha, tỷ lệ bàn giao mặt bằng hiện mới chỉ đạt 18%, chậm khoảng 52%. Nguyên nhân do diện tích rừng chiếm khá lớn, khoảng 52% (169ha) nên mất thời gian thực hiện các thủ tục.

Hồ sơ trình chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đã được 5/5 Bộ (Công an, Quốc phòng, GTVT, Kế hoạch và đầu tư, Tài nguyên và môi trường) có ý kiến thẩm định. UBND các tỉnh cũng đã có văn bản báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ ngành gửi Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT).

"Chúng tôi đang phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT hoàn thiện hồ sơ, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tuần tới", đại diện Ban QLDA 6 thông tin, đồng thời mong muốn Bộ NN&PTNT sớm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng để hoàn thành thủ tục trong tháng 10/2023.

Đây là cơ sở quan trọng để chủ đầu tư các dự án thành phần có cơ sở phối hợp thực hiện các công việc tiếp theo, phấn đấu bàn giao 100% diện tích mặt bằng cho nhà thầu thi công trong tháng 12/2023.

Tiến độ đang rất gấp

Với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, trên cơ sở tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án tại Nghị quyết số 273 ngày 11/7/2022.

Đề xuất cơ chế tạm ứng tiền vào quỹ trồng rừng

Theo đại diện Ban QLDA2, sau chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, việc thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế và chuyển mục đích sử dụng mất rất nhiều thời gian.

Dự kiến nhanh nhất, thời gian thực hiện xong nghĩa vụ nộp tiền mất khoảng 40-50 ngày, thủ tục chuyển mục đích thêm 30 ngày. Cơ chế tạm ứng tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cần được nghiên cứu, làm cơ sở thực hiện thủ tục để đẩy nhanh tiến độ, sớm bàn giao mặt bằng dự án.

Theo đó, diện tích rừng cần chuyển đổi sử dụng là hơn 1.054ha; Diện tích đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất cần chuyển mục đích sử dụng là gần 1.864ha.

Tháng 5/2023, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về diện tích rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên cần chuyển mục đích sử dụng để thực hiện dự án.

Trong đó, diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng là hơn 1.491ha, tăng 437ha so với Nghị quyết số 273 (rừng trồng tăng xấp xỉ 422ha, rừng tự nhiên tăng hơn 15ha). Diện tích đất rừng cần chuyển mục đích sử dụng là hơn 1.716ha, giảm gần 148ha.

Nguyên nhân do khi triển khai bước lập thiết kế kỹ thuật, phương án tuyến cần được tối ưu hóa để đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật; cập nhật chính xác điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn dẫn đến thay đổi cao độ đường đỏ, độ dốc mái đào, đắp...

Bộ TN&MT đã có văn bản đề nghị các địa phương có dự án đi qua cập nhật số liệu về diện tích rừng, đất rừng… cần chuyển mục đích sử dụng để thực hiện dự án. Thế nhưng, hiện mới có Quảng Ngãi, Bình Định gửi báo cáo về Bộ TN&MT.

"Tiến độ thi công dự án rất gấp đòi hỏi các địa phương cần khẩn trương hoàn thiện, gửi hồ sơ để bộ chuyên ngành sớm có cơ sở tổng hợp, trình Thủ tướng xem xét để báo cáo Quốc hội cho chủ trương trong kỳ họp gần nhất", đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng nêu ý kiến.

Riêng tại dự án cao tốc đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Ban QLDA 85 cho biết, diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng phục vụ dự án là hơn 50ha.

Đáng lo nhất là phạm vi qua rừng tự nhiên (hơn 12ha) từ Km 18+650 -Km 21+100 thuộc địa bàn huyện Hoài Ân và xã Phù Mỹ, Bình Định chưa được chuyển mục đích có khối lượng đào đất, phá đá rất lớn (khoảng 2,6 triệu m3). Ban QLDA 85 đã đề nghị Bộ GTVT có ý kiến với bộ chuyên ngành xem xét triển khai các thủ tục chuyển đổi theo một số phương án.

Theo Sở GTVT tỉnh Bình Định, nguyên nhân do trước kia chỉ tính toán phần đất rừng trong phạm vi tuyến chính, nay tăng thêm diện tích đất rừng ở phần phía taluy. Điều này buộc phải chuyển đổi mục đích sử dụng bởi đây hầu hết là rừng tự nhiên.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó giám đốc Sở GTVT Bình Định cho biết, tỉnh đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng diện tích đất lúa, đất rừng phục vụ dự án cao tốc được tính riêng, không tính vào chỉ tiêu sử dụng đất phân bổ trên địa bàn tỉnh; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho điều chỉnh, bổ sung diện tích chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ từ 32,6ha thành 37,96ha; đất rừng sản xuất từ 481,34ha thành 612,82ha.

Tỉnh đề nghị khi chuyển hồ sơ nộp tiền trồng rừng thay thế về Bộ NN&PTNT, trong thời gian chưa bố trí được quỹ đất trồng rừng thay thế ở tỉnh khác thì Bộ có văn bản giao Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam tạm thu tiền trồng rừng thay thế để các chủ dự án nộp tiền và tỉnh có cơ sở quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng. 

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó cục trưởng Cục Kiểm Lâm, Bộ NN&PTNT cho biết, tổng hợp từ 2018 đến nay, toàn quốc có 29 dự án trọng điểm liên quan đến giao thông. Tổng diện tích của 29 dự án trọng điểm là 2.378ha, trong đó có 777ha rừng tự nhiên, 1.531ha rừng trồng.

Ngày 19/9 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát hồ sơ các dự án có nhu cầu chuyển đổi mục đích đất rừng đã được Bộ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích đất rừng sang đất khác.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ 4/5/2023 đến nay, Bộ đã chủ trì thẩm định, báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với 16 dự án (thuộc 8 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Kon Tum).


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.